(BVPL) - Ngày 8/4, TAND huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương đưa 2 bị cáo Phạm Văn Cơ (SN 1974), Phạm Hải Ninh (SN 1975) cùng trú tại Hải Dương ra xét xử sơ thẩm về tội: “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Vụ án có những tình huống pháp lý hy hữu, khiến nhiều người tham dự “dở khóc, dở cười”…
 
Phiên tòa xét xử hai bị cáo Ninh và Cơ
Phiên tòa xét xử hai bị cáo Ninh và Cơ
 
Nhân chứng tố cáo cơ quan điều tra dùng nhục hình
 
Nội dung vụ án được tóm tắt như sau: Thời gian gần đây, trên địa bàn sông ngòi huyện Kinh Môn, Hải Dương xuất hiện nhiều tàu thuyền khai thác cát sỏi trái phép (cát tặc). Chính vì vậy, UBND huyện đã thành lập đội liên ngành để xử lý cát tặc. Khoảng 8 giờ ngày 9/7/2010, đội liên ngành phát hiện tàu cầu của ông Nguyễn Đức Diệp (SN 1952, trú tại huyện Kim Thành, Hải Dương) đang hút cát trái phép. Trên đường đưa tàu vi phạm về bến Phúc Thành để xử lý, bất ngờ tàu này bị chết máy, không đi được nữa. Phạm Văn Cơ điện thoại cho nhiều người làm việc trong đội liên ngành xin ý kiến chỉ đạo, trong đó có Phạm Văn Tình (SN 1972, nhân viên công ty cổ phân Đông Hải 27/7- đơn vị phối hợp với đội liên ngành huyện xử lý cát tặc). Lúc này anh Tình đang xin nghỉ việc dài ngày ở nhà để chữa bệnh. Do tàu bị chết máy không thể đưa về bến theo quy định, do đó, chủ tàu đã tự nguyện nộp phạt tại chỗ 5 triệu đồng (mức phạt thấp nhất đối với hành vi khai thác cát trái phép). Tiền phạt này chủ tàu nhờ anh Cơ, Chiến – là thành viên của đội liên ngành mang về nộp cho đội liên ngành để xử lý. Khi ông Diệp vừa đưa số tiền trên cho Phạm Hải Ninh (người ra đón Cơ, Chiến) cầm hộ thì lực lượng công an huyện Nam Sách bắt quả tang. Với hành vi nêu trên, Phạm Văn Tình, Phạm Văn Cơ, Phạm Hải Ninh bị truy tố về tội: “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Vì Tình có tiền sử mắc bệnh tâm thần nên cơ quan CSĐT quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can Phạm Văn Tình để giám định pháp y tâm thần.
 
Tại Toà, với vai trò người làm chứng, anh Phạm Văn Tình bức xúc: Hôm vụ án xảy ra, tôi đang xin nghỉ ốm dài ngày ở nhà chữa bệnh. Tôi không biết ai gọi điện cho tôi. Sau này tôi mới biết đó là anh Cơ. Tôi đang ở nhà chữa bệnh, không có mặt tại hiện trường, làm sao tôi biết chuyện tiền nong giữa Cơ, Ninh và ông Diệp chủ tàu thoả thuận thế nào mà làm chứng…?! “Tại cơ quan điều tra, tôi bị một cán bộ công an huyện Nam Sách tên Tống Thế Bộ ép cung, dùng nhục hình, đánh đập rất dã man…?! Sau này tôi mới biết trong quyết định phận công điều tra vụ án này không có tên điều tra viên nào là Tống Thế Bộ. Nhưng lại tham gia hỏi cung đánh đập tôi dã man và tham gia lấy lời khai anh Lương Văn Đủ (có ký tên trong bút lục 300). Tôi phản cung, những lời khai trước đây của tôi tại cơ quan điều tra đều không đúng sự thật”.Người làm chứng Phạm Văn Tình nói dõng dạc trước Toà.
 
Cần minh oan cho người vô tội
 
Quá trình tranh tụng, ông Nguyễn Đức Diệp (người bị hại) luôn khẳng định: Tôi tự nguyện nộp phạt 5 triệu đồng,  không ai bắt ép tôi phải nộp số tiền này”.  Điều này cũng thể hiện qua đơn của ông Diệp gửi các cơ quan chức năng: “Tôi không thấy bất kỳ một lời đe dọa, ép buộc từ phía anh Cơ và hai cán bộ liên ngành. Điều đó cũng phù hợp với lời khai trong kết luận điều tra và lời khai của anh Cơ.
 
Ông Diệp khẳng định không bị Ninh và Cơ ép buộc, việc đưa tiền là nhờ hai bị cáo nộp giúp
Ông Diệp khẳng định không bị Ninh và Cơ ép buộc, việc đưa tiền là nhờ hai bị cáo nộp giúp
 
Đại diện VKSND huyện Nam Sách đề nghị HĐXX xử phạt Phạm Văn Cơ 18 đến 21 tháng tù, Phạm Hải Ninh 15 đến 18 tháng tù về tội: “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Theo kế hoạch, ngày 16/4 tới đây, HĐXX sẽ tuyên án.
 
Theo ý kiến nhiều chuyên gia pháp lý, dấu hiệu của tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” là thủ đoạn làm dụng chức vụ, quyền hạn để uy hiếp tinh thần hoặc lừa dối, lạm dụng tín nhiệm. Trong vụ án này, các bị cáo không có hành vi uy hiếp tinh thần bị hại, không lừa dối hay lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt số tiền 5 triệu đồng. 
 
Luật sư Phạm Tiến Dũng cho rằng: Về mặt khách quan của tội phạm, Phạm Văn Cơ đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao; Anh Cơ tiến hành thu tiền phạt là do tình thế khách quan, Cơ không tự mình quyết định số tiền nộp phạt mà hỏi ý kiến các thành viên trong đội liên ngành. Mặt khác, mức tiền phạt 5 triệu là mức mà đội liên ngành áp dụng xử lý đối với tàu vi phạm trong trường hợp có tình huống phát sinh trên sông; Cơ không dùng thủ đoạn để uy hiếp tinh thần chủ tàu. Đặc biệt, Phạm Văn Cơ không chiếm đoạt số tiền 5 triệu cho riêng mình với mục đích tư lợi. Về chủ thể, Cơ không phải là người có thẩm quyền xử phạt. Vụ án này không có dấu hiệu đồng phạm. Theo quy định của khoản 1 điều 20 bộ luật hình sự: “ Đồng phạm là trượng hợp 2 người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm”. Căn cứ vào hồ sơ vụ án giữa anh cơ và anh Ninh không hề có sự bàn bạc, thống nhất về việc thu phạt số tiền 5 triệu của ông Diệp với mục đích chiếm đoạt…
 
Ngoài ra, trong vụ án này Cơ quan điều tra công an huyện Nam Sách, Viện kiểm sát nhân dân huyện Nam Sách đã có một số vi phạm về tố tụng. Căn cứ diễn biến phiên tòa cũng như hồ sơ vụ án cho thấy hành vi của hai bị cáo Cơ và Ninh chưa đủ yếu tố cấu thành tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.
 
Dư luận đang chờ sự phán quyết công minh của TAND huyện Nam Sách.
 
Nhóm  PVĐT
.