(BVPL) - Từ những bằng chứng cho thấy có nhiều dấu hiệu cố ý làm trái pháp luật trong các bản án của Thẩm phán Lê Hồng Hương, nhiều cơ quan báo chí đã đồng loạt lên tiếng, đăng tải những bài viết phản ánh về sự việc, nhưng dường như tất cả đều rơi vào im lặng. Gần đây, khi báo BVPL lại liên tiếp nhận được đơn thư cầu cứu từ người dân, đề nghị làm rõ đồng cơ trong vấn đề có hàng loạt sai sót trong bản án 29/2012/DSPT ngày 10/10/2012 của Thẩm phán Lê Hồng Hương.
Theo bà Phạm Thị Ngọc Dung (con gái của bà Mai Thị Tèo), trong vụ việc xét xử “đòi nhà cho ở nhờ” tại phiên tòa phúc thẩm lần 2 ngày 10/10/2012, có nhiều dấu hiệu tiêu cực cho thấy có sự bao che, bênh vực trắng trợn của Thẩm phán Lê Hồng Hương.
Vụ án liên quan đến nhà, đất được xây dựng, sử dụng từ trước năm 1975. Nguyên đơn là ông Phạm Văn Tỉnh (SN 1930), Nguyễn Thị Gió (SN 1940) và bị đơn bà Mai Thị Tèo (1949) có quan hệ gia đình anh chồng em dâu, cùng ngụ tại phường Xuân Bình, TX. Long Khánh. Vụ việc được TAND TX. Long Khánh thụ lý lần đầu năm 2005, qua 2 lần xét xử sơ thẩm, 2 lần phúc thẩm, 1 lần giám đốc thẩm và đang chờ giám đốc thẩm lần 2.
Dẫn chứng cho những cáo buộc này, bà Dung nêu lên những sai phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng của Thẩm phán Hương. Đầu tiên là về áp giá tài sản, vụ án được thụ lý năm 2005 và qua 2 lần xét xử thì bị TAND tối cáo hủy án theo thủ tục giám đốc thẩm. Đến năm 2010, tòa sơ thẩm đã định giá lại tài sản tranh chấp. Nhưng đến phiên phúc thẩm lần 2, Thẩm phán Hương lại áp dụng biên bản định giá ngày 21/7/2006, đây là hành vi cố tình làm giảm giá trị thật của tài sản, gây thiệt hai cho gia đình đương sự.
Còn phần án phí, Thẩm phán Hương lại cố tình áp dụng pháp lệnh án phí, lệ phí 2009 đế buộc gia đình Phạm Thị Ngọc Dung phải chịu 31.366.080 đồng là sai trái, gây thiệt hại về kinh tế.
Ngoài ra bà Phạm Thị Ngọc Dung còn cho rằng Thẩm phán Hương đã cố bắt ép gia đình bà thua kiện, mất nhà khi áp dụng Nghị quyết số 58/1998/UBTVQH10 của Quốc hội mà quên đi tinh thần hướng dẫn của pháp luật. Bà Dung dẫn chứng Nghị quyết: “trường hợp cho ở nhờ nhà ở buộc phải thể hiện bằng văn bản cho mượn nhà ở hoặc văn bản cho ở nhờ nhà ở mới có thể giải quyết trả lại nhà ở nếu bên ở nhờ không tự nguyện trả lại nhà”. Trong khi đó, khởi kiện nhưng nguyên đơn không bất kỳ tài liệu hay văn bản nào chứng minh cho mượn, cho thuê… Đó là chưa nói đến quy định tại Điều 255 Bộ luật dân dự 1995 và Điều 274 Bộ luật dân sự năm 2005: “Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục công khai… trong thời hạn 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu đối với tài sản đó…”
Trong Điều 4 và 113 Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành luật đất đai, quy định “phải có văn bản thỏa thuận về cho mượn đất mới thuộc trường hợp người mượn mới trả lại đất…”
Bà Phạm Thị Ngọc Dung cũng nêu lên những bất minh phiên xét xử phúc thẩm lần 2 do Thẩm phán Hương là chủ tọa. Nhất là chuyện bác đơn ở phiên phúc thẩm lần 1 rồi bất ngờ chấp nhập nhận đơn kiện không có căn cứ của nguyên đơn trong phiên phúc thẩm lần 2, mặc dù vụ án không phát sinh thêm tình tiết mới làm thay đổi bản chất vụ việc. Điều đáng nói quan điểm “giữ nguyên bản án sơ thẩm số 81 ngày 24/9/2010 khi yêu cầu khởi kiện không có căn cứ chấp nhận” của VKSND tỉnh Đồng Nai không được đưa vào trong bản án.
Thẩm phán Hương còn bị tố cố ý làm trái pháp luật khi xét xử vắng mặt người có quyền và nghĩa vụ liên quan.
Chánh án TAND tỉnh Đồng Nai Huỳnh Văn Lưu cũng không nằm ngoài những ẩn khuất của vụ án khi cố ý phân công Thẩm phán tòa hình sự sang giải quyết việc dân sự. Bị đơn đã nhiều lần làm đơn xin đổi chủ tọa khi phát hiện Thẩm phán Hương có quan hệ thân thiết với gia đình nguyên đơn nhưng bị từ chối.
Những sai phạm của bản án 129/2012/DSPT ngày 10/10/2012 và Thẩm phán Lê Hồng Hương đã được Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai phát hiện và chỉ rõ trong báo cáo số 590/BC-HĐND ngày 24/9/2013. Thế nhưng TAND tỉnh Đồng Nai mà cụ thể là Thẩm phán Lê Hồng Hương vẫn chưa có động thái trước việc tạo ra “oan sai” này của mình?
Thẩm phán suy cho cùng cũng chỉ là con người, nghĩa là không thể tránh khỏi sai sót khi thực hiện công việc. Nhưng liên tục phạm những sai lầm cơ bản, tạo ra những oan án như Thẩm phán Hương là nỗi lo lắng thật sự của người dân. Dư luận hoàn toàn có cơ sở khi cho rằng “oan sai chắc chắn sẽ còn nhiều” khi những vị Thẩm phán này tiếp tục còn tại vị chánh tòa hình sự tỉnh.
Minh Quân