(BVPL) - Ông Doãn Văn Hậu- Chủ tịch UBND xã Phú Hộ (thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) cho biết: “Cả xã có hơn 1.000 trường hợp nghỉ hưu nhưng có khoảng 700 trường hợp bị sai lệch thông tin giữa chứng minh nhân dân (CMND) với thẻ bảo hiểm ý tế (BHYT). Số này, tập trung ở các cụ tuổi cao, sinh ra ở nơi khác, họ xa quê dã lâu, việc xin cấp lại bản sao giấy khai sin (GKS) gặp khó khăn, rất cần cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) xem xét, giải quyết.
Đừng đỗ lỗi cho người già!
Cụ Hà Xuân Huân (trú tại khu tập thể Z121) xã Phú Hộ đưa cho chúng tôi xem bản sao GKS do UBND xã này cấp ngày 04/12/2014 và giấy CMND do Công an tỉnh Phú Thọ cấp ngày 19/8/2008. Cả 2 giấy tờ nói trên đều ghi cụ Huân sinh ngày 15/3/1932. Thế nhưng, thẻ BHYT (do BHXH tỉnh Phú Thọ cấp ngày 02/02/2010, có giá trị đến 31/12/2014) ghi cụ Huân sinh ngày 01/01/1933. Ngạc nhiên hơn, thẻ BHYT của cụ vừa mới được cấp tiếp ngày 23/12/2014, có giá trị đến ngày 31/12/2019, (do ông Quyền Minh Tú- giám đốc BHXH tỉnh Phú Thọ ký) lại ghi cụ Huân sinh ngày 01/01/1950 (!?). Lỗi này, rõ ràng không thể do cụ Huân mà phải khẳng định là do... nhân viên đánh máy.
|
Giấy CMND và thẻ BHYT của cụ ông Hà Xuân Huân bị sai cả ngày, tháng, năm sinh. |
Tương tự, cụ Lưu Thị Len, có ngày, tháng, năm sinh ghi trong sổ hộ khẩu, giấy CMND và bản sao GKS là 05/6/1937, nhưng thẻ BHYT lại ghi: 01/11/1936 (!?). Cụ Nguyễn Thị Tuyên, có ngày, tháng, năm sinh ghi trong sổ hộ khẩu, giấy CMND và bản sao GKS là 22/11/1953, nhưng trong thẻ BHYT lại là 01/12/1954. Cụ Trịnh Ngọc Minh, có ngày sinh ghi trong các giấy tờ hộ tịch, tư pháp là 01/01/1933, nhưng trong Thẻ BHYT lại là: 01/5/1933...
Theo phản ánh của các cụ, việc sai lệch thông tin giữa CMT và Thẻ BHYT nêu trên, từ năm 2015 trở đi sẽ rất khó khăn trong việc thanh toán quyền lợi BHYT khi khám, chữa bệnh vì BHXH đặt ra yêu cầu là các thông tin cá nhân ghi trên thẻ BHYT phải khớp với giấy CMND hoặc hộ khẩu.
|
Giấy CMND và Thẻ BHYT của cụ bà Lương Thị Thanh sai lệch năm sinh. |
Cụ Huân băn khoăn: “Tôi về hưu đã 25 năm nay chưa phải đi viện khám, chữa bệnh lần nào, nay có thông tin như vậy, hàng trăm cụ hưu chúng tôi lo lắm. Cuối năm 2014 và đầu năm 2015, BHXH yêu cầu chúng tôi về tận nơi sinh để xin cấp lại bản sao GKS. Chúng tôi xa quê hàng chục năm nay, mấy lần về quê xin cấp lại bản sao GKS như BHXH yêu cầu, các cháu làm hộ tịch ở xã bảo: các bác hồi đó không có sổ gốc, cháu không xác nhận được, vậy là chúng tôi bó tay”.
Cụ Trịnh Ngọc Minh năm nay đã hơn 80 tuổi, ái ngại chia sẻ: “Ở khu gia binh chúng tôi, có 2 trường hợp chết mấy năm rồi mà không thanh toán được tiền tuất chỉ vì các giấy tờ không khớp nhau về thông tin cá nhân. Chúng tôi không phải là người quản lý hồ sơ, không tự ý ghi những thông tin trên đó nên không thể đổ lỗi cho chúng tôi được”.
BHXH Thị xã Phú Thọ cần nâng cao trách nhiệm
Ông Doãn Văn Hậu, sinh năm 1959, là sỹ quan Bộ tư lệnh Hóa Học chuyển ngành, nay là Chủ tịch UBND xã Phú Hộ. Ông Hậu tỏ ra rất cảm thông về những vướng mắc nêu trên của những người lính ở Nhà máy Z121 nghỉ hưu trên địa bàn. Ông Hậu chia sẻ: Họ là những người sinh ra, lớn lên ở rất nhiều vùng quê xa xôi trong nước, trước khi nghỉ hưu là cán bộ, nhân viên, công nhân của các đơn vị quân đội trên địa bàn. Từ khi họ nhập hộ khẩu về đây, mọi nghĩa vụ công dân với địa phương, các cụ và gia đình đều thực hiện nghiêm túc. Cuối năm 2014, thấy rất nhiều cụ lên UBND xã xin cấp lại bản sao GKS. Thấy sổ hộ khẩu, giấy CMND và các giấy tờ tùy thân khác của các cụ đều có cùng ngày, tháng, năm sinh, UBND xã đã giải quyết. Tuy nhiên, do cán bộ Tư pháp cấp bản sao GKS cho các cụ nhưng không lập sổ theo dõi, chưa đúng quy trình “đăng ký lại việc sinh” nên ngày 6/2/2015 Sở Tư pháp đã có văn bản chấn chỉnh”.
|
Sổ hộ khẩu và thẻ BHYT của cụ bà Trịnh Thị Khoát cũng bị sai lệch năm sinh. |
Chúng tôi tìm gặp bà Nguyễn Thị Kim Chung- Phó giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Phú Thọ, sau khi nghe phản ánh về những vướng mắc liên quan đến GKS ở xã Phú Hộ, bà Chung giải thích: “Sở chỉ nhắc nhở xã Phú Hộ làm cho đúng quy trình chứ không khẳng định các bản sao GKS mà UBND xã đã cấp có một số công dân không có giá trị pháp lý. Theo quy định của pháp luật, những trường hợp mất GKS gốc, vẫn được quyền “đăng ký lại việc sinh” tại nơi sinh ra hoặc nơi cứ trú. Muốn “đăng ký lại việc sinh” công dân đó phải làm văn bản cam kết và cán bộ Tư pháp xã phải lập sổ theo dõi để quản lý theo quy định về hộ tịch”. Thế nhưng, ông Nguyễn Hữu Hùng- giám đốc BHXH thị Phú Thọ thì bảo: “Khi nhận được công văn số 89/STP-HCTP ngày 06/2/2015, chúng tôi nghĩ là tất cả các trường hợp có nơi sinh ngoại tỉnh vừa được UBND xã Phú Hộ cấp bản sao GKS năm 2014 về trước đều phải hủy để cấp lại nên chờ”.
Gặp ông Nguyễn Văn Phác- Phó giám đốc BHXH tỉnh Phú Thọ gần cuối ngày làm việc, mặc dù không hẹn trước nhưng ông đã nhận lời tiếp phóng viên. Sau khi nghe những thông tin từ phóng viên phản ánh, ông Phác giải thích: “Quan điểm của BHXH là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tham gia và thụ hưởng các sản phẩm BHXH, trong đó có BHYT. Tôi mới nhận phụ trách lĩnh vực này từ đầu năm 2015 nhưng đã ký hồ sơ, giải quyết cho gần 10 ngàn trường hợp được hưởng BHYT nhưng sai lệch về thông tin cá nhân. Trường hợp hàng trăm cụ hưu ở xã Phú Hộ tôi sẽ chỉ đạo anh em BHXH thị xã Phú Thọ xem xét giải quyết dứt điểm”. Nói xong, ông Phác điện thoại cho ông Hùng. Qua cuộc điện thoại, chúng tôi cảm nhận được thái độ rất nghiêm túc của ông Phác, ông nói với ông Hùng: “Người dân cứ có đủ các giấy tờ như sổ hộ khẩu, giấy CMND, bản sao GKS là mình phải giải quyết, nếu các giấy tờ đó có sai sót thì trách nhiệm thuộc cơ quan khác, không được gây khó khăn cho người dân làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành”.
Chỉ trong 1 ngày, phóng viên đã có được những câu hỏi cần thiết cho việc giải quyết vướng mắc liên quan đến quyền lợi BHYT cho hàng trăm cụ nghỉ hưu ở thị xã Phú Thọ. Tuy nhiên, những ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Sở Tư pháp và của BHXH tỉnh Phú Thọ có được thực hiện đúng, kịp thời, nghiêm túc, vẫn đang là băn khoăn dư luận.
Trần Cường