Cần đảm bảo quyền lợi của người dân
Cập nhật lúc 09:12, Thứ năm, 20/09/2012 (GMT+7)
Công trình Nhà máy thủy điện Sêrêpôk 4A nằm trên địa phận huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk được khởi công từ tháng 2/2008, nhưng đến nay vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng vẫn bị vướng bởi những khúc mắc về giá và quy hoạch đất.
Người dân của hai xã Ea Huar, Ea Wen, huyện Buôn Đôn, Đăk Lăk vui mừng khi có công trình thủy điện về với thôn xã. Nhưng niềm vui chưa được bao lâu thì họ đứng trước nguy cơ không đủ tiền để mua rẫy đầu tư thâm canh. Có việc đó, người dân cho rằng do giá đền bù được áp dụng quá rẻ nên họ không tái sản xuất lại được những cây trồng vật nuôi trước đây.
Ông Vũ Văn Thanh, buôn Tul B xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn là một minh chứng. Gia đình ông có 5 nhân khẩu, ông từ miền Bắc vào Tây Nguyên lập nghiệp. Cuộc sống của toàn bộ gia đình chỉ nhờ vào 33.089m2 đất mà ông mua lại. Khi xây dựng thủy điện thì toàn bộ diện tích gia đình ông bị thu hồi để làm công trình. Tuy nhiên, giá đền bù quá thấp khiến gia đình ông Thanh đang đứng trước nguy cơ không chốn nương thân. Ông Thanh cho rằng: “Khi tiến hành đền bù, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng dự án thủy điện tính cho gia đình tôi mỗi lần mỗi khác nên tôi không biết phương án tính nào là đúng. Cụ thể, lần thứ nhất, họ tính cho chúng tôi được nhận hơn 622 triệu đồng; lần thứ hai được hơn 883 triệu đồng; nhưng lần thứ 3 thì lại giảm xuống còn hơn 545 triệu đồng; Lần thứ tư, họ tính chỉ còn hơn 498 triệu đồng. Vì vậy mà mà chúng tôi nghi ngờ về tính chân thực của phương án đền bù giải phóng mặt bằng tại công trình thủy điện Sêrêpôk 4A. Không hiểu Hội đồng đền bù lấy số liệu từ đâu, căn cứ nào mà có nhiều phương án đến vậy? Hơn nữa, vườn sả của gia đình tôi sắp thu hoạch cũng được tính một cách máy móc, rẻ mạt nên gây thiệt thòi cho gia đình rất nhiều”.
Qua tìm hiểu, ông Thanh cho biết: Sở dĩ số tiền bù giảm từ gần 900 triệu đồng xuống còn gần 500 triệu đồng là do Hội đồng đền bù đã xác định đất canh tác của gia đình từ đất nông nghiệp sang đất quy hoạch thao trường huấn luyện. Tuy nhiên, theo ông Thanh thì tại Quyết định 448/QĐ-UBND ngày 2/4/2004 của UBND tỉnh Đăk Lăk không có nội dung quy định đất ở khu vực nào là đất dành cho thao trường huấn luyện. Hơn nữa, tại Quyết định số 2175/QĐ-UBND về việc thu hồi đất của hộ gia đình ông Vũ Văn Thanh khẳng định: “Hiện trạng sử dụng đất: Trồng cây lâu năm” và biên bản xác định hiện trạng của Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng cũng chứng minh đất gia đình là đất nông nghiệp. Ông Thanh bức xúc: Diện tích đất tôi mua, trồng cây lâu năm được xã, huyện biết là đất nông nghiệp, không hiểu sao lại có quy hoạch trong diện tích thao trường huấn luyện. Phải chăng, Hội đồng bồi thường muốn đưa một số diện tích đất vào quy hoạch này để bồi thường giảm so với giá hiện hành, mà thực tế vụ việc đang diễn ra như vậy.
Dù đang khiếu nại về mức giá đền bù, song diện tích đất của gia đình ông Thanh vẫn bị cưỡng chế để thực hiện dự án thủy điện theo đúng tiến độ. Tuy nhiên, ông Thanh cho rằng việc cưỡng chế thông báo một ngày, tiến hành cưỡng chế ngày khác là có vấn đề. Hơn nữa, trước khi tiến hành cưỡng chế không có thông báo, giải thích, thuyết phục gia đình. Đến nay, gia đình ông đang đứng trước cảnh khuynh gia bại sản vì đã đầu tư số vốn lớn cho cây trồng bị phá bỏ là một tổn thất không thể bù đắp được.
Đề nghị UBND tỉnh Đăk Lăk vào cuộc kiểm tra vụ việc bồi thường giải phóng mặt bằng tại công trình thủy điện Sêrêpôk 4A để đảm bảo đúng pháp luật, quyền lợi của người dân tránh khiếu kiện kéo dài.
B.B.Đ
.