(BVPL) - Sau 17 năm 2 tháng giữ vị trí quan trọng trong quân đội và 9 năm giữ vị trí lãnh đạo trong một đơn vị nhà nước nhưng chỉ vì một bức thư tay của Trưởng ban tổ chức Tỉnh ủy tỉnh Sóc Trăng lúc bấy giờ, sự nghiệp và danh dự của ông Huỳnh Xuân Phong (SN 1952, đ/c: 286/12D, đường CMT8, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ) tan thành mây khói. Và đến nay đã 21 năm trôi qua, ông Phong luôn “cậy cửa” các cơ quan nhà nước để có câu trả lời thoả đáng nhất đối với mình.

Một thời oanh liệt …

Ngày 10/10/1967, ông Huỳnh Xuân Phong nhập ngũ tại Tiểu đoàn 309, Trung đoàn 1 U Minh, QK9 lúc đó ông mới 15 tuổi và được kết nạp đảng sau đó 3 năm. Ông Huỳnh Xuân Phong đã kinh qua các vị trí  quan trọng như: Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 1 và Phó tham mưu trưởng Trung đoàn 1 Sư đoàn 330, QK9. Đầu năm 1985, ông Phong chuyển ngành và được tổ chức phân công về tỉnh Hậu Giang (nay là TP.Cần Thơ). Ban tổ chức Tỉnh ủy Hậu Giang lúc bấy giờ đã phân công ông Huỳnh Xuân Phong giữ chức vụ Phó Giám đốc Công ty Xuất khẩu huyện Châu Thành. Năm 1988, UBND tỉnh Hậu Giang ký quyết định phân công ông Phong đảm nhiệm chức danh Giám đốc Xí nghiệp sản xuất chế biến hàng xuất khẩu huyện Châu Thành. Năm năm sau (năm 1993), do chủ trương sát nhập các công ty cấp huyện và công ty thương nghiệp huyện, ông Phong xin chuyển công tác về tỉnh Sóc Trăng thì được Ban tổ chức chính quyền tỉnh Hậu Giang lúc bấy giờ chấp nhận và Ban Tài chính Quản trị tỉnh Sóc Trăng tiếp nhận.


Đáng lưu ý là tại đơn xin chuyển công tác đề ngày 10/8/1993 của ông Phong, ông Nguyên Minh Ở - Trưởng ban Tài chính – Quản trị tỉnh Sóc Trăng lúc bấy giờ đã “bút phê” rất rõ: “27/8/93. Thuận theo đề nghị xin việc làm của đồng chí Huỳnh Xuân Phong, Ban Tài chính Quản trị tỉnh ủy Sóc Trăng nhận về ban Tài Chính – Quản trị….”. Được sự tiếp nhận của Ban tài chính quản trị tỉnh Sóc Trăng lúc bấy giờ, ông Huỳnh Xuân Phong đã làm các thủ tục cần thiết như: giấy chuyển sinh hoạt đảng từ Chi bộ Ban tổ chức lao động thương binh và xã hội, Đảng bộ huyện Châu Thành đến Ban tổ chức tỉnh ủy Cần Thơ. Phòng tổ chức LĐ TBXH huyện Châu Thành Cần Thơ cũng đã có quyết định thôi trả lương cho ông Phong đồng thời yêu cầu đơn vị mới là Ban tổ chức hành chính quản trị tỉnh ủy Sóc Trăng lúc bấy giờ "tiếp tục trả lương và các khoản phụ cấp trên" như: lương chính, lương chính mới, trợ cấp, bù giá….cho ông Phong kể từ ngày 1/10/1993.

Tai bay vạ gió vì bức thư tay

Ông Huỳnh Xuân Phong cho biết, sau khi chuyển hồ sơ công tác đến Ban tài chính quản trị tỉnh Sóc Trăng, ông rất yên tâm và chờ tổ chức “phân công”. Tuy nhiên trong thời gian “chờ phân công”, mọi thủ tục tiếp nhận ở đơn vị mới vẫn chỉ “dậm chân tại chỗ” và "phong bì đựng hồ sơ" của ông vẫn được đóng kín. Mãi đến năm 1996, lúc này, ông Nguyễn Minh Ở cho rằng không sắp xếp được công việc cho ông Phong vì “tổ chức thừa người cũ” nên đã “trả ông Phong” cho Ban tổ chức tỉnh ủy Cần Thơ “nhờ tiếp nhận”.

 

Bức thư tay của ông Nguyễn Tấn Quyên gửi ông Ba Ở.
Bức thư tay của ông Nguyễn Tấn Quyên gửi ông Ba Ở.


Ông Huỳnh Xuân Phong khẳng định, ông hoàn toàn có thể đã được Ban tài chính quản trị tỉnh Sóc Trăng bố trí công tác và làm việc với mức lương tương ứng Giám đốc xí nghiệp của một đơn vị nhà nước, tuy nhiên, ông mất việc làm, không có tổ chức để sinh hoạt đảng chỉ vì bức thư tay của ông Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy tỉnh Sóc Trăng lúc bây giờ. Tại bức thư tay đề ngày 31/8/1993 của ông Quyên gửi cho anh Ba (tức ông Nguyễn Minh Ở) có nội dung cho rằng “có lẽ nên bố trí đồng chí Phong bên GT-VT tốt hơn bởi có mấy chuyện cần lưu ý…”. Theo đó, ông Quyên khẳng định ông Phong “bị khuyết điểm nên đã bị khai trừ Đảng và hơn 2 năm nay đã nằm chờ huyện phân công nhưng không phân công được, không sinh hoạt đảng. Về mặt sinh hoạt cá nhân, gia đình, vợ con cũng có phần bê bối”. Cuối bức thư, ông Quyên không quên nói sẽ gặp lại ông Ở để “trao đổi lỹ lưỡng” hơn về việc bố trí công tác cho ông Phong.

 …Và việc nhầm lẫn tai hại

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Phong cho biết, những năm 90, trên địa bàn huyện Châu Thành có một số đơn vị doanh nghiệp nhà nước trong đó có Công ty Xuất khẩu huyện Châu Thành do ông Phan Thế Minh làm Giám đốc; Xí nghiệp sản xuất chế biến hàng xuất khẩu huyện Châu Thành do ông Nguyễn Xuân Phong làm Giám đốc. Ông Phan Thế Minh đã bị khai trừ Đảng vì có quan hệ với cô C.H.T. Có thể nhân chuyến ông Quyên về công tác tại huyện Châu Thành khi nghe tin đồn thổi về trường hợp của ông Phan Thế Minh nên đã nghĩ rằng thông tin trên là nói về ông Phong, người đã được Ban Tài chính Quản trị tỉnh ủy Sóc Trăng tiếp nhận nên ông Quyên cho rằng việc bố trí ông Phong làm việc ở Ban Tài chính Quản trị tỉnh Sóc Trăng là không phù hợp, ông Phong nói. Vì nội dung bức thư tay của ông Quyên gửi cho ông Ở thể hiện quan điểm chỉ đạo khá rõ về việc phân công công tác đối với ông Huỳnh Xuân Phong nên ông Ở cũng chỉ biết “để hồ sơ nằm im tại chỗ” và phải 3 năm sau chính ông Ở có công văn gửi Ban tổ chức tỉnh ủy Cần Thơ “nhiệt tình giúp đỡ phân công công tác cho đồng chí Phong”. Nhưng rồi, khi hồ sơ chuyển công tác của ông Phong đến tay ông Huỳnh Văn Tạo – Phụ trách nhân sự cán bộ tỉnh Cần Thơ lúc bấy giờ thì cũng chỉ “nằm đắp chiếu”, còn bản thân ông Phong từ vị trí Giám đốc Xí nghiệp sản xuất chế biến hàng xuất khẩu huyện Châu Thành, một doanh nghiệp nhà nước lớn nhất nhì thời bấy giờ rơi vào hoàn cảnh mất việc làm, không có tổ chức sinh hoạt đảng. Và cứ thế, cứ 3 đến 5 tháng một lần, ông Phong lại đến Ban tài chính quản trị tỉnh Sóc Trăng hoặc sau này là Ban tổ chức tỉnh ủy Hậu Giang để hỏi về việc phân công, bố trí công việc của ông.


Mọi việc sẽ cứ thế trôi qua nếu như không có một ngày ông Ngô Văn Gấm – Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hậu Giang và ông Huỳnh Văn Tạo – Trưởng ban Tổ chức tỉnh ủy Hậu Giang giao trả hồ sơ cho ông Phong. Và nghiễm nhiên bức thư tay ông Nguyễn Tấn Quyên viết gửi ông Nguyễn Minh Ở đã trả lời câu hỏi “Vì sao ông Huỳnh Xuân Phong không được tổ chức phân công công tác?!”.
 

NHÓM PV

.