Cuối tháng 6 vừa qua, tôi được một đồng nghiệp chia sẻ câu chuyện, tại mỏ vàng Tốc Lù (ở thôn Kim Vân, xã Kim Hỷ, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn), sau khi doanh nghiệp khai thác xong đã “phủi tay” trách nhiệm, không hoàn thổ và phục hồi môi trường theo như cam kết, khiến người dân không có ruộng đất để canh tác dẫn đến đời sống gặp nhiều khó khăn. Để tìm hiểu câu chuyện này, tôi quyết định đi lên "mục sở thị" tại Tốc Lù.
|
|
Con suối qua thôn Kim Vân chảy vào Tốc Lù. Ảnh: H. Nguyên |
Để vào mỏ vàng Tốc Lù, chúng tôi phải vượt qua con đường độc đạo quanh co, đèo dốc hiểm trở, bắt đầu từ Quốc lộ 279 xuyên rừng, vượt núi khoảng 16 km mới đến thôn Kim Vân. Từ đây, chúng tôi tiếp tục đi khoảng 3km nữa, dọc theo con suối, rồi tiếp tục vượt qua bãi đất đá gồ ghề, rộng lớn mới đến được khu trung tâm bãi vàng.
|
|
Nhiều năm trước đây, Tốc Lù được ví như là “thung lũng vàng”. Ảnh: H.Nguyên |
Mỏ vàng Tốc Lù nằm trong vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ. Nhiều năm trước đây, Tốc Lù được ví như là “rốn vàng” hay “thung lũng vàng” ở tỉnh Bắc Kạn. Vì vậy, dân đào vàng tứ xứ đã tập trung về đây để lập bưởng, đào đãi vàng trái phép.
|
|
Ông Đinh Văn Đoạn (ở thôn Kim Vân) nói với phóng viên BVPL: "Trước đây thung lũng Tốc Lù là một cánh đồng rộng lớn". Ảnh: Trần Quỳnh |
Dẫn chúng tôi đi xem thực địa, ông Đinh Văn Đoạn (ở thôn Kim Vân) cho biết, trước đây thung lũng Tốc Lù là một cánh đồng rộng lớn, đất đai bằng phẳng, phì nhiêu với những ruộng lúa, nương ngô... và ở giữa có con suối nhỏ chảy qua, được bao quanh bởi núi đá và rừng nghiến cổ thụ.
|
|
Sau “cơn khát” vàng của doanh nghiệp, hậu quả để lại cho người dân nơi đây là một "cánh đồng chết” Ảnh: H.Nguyên
|
Năm 2005, UBND tỉnh Bắc Kạn cấp phép cho Công ty Tấn Thành vào Tốc Lù khai thác vàng sa khoáng. Theo đó, hơn 40 hộ dân ở thôn Kim Vân đã phải nhường ruộng đất, soi bãi để cho Công ty Tấn Thành vận chuyển nhiều thiết bị, máy móc cỡ lớn vào đây đào, bới tìm kim loại quý hiếm.
|
|
Hơn 40 hộ dân ở thôn Kim Vân đã phải nhường ruộng đất cho Công ty Tấn Thành khai thác, đào bới vàng sa khoáng. Ảnh: H.Nguyên |
Đến cuối năm 2008, hết hạn khai thác, UBND tỉnh Bắc Kạn phê duyệt đề án đóng cửa mỏ, theo quy định, Công ty Tấn Thành phải dừng việc khai thác để hoàn thổ, phục hồi môi trường như hiện trạng ban đầu, rồi giao trả lại đất cho người dân canh tác.
|
|
Hơn chục năm nay, cái đói, cái nghèo vẫn luôn đeo bám người dân thôn Kim Vân nhưng họ thì bất lực đứng nhìn ruộng đồng phải bỏ hoang. Ảnh: H.Nguyên |
Tuy nhiên, công ty này đã không chấp hành việc đóng cửa mỏ, tiếp tục khai thác trái phép. Cuối năm 2009, khi lực lượng liên ngành của tỉnh Bắc Kạn và UBND huyện Na Rì tiến hành kiểm tra, tạm giữ một số phương tiện máy móc thì doanh nghiệp này mới chịu dừng việc khai thác và rút ra khỏi Tốc Lù.
|
|
Phóng viên BVPL bên bể nước sinh hoạt của công nhân đào vàng - "phế tích" của Công ty Tấn Thành để lại Tốc Lù. |
Theo quy định, Công ty Tấn Thành phải hoàn thổ, phục hồi môi trường tại khu vực mỏ đã khai thác. Thế nhưng, công ty này đã cuốn gói và “phủi " trách nhiệm, không hoàn thổ. Vài năm sau đó, doanh nghiệp này đã tuyên bố phá sản.
|
|
Doanh nghiệp khai thác vàng đi qua, “bờ xôi, ruộng mật” của người dân biến thành những gò đất, đá lổn nhổn . Ảnh: H.Nguyên |
|
|
Và hàng trăm, hàng nghìn thùng vũng, hố sâu trông như "bãi chiến trường". |
Hệ lụy là hàng chục hecta “bờ xôi, ruộng mật” của người dân thôn Kim Vân bị biến dạng, trông như một “bãi chiến trường” sau một trận bom rải thảm. Hàng trăm, hàng nghìn thùng vũng, hố sâu và những gò đất đá nằm rải rác khắp thung lũng Tốc Lù, khiến nơi đây trở thành "cánh đồng chết”.
|
|
Ông Đinh Văn Đoạn thất thần ngồi nhìn ruộng đất của gia đình mình và dân bản phải bỏ hoang mà cái đói thì luôn đeo bám lấy họ . Ảnh: H.Nguyên |
|
|
Một trong những nguyên nhân dẫn đến đói nghèo là do người dân không có đất canh tác, sản xuất. Ảnh: H.Nguyên |
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Duy Huế - Chủ tịch UBND xã Kim Hỷ cho biết, thôn Kim Vân có hơn 50 hộ nhưng nhiều gia đình thuộc diện hộ nghèo, một trong những nguyên nhân dẫn đến đói nghèo là do người dân không có đất canh tác.
|
|
Ông Nguyễn Duy Huế - Chủ tịch UBND xã Kim Hỷ chỉ cho Phóng viên BVPL biết mực nước dâng lên tại Tốc Lù vào mùa mưa . Ảnh: Trần Quỳnh. |
Ông Nông Văn Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Na Rì cho biết: Hầu hết, các doanh nghiệp được cấp mỏ trên địa bàn huyện Na Rì, sau khi kết thúc hoạt động khai thác khoáng sản đều thực hiện đóng cửa mỏ, hoàn thổ, phục hồi môi trường, bàn giao lại ruộng đất cho người dân. Hiện, chỉ còn mỏ vàng Tốc Lù là doanh nghiệp không thực hiện hoàn thổ, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân. Về việc này, UBND huyện đã nhiều lần báo cáo lên các sở, ban. ngành của tỉnh đề nghị hỗ trợ, nhưng đến nay công tác hoàn thổ vẫn chưa thực hiện được.
|
|
Thung lũng Tốc Lù được bao quanh bởi núi đá và rừng nghiến cổ thụ . Ảnh: H.Nguyên
|
Như vậy, trong khi cơ quan chức năng tỉnh Bắc Kạn còn chưa tìm ra hướng giải quyết việc hoàn thổ tại mỏ vàng Tốc Lù, nghĩa là người dân thôn Kim Vân vẫn chưa có đất canh tác và cái đói, cái nghèo vẫn tiếp tục đeo bám lấy họ.
|
|
Khi cơ quan chức năng tỉnh Bắc Kạn chưa tìm ra hướng giải quyết hoàn thổ mỏ vàng Tốc Lù, nghĩa là người dân thôn Kim Vân chưa có ruộng đất để canh tác . Ảnh: H.Nguyên |
|
|
Vào mua mưa, Tốc Lù như một hồ nước. Phía cuối thung lũng có một hang đá tiêu thoát nước và nước chảy đi đâu không ai biết nên người dân địa phương đặt tên cho nơi đây là Tốc Lù (tiếng Tày), nghĩa là "nước rơi xuống lỗ”. Ảnh: H.Nguyên |
|
|
Con suối nhỏ chảy qua Tốc Lù dẫn nước tiêu thoát xuống hang. Ảnh: H.Nguyên |
Ngày 20/7/2021, Tổ đại biểu HĐND tỉnh Bắc Kạn đã có buổi tiếp xúc cử tri tại xã Kim Hỷ (huyện Nam Rì), cử tri đã kiến nghị, đề nghị UBND tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo hoàn thổ, phục hồi môi trường tại mỏ vàng Tốc Lù để giao đất cho người dân canh tác.
Ông Nông Văn Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Na Rì, đại diện cho Tổ đại biểu hứa tiếp thu đầy đủ kiến nghị của cử tri để chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
|