(BVPL) - Thị trường dược liệu đang khan hiếm và tăng giá bất thường trong lúc nhiều người bệnh không mua được đúng vị thuốc cần. Đằng sau sự việc này là gì?

Khốn khổ tìm thuốc

Đó là thực trạng đang diễn ra tại chợ đầu mối thuốc bắc Ninh Hiệp (huyện Đông Anh, TP. Hà Nội). Đây là khu vực được coi là thủ phủ dược liệu, vị thuốc đông y của các tỉnh phía Bắc nhưng thời gian gần đây, nhiều người tìm đến mua hàng cũng không thể có được mặt hàng như mong muốn.
 
Cửa khẩu hải quan Chi Ma (Lạng Sơn)
Cửa khẩu hải quan Chi Ma (Lạng Sơn)

 

Ngày 17/10, ông Phạm Văn Hướng (45 tuổi, ngụ tại thị trấn Từ Sơn, Bắc Ninh) có mặt tại chợ đầu mối thuốc bắc Ninh Hiệp từ sáng sớm để mua cho mình dược liệu Sâm củ, Ngưu tất bổ sung vào bài thuốc chữa bệnh u xơ tử cung cho vợ nhưng đã đi nhiều cửa hàng vẫn không tìm được.


Ông Hướng nói: “Tôi lấy thuốc bắc chữa bệnh cho vợ được gần 1 năm thấy, thấy bệnh tình bà ấy thuyên giảm nên cũng ưu tiên dùng. Ban đầu thì việc lấy thuốc suôn sẻ, chỉ cần mang theo đơn đến chợ Ninh Hiệp bảo người ta bốc cho nhưng không hiểu sao vài tháng gần đây thì phải lấy số lượng hạn chế. Bình thường mỗi lần tôi lấy 30 thang thuốc dùng cho cả tháng nhưng giờ học chỉ bán 5 – 10 thang thuốc thôi”.
Điều đó khiến ông Hướng cảm thấy mệt mỏi khi phải đi lại nhiều lần, thậm chí có lần ông còn phải ra về tay trắng hoặc dùng thuốc thiếu một số vị bởi nơi ông lấy đã “hết hàng”. Ông Hướng cho hay: “Tôi có hỏi thì được họ cho biết dạo này nguồn thuốc về hạn chế, không tìm được dược liệu nên phải bán nhỏ giọt. Nếu bán đại trà, không có hàng mà bán nữa sẽ mất khách”.

Trong khi đó, bà Trần Thị Hoa, 63 tuổi, nhà ở thị trấn Đông Anh – TP. Hà Nội cũng không thể mua được Tam thất ở chợ đầu mối Ninh Hiệp mặc dù đã chờ cả nửa tháng nay. Theo bà Hoa, nơi bà đặt hàng đã yêu cầu giá Tam thất cao gấp 3 bình thường bởi đầu mối nhập bị siết chặt. Yêu cầu đó vẫn được bà Hoa chấp nhận nhưng sau gần 30 ngày chờ đợi thì hàng vẫn chưa đến tay.

“Nhiều lần tôi có đến hỏi thì được biết hàng vẫn chưa về. Chủ tiệm thuốc ngại quá còn ngỏ ý gửi lại tiền thôi mà không dám hứa trước. Bệnh tật có trong người, không có thuốc không được, cùng một lúc tôi phải đặt tiền tại nhiều cửa hàng khác nhau, may mắn ra thì có nơi gọi mình đến lấy” – bà Hoa nói.

Theo khảo sát của PV, ngay cả những thương lái tìm mua dược liệu, vị thuốc đông y ở chợ đầu mối Ninh Hiệp cũng gặp nhiều khó khăn bởi nguồn hàng khan hiếm, giá thành đẩy lên cao bất thường cũng là nguyên nhân khiến cho nhiều thương lái không dám “liều” ôm nhiều hàng.

Tình trạng này còn xảy ra ở khu vực chợ thuốc trên đường Lãn Ông (Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội), phố thuốc bắc (TP. Nam Định) hay các trung tâm phân phối dược liệu, vị thuốc đông y tại một số tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, Lạng Sơn, Bắc Giang….

Tại khu vực Q.5 – TP.HCM nơi được coi là vựa thuốc đông y của khu vực miền Nam đang xảy ra tình trạng nhiều thương lái lợi dụng điều này để ép giá người bệnh. “Họ luôn lấy lý do xiết chặt đầu vào, nguồn thuốc khan hiếm nên tăng giá. Không có thuốc uống chữa bệnh nên dù giá đắt đỏ thế nào cũng vẫn phải mua” – anh Nguyễn Văn Chung, 32 tuổi, người mua thuốc chia sẻ.

Đến các khu phố Hải Thượng Lãn Ông, Triệu Quang Phục, Phùng Hưng ở TP. HCM tìm mua thuốc, khách hàng thường xuyên gặp khó, đặc biệt là những dược liệu quý hiếm như Sâm củ, Ngưu tất, Hồng hoa, Tam thất, Linh chi… giá được đội lên cao gấp 3 – 5 lần.

Truy tìm nguyên nhân

Trong khi đó, một sự kiện đáng lưu ý vào cuối tháng 9/2015, Chi cục Hải quan Chi Ma nhận được thông tin từ C74 và Phòng Chống buôn lậu (Cục Hải quan Lạng Sơn) đã tiến hành kiểm tra và 65 tấn dược liệu, vị thuốc đông y của Công ty CP Dược Sơn Lâm (địa chỉ thị trấn Văn Điển, TP. Hà Nội) vì nghi ngờ các lô dược liệu vi phạm quy định về chất lượng và nhãn mác về nguồn gốc xuất xứ.

Không biết vì lý do gì mà trong khi cơ quan chức năng chưa có kết quả kiểm định các mẫu hàng mà ba xe hàng này đã được xuất ngược về Trung Quốc đặt ra rất nhiều nghi vấn về chứng nhận chất lượng, nguồn gốc hàng hóa.

Trước đó, Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế) bất ngờ ra công văn số 189, 192, 193 gửi Hải quan, Sở y tế, bệnh viện các tỉnh, doanh nghiệp trên cả nước yêu cầu lô hàng dược liệu, vị thuốc Đông y muốn được nhập khẩu, lưu thông trên thị trường Việt Nam phải có giấy C/O (chứng mình nguồn gốc) và C/Q (chứng nhận chất lượng).
 
Kiểm tra 65 tấn dược liệu nhập từ Trung Quốc của Công ty Dược Sơn Lâm
Kiểm tra 65 tấn dược liệu nhập từ Trung Quốc của Công ty Dược Sơn Lâm

 

Cho đến thời điểm hiện tại, Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền mới chỉ xác nhận giấy C/O cho một doanh nghiệp duy nhất là là Công ty CP Dược Sơn Lâm. Trong khi, cả nước có khoảng 15 doanh nghiệp thường xuyên nhập khẩu dược liệu, vị thuốc đông y.


Lý giải cho điều này, bà Trần Thị Hồng Phương – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền cho rằng: “Tại các doanh nghiệp khác không xin thì làm sao chúng tôi xác nhận”.

Mặc dù vậy, chính bà Phương cũng thừa nhận việc ra công văn là vội vàng và chưa có hướng dẫn kèm theo khiến nhiều doanh nghiệp bối rối trong việc thực hiện.

Theo tìm hiểu, các công văn 189, 192, 193 của Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền đều có hiệu lực tức thì mà không có thời gian cho các doanh nghiệp chuẩn bị xin giấy C/O và C/Q tại các nước xuất khẩu nên nhiều lô hàng dược liệu vẫn đang nằm “chờ chêt” tại các cửa khẩu hải quan.

Nói về việc ra công văn tạo thế độc quyền phân phối này, trả lời báo chí bà Trần Thị Hồng Phương – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền cho rằng để siết chặt đầu vào, nâng cao quản lý chất lượng dược liệu từ nước ngoài vào Việt Nam.

Tuy nhiên, bà Hoàng Thị Thiều Hoa – Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma lại cho rằng, giấy C/O và C/Q từ nước xuất khẩu cung cấp chưa thể nói lên được điều gì về chất lượng dược liệu, vị thuốc.

“Hải quan chỉ thấy lô hàng đầy đủ giấy tờ, nhãn mác thì sẽ cho thông quan… nghiệp vụ của ngành Hải quan là kiểm tra theo kiểu rủi ro nên có thể hàng kém chất lượng vẫn có thể được thông quan” – bà Hoa nói.

Nói về việc quản lý chất lượng dược liệu đông y trên thị trường, chính bà Phương cũng thừa nhận “không thể quản lý” mới ra các văn bản yêu cầu lô hàng nhập khẩu phải có giấy C/O và C/Q.

Tuy nhiên, bà Phương cũng không dám chắc sẽ không xảy ra tình trạng doanh nghiệp nước xuất khẩu có gian lận thương mại qua giấy C/O, C/Q hay không. Theo bà Phương, để nâng cao chất lượng dược liệu, vị thuốc đông y thì phần lớn dựa vào đạo đức kinh doanh của chủ doanh nghiệp.

Còn ông Phạm Văn Cách – Giám đốc Công ty CP Dược Sơn Lâm thì lại nói rằng: “Chính Hải quan mới có vấn đề”. Bởi theo ông, việc nhập khẩu lô hàng 65 tấn tại cửa khẩu Chi Ma là do hải quan trực tiếp kiểm tra, công ty ông không có nhân viên nào làm thủ tục thông quan mà là do một người khác không được ủy quyền làm.

“Phải đặt ra câu hỏi tại sao hải quan vẫn làm thủ tục thông quan khi người đến làm không phải của công ty tôi, do tôi ủy quyền” – ông Cách nói.


Trong khi các bên vẫn đang đổ lỗi cho nhau về tình trạng nhập khẩu dược liệu, vị thuốc đông y thì trên thị trường vẫn đang tồn tại tình trạng thiếu thuốc, giá thuốc đẩy lên cao trong khi chẳng có gì đảm bảo chất lượng thuốc đã tốt hơn sau khi Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền ra hàng loạt văn bản pháp luật nhưng kém khả thi.

 

Tổng Cục hải  quan yêu cầu kiểm tra thông tin

Ông Phạm Văn Cách – Giám đốc Công ty CP Dược Sơn Lâm tố tại cửa khẩu hải quan Chi Ma, Lạng Sơn đang tồn tại “luật bất thành văn” khi phải nhờ một doanh nghiệp đứng ra làm thủ tục thông quan nếu như không muốn khó khăn.

Ông Cách cho biết, mặc dù không có giấy ủy quyền, cũng không có giấy xác nhận của các doanh nghiệp nhưng người của công ty này vẫn được  hải quan ký giấy cho thông quan lô hàng.

Trước thông tin này, Tổng Cục hải quan đã có chỉ đạo nóng tới Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn kiểm tra thông tin trên.

Ông Hoàng Khánh Hòa – Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn cũng đã cho nhân viên kiểm tra thông tin xung quanh chuyện ông Cách tố về chuyện độc quyền nhập dược liệu.

 


Mạnh Hùng