(BVPL) - Cho lối xóm mượn đường đi, ông Quách Văn Diệp, ngụ tại ấp Gò Lức, xã Tân Đông, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang bỗng nhiên bị mất đất. Nhưng vì tình làng nghĩa xóm nên ông Diệp chấp hành bản án do tòa phán quyết. Tuy nhiên, trong quá trình làm vườn ông Diệp đào phần đất của mình thì bị người hàng xóm chửi bới dẫn đến hai bên ẩu đả, và bị lãnh 2 năm tù. ông diệp vẫn cho rằng, mình là người bị thiệt hại, oan ức…
 
Ông Diệp bên con đường bị mất.
Ông Diệp bên con đường bị mất.
 
Tình tiết khách quan chưa được quan tâm
 
Theo đơn trình bày của ông Quách Văn Diệp: “Gia đình tôi cho ông Trần Văn Ngàn và ông Nguyễn Văn Ninh mở con đường đi qua đất nhà mình ra lộ cho tiện, hai ông này không biết điều lại còn kiện tôi ra tòa, nhưng vì tình làng nghĩa xóm, tôi đồng ý cho họ con đường đi 117m2 (hiện đúc bê tông gấp đôi diện tích này). Vậy mà, khi tôi làm vườn, đào phần đất của mình cạnh con đường này thì bị cô Trần Kim Chi là con dâu ông Ngàn ra ngăn cản chửi bới, la tôi đánh người. Chỉ nghe có vậy, ông Ngàn và ông Nguyễn Thanh Bình là con ông Ninh vác gậy ra phía nhà tôi tấn công tôi buộc tôi phải phòng vệ. Sau đó, qua kết quả chứng thương tôi bị thương tích 21 % còn ông Bình 11% và ông Nhàn 10%. Vậy mà, qua nhiều phiên tòa xét xử, tòa đã tuyên phạt tôi 2 năm tù, còn ông Bình lại được hưởng án treo, ông Ngàn vô tội, dù cả ba đều là bị cáo trong vụ án “cố ý gây thương tích. Với mức án trên là oan ức cho tôi, vì hành động của tôi chỉ là phòng vệ chính đáng chứ không tấn công trước”.  
 
Theo bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang tóm tắt nội dung như sau: “Vào khoảng 16g15 ngày 29/11/2010, Quách Văn Diệp dùng cuốc và leng đào đất đá trên đường đi trước đó tranh chấp (đã được Tòa án giải quyết xong) với hai hộ gia đình là Trần Văn Ngàn và Nguyễn Văn Ninh. Lúc này chị Trần Kim Chi (con dâu ông Ngàn) đến cãi cự, bị Quách Văn Diệp dùng cây vuông dài 1,5m cạnh (3,2 x 2,4)cm đẩy về phía người, trúng nhẹ không gây thương tích. Khi nghe chị Trần Kim Chi bị đánh, Nguyễn Thanh Bình (con ruột ông Ninh) lấy tại nhà một đoạn cây dài khoảng 70cm, Trần Văn Ngàn sử dụng cây tròn, dài 174cm chạy đến. Trong lúc cãi cự, Quách Văn Diệp cầm cây vuông đánh Nguyễn Thanh Bình, Bình dùng cây đỡ làm hai cây cùng gãy, một đầu cây vuông trúng vào đuôi mắt trái Nguyễn Thanh Bình gây thương tích. Sau đó, Quách Văn Diệp tiếp tục đánh nhau với ông Trần Văn Ngàn. Theo Quách Văn Diệp, trong lúc giằng co, ông Trần Văn Ngàn có dùng cây đánh bị cáo rách da đầu 02cm, đồng thời ông Trần Văn Ngân bị té ngã, Cùng lúc, Quách Văn Diệp dùng leng cán bằng cây tròn dài 128cm đánh Trần Văn Ngàn một cái làn gãy xương ngón 04 bàn tay trái. Thấy vậy, Nguyễn Thanh Bình lấy cái cuốc cán bằng cây dài 136,65cm, lưỡi bằng sắt kích thước 15cm x13cm của Quách Văn Diệp để cạnh đó đánh Quách Văn Diệp một cái, lưỡi cuốc làm rách cơ  vùng vai và nứt đầu trên xương cánh tay phải của Diệp”. Kết luận giám định pháp y về thương tích, ông Quách Văn Diệp bị thương tật tạm thời 21%, ông Nguyễn Thanh Bình 11% và ông Trần Văn Ngàn 10%. Theo đó, án sơ thẩm xử ông Diệp 2 năm tù giam, còn ông Bình và ông Ngàn bị 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo. Ông Diệp kêu oan nhưng Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang (xử 2 lần) tuyên giữ nguyên án sơ thẩm.
 
Ông Diệp với vết thương trên người.
Ông Diệp với vết thương trên người.
 
Áp dụng luật chưa hợp lý
 
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết theo Giấy chứng thương số 441 ngày 7/12/2010 chứng nhận cho ông Ngàn, có ghi nhận ông Ngàn nhập viện ngày 7/12/2010. Trong khi tại hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, ông Ngàn đều khai nhập viện 2 hay 3 ngày sau khi xảy ra đánh nhau. Như vậy, ngày vào viện phải là ngày 2 hay 3/12/2010 chứ không phải là ngày 7/12/2010. Điều này cho thấy, ông Ngàn không có thương tích hoặc giấy y chứng được lập khống? Chưa kể, nếu đúng như chứng thương ghi ông Ngàn gãy hở xương bàn ngón 4 bàn tay trái, vậy liệu ông Ngàn có thể chịu đựng đau đớn như thế mà không cần băng nẹp hay điều trị. Từ đó cho thấy, không có cơ sở cho rằng ông Diệp tấn công và gây thương tích cho ông Ngàn? Ngay bản án sơ thẩm cũng nêu rõ, ông Ngàn cầm hung khí đi từ nhà ra và tấn công ông Diệp trước. Vì thế, không thể nói rằng ông Diệp tấn công mà chỉ là phòng vệ chính đáng (nếu như ông Ngàn có thương tích). Thế nhưng, cả hai cấp tòa đều tuyên ông Diệp tội Cố ý gây thương tích, là oan cho ông Diệp. Đối với ông Bình, án sơ thẩm cũng xác định, khi ông Bình nghe bà Chi hô, dù chưa biết nội dung sự việc như thế nào mà đã lấy ngay khúc cây tròn (đường kính 7cm) làm hung khí chạy từ trong nhà ra phía đất của ông Diệp cách khoảng 30 m và tấn công ông Diệp, điều này cho thấy ông Bình cố tình tấn công ông Diệp. Theo lời khai của ông Diệp thì ông Bình tấn công ông Diệp trước, ông Diệp đỡ nên cây gỗ của ông gãy làm hai khúc và khi ông Diệp bị té ngã nên ông Bình tiếp tục tấn công và ông  Diệp chỉ đưa gậy lên đỡ còn việc có làm gây thương tích cho ông Bình hay không thì không xác định được. Vì thế, chứng minh ông Bình bị thương tích là do ông Diệp vẫn chưa rõ ràng, và việc ông Diệp chống trả ông Bình cũng chỉ là hành động phòng vệ chính đáng chứ không thể nói là cố ý gây thương tích. Trong khi đó, ông Bình dùng hung khí là lưỡi cuốc (hung khí nguy hiểm) tấn công ông Diệp ở vị trí có thể gây nguy hiểm đến tính mạng cho ông Diệp thì tòa sơ thẩm chưa đánh giá đúng mức độ nguy hiểm và chưa rõ ràng. Vì khi ông Bình tấn công ông Diệp từ phần vai, gần cổ của ông Diệp thì hành vi đó của ông Bình có thể tước đoạt mạng sống của ông Diệp. Việc ông Diệp thoát hiểm ngoài ý muốn của ông Bình?
 
Từ đó cho thấy, Tòa án chưa xem xét, phân tích kỹ hành vi của bị cáo Ngàn và bị cáo Bình, dù họ chủ động mang hung khí, có sự chuẩn bị trước tấn công ông Diệp với vóc người nhỏ bé. Còn ông Diệp bị động chống trả với có gọi nôm na: “hai đánh một không chột cũng què”. Để rồi ông Diệp phải nhận mức thương tích cao nhất và ngược lại cũng nhận mức án cao nhất!? Trong khi, ông Bình và ông Ngàn là số đông, là người tấn công trước và thương tích cũng nhẹ hơn và đều nhận  mức án nhẹ? Việc Tòa án áp dụng khoản 2, Điều 104 Bộ luật Hình sự đối với ông Diệp là chưa thỏa đáng, không đúng với tình tiết khách quan. 
 
Thiết nghĩ, ông Quách Văn Diệp kêu oan là có cơ sở. Việc xem xét lại bản án đối với ông Diệp là rất cần thiết để đảm bảo sự thật khách quan vụ việc và pháp luật được áp dụng nghiêm  minh.
 
Đình Chính