(BVPL) - Sau khi báo BVPL có hàng loạt bài phản ánh tình trạng khai thác cát lậu, cũng những sai phạm của cơ sở Ngọc Công, người dân cho biết sự việc cũng có ít nhiều biến chuyển. Nhưng thực tế khi chúng tôi tiếp tục điều tra mới biết, thực tế cơ sở này chỉ đang tìm cách “hoãn binh” bằng cách ngừng hoặc giảm các hoạt động vài hôm cho “êm” rồi lại tiếp tục khai thác rầm rộ. Để thực hiện việc rút ruột tài nguyên này, cơ sở Ngọc Công còn đắp đập ngăn dòng chảy của con suối để làm nơi hút cát và đãi cát gây ngập úng cho hàng chục hộ dân gần đó. Bất ngờ hơn, khi chúng tôi lại tiếp tục điều tra và nhận thấy, mới đây cơ sở này lại trang bị, gắn lên những chiếc xe ben của mình một vỏ bọc dưới cái tên của một công ty trực thuộc Bộ quốc phòng.
|
Những chiếc xe tải của cơ sở Ngọc Công được gắn mác công ty 319. |
“Rút ruột” tài nguyên trắng trợn
Sau những bài báo trước, chúng tôi đã đề cập đến tình trạng gắn mác cho những chiếc xe ben với cái tên của một công ty trực thuộc Bộ quốc phòng. Chính vì vậy, trong những ngày qua, sau khi có được cái mác đó, cơ sở này đã để những chiếc xe ben chở đầy đất cát chạy bạt mạng. Cát thì cứ ngang nhiên khai thác từ Đức Linh (Bình Thuận) về và hút trực tiếp ngay tại lòng suối Gia Huynh (giáp ranh giữa huyện Đức Linh (Bình Thuận) và huyện Xuân Lộc (Đồng Nai). Việc khai thác tại đây cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho hàng chục hộ dân thuộc ấp Tân Hữu (xã Xuân Thành, huyện Xuân Lộc). Trong những ngày mới đây, hàng chục hộ dân đã bị nước ngập hàng mét trong nhà bởi việc xoay chuyển dòng suối và ngăn đập để khai thác cát của cơ sở này.
|
Trụ sở cơ sở Ngọc Công, nơi tập kết cát lậu và rút ruột tài nguyên. |
Cầu Gia Huynh nối liền hai địa bàn tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận. Đây cũng là nơi trụ sở của cơ sở Ngọc Công tập kết cát lậu từ bên phía huyện Đức Linh về và hút cát ngay bên dưới con suối cận kề. Con suối này chính là nơi mà Ngọc Công ngăn dòng, chuyển hướng chảy gây nên cảnh ngập lụt cho hàng chục hộ dân của ấp Tân Hữu. Cảnh tượng ngập lụt này đã gây nên nỗi bức xúc khiến cho nhiều người dân không thể trồng trọt, canh tác, chăn nuôi như ngày trước.
Men theo bờ suối, ngay từ chân cầu Gia Huynh đã có thể thấy được cảnh tượng ngăn và chuyển đổi dòng chảy của dòng suối này. Tiếp tục đi sâu vào bên trong, qua những vườn tràm là những vườn điều của người dân, trong đó là những vệt xói mòn đã bị Ngọc Công khai thác đến trơ trọi. Theo những người dân ở đây thì trước đây, những người dân có rẫy trồng điều, tràm ở đây đã không chịu được cảnh tượng khai thác của cơ sở này nên đã phải bán lại cho Ngọc Công. Từ đây, mọi việc khai thác của Ngọc Công này lại càng ngang nhiên và trắng trợn hơn nữa.
|
Mực nước mọi khi thường ngập lên đến nơi người dân đang chỉ. |
Lúc này trời đã chuyển mưa nên việc lội men theo đường bờ suối, qua những rừng tràm, những bụi cây gai khiến cho việc di chuyển của chúng tôi hết sức khó khăn và liên tục bị trơn, trượt, té ngã. Theo quan sát của chúng tôi, việc “rút ruột” tài nguyên này được Ngọc Công chia làm nhiều khu rất rõ ràng. Nào là khu “rút ruột”, nào là khu ngăn đập để dự trữ lấy nước đưa vào khu hồ chứa để rửa cát bẩn được khai thác tại đó, hoặc được “rút ruột” từ bên Đức Linh về. Những khu này cũng có thể trở thành nơi chứa cát nếu có động khi lực lượng đi kiểm tra. Và hẳn nhiên, Ngọc Công sẽ biết trước và cho máy múc, máy ủi đẩy những núi cát xuống dưới các hồ này. Sau khi hết “động”, những chiếc máy hút lại vận hành hết công suất để đưa cát lên bờ và những chiếc xe ben được gắn mác mới vận chuyển ngang nhiên chẳng phải sợ gì điều tiếng.
“Ông lớn” nào đã bảo kê?
Sau nhiều ngày “nằm vùng” tại đây, phóng viên được chứng kiến hàng ngày có rất nhiều xe ben của Ngọc Công cũng như của các cơ sở khác ra vào bãi cát này nườm nượp. Bởi đây chính là nơi tập kết cát phải nói là lớn nhất trên địa bàn vùng giáp ranh này. Ngoài việc tự khai thác, Ngọc Công còn huy động thêm nhiều “đàn em” tập trung khai thác lậu ở các nơi bên phía huyện Đức Linh đem về trút xuống bãi đáp này. Và bây giờ việc vận chuyện những khối cát lậu kia cũng được những chiếc xe của Ngọc Công gắn mác công ty 319. Không những thế, quy trình “rút ruột” tài nguyên một cách vô tội vạ như vậy đã kéo theo những hậu quả khôn lường mà chỉ có người dân nơi bị khai thác phải gánh chịu.
Với quy trình hoạt động theo mức độ khá dày đặc của các đoàn xe ben ngày trước đã khiến người dân ngao ngán. Giờ đây Ngọc Công sau khi được gắn mác công ty 319 thì lại càng khiến người dân ngao ngán và lo sợ hơn. Những trục đường thì luôn phải oàn mình gánh chịu sự quá tải do nhưng chiếc xe ben này đi qua. Thêm một điều mà chúng tôi cũng muốn nhắc tới là tại sao Ngọc Công lại hoạt động ngang nhiên đến như vậy(?). Rút ruột tài nguyên vô tội vạ như thế thì sao lại không bị phát hiện và không bị xử lý(?). Phải chăng đã có sự bảo kê của cán bộ cỡ lớn thì Ngọc Công mới dám hoành hành(?). Đây cũng là câu hỏi mà bấy lâu nay dư luận đang rất quan tâm.
|
Nơi ngăn một phần đập để tạo nước xoáy cho cát, đất từ thượng nguồn theo dòng suối lắng lại. |
Chính vì việc tận thu nguồn tài nguyên khoáng sản như vậy đã gây ra những hậu quả không nhỏ từ việc khai thác này khiến nhiều hộ dân bức xúc. Người dân đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền nhưng không lần nào nhận được sự hồi âm từ cơ quan chức năng nên đã cung cấp thông tin cho báo chí. Đến khi báo chí vào cuộc, phóng viên xuống hiện trường thì không hiểu sao thông tin bị lọt ra ngoài, khiến trong những ngày ở đây, phóng viên luôn nhận được câu dặn dò từ những người dân là phải cẩn thận khi có những nhóm đối tượng liên tục đi tìm để “hỏi thăm”.
Và sự việc lên đến đỉnh điểm khi trong đêm 13/9, điện thoại của chúng tôi đổ chuông liên tục bởi sự cầu cứu của người dân nơi ấp Tân Hữu (xã Xuân Thành, huyện Xuân Lộc). Trong điện thoại, lời người dân tha thiết: “Các chú xem giúp chúng tôi với, nước đã ngập đến hơn một mét trong nhà chúng tôi rồi. Bây giờ đây, hàng chục hộ dân đang phải di dời và vớt tài sản trong đêm”. Chứng kiến cảnh tượng nước ngập lênh láng, căn nhà của ông Phạm Văn Phụng, nước ngập dâng lên tới cả mét, còn căn nhà của bà Ngô Thị Bổ thấp hơn và ngập sâu trong nước hơn thế nữa. Cũng do liên tục bị tình trạng ngập nước như vậy mà những căn nhà này cùng nhiều căn nhà của các hộ gia đình khác đang có dấu hiệu lún sụt bởi những ngày “giam” mình trong nước. Căn nhà ông Phụng thì vừa sụt lún, nứt tường đút lọt cả bàn tay. Bên trên đó thì những chiếc xà gồ đã gần như rời khỏi bức tường khiến cho sự nguy hiểm đối với tính mạng của từng con người trong nhà ông nay lại càng nguy hiểm hơn.
|
Mực nước ngập đêm 13/9, còn cao hơn trước nữa và người dân đang đi vớt đồ trôi trong cơn nước ngập. |
Trong một lần trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Cát Tiên – Phó Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc đã hứa sẽ cho kiểm tra ngay tình trạng mà phóng viên thông báo đồng thời cũng cho biết trước đây qua kiểm tra, phát hiện cơ sở Ngọc Công sai phạm nên đã ra quyết định xử phạt 25 triệu đồng. Tuy nhiên, việc sai phạm như vậy thì cần vào cuộc quyết liệt chứ không chỉ là xử phạt như vậy. Bởi Ngọc Công đang rút ruột tài nguyên vô tội và trốn tránh trách nhiệm nghĩa vụ đối với nhà nước như việc trốn thuế. Phải chăng những đồng tiền thu lợi được từ việc làm lậu ngang nhiên này có một phần để trả cho những đối tượng bảo kê cho việc khai thác cát lậu. Để rồi từ đó, cát lậu Ngọc Công cứ mãi tung hoành(?).
Hải Lê