(BVPL) - Thực hiện chính sách an sinh, chăm lo sức khỏe cho CBCNV nhà máy Đạm Phú Mỹ (ĐPM) của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí. Tháng 9.2012, Công đoàn cơ sở thành viên nhà máy ĐPM khánh thành phòng tập thể hình có giá trị hàng tỷ đồng để phục vụ CBCNV khu chung cư ĐPM. Tuy nhiên, công trình này lại “đắp chiếu” từ đó đến nay vẫn chưa thể hoạt động. Việc này khiến hàng trăm CBCNV bức xúc, gửi đơn tố cáo nhà máy ĐPM về việc… lãng phí tiền của.
 
 
Theo phản ánh của cư dân, CBCNV nhà máy ĐPM đang sống tại khu chung cư ĐPM tới báo BVPL: “Năm 2012, nhà máy ĐPM khánh thành công trình phòng tập thể hình khu chung cư ĐPM – Công trình công đoàn, chào mừng đại hội công đoàn các cấp và 10 năm ngày thành lập Tổng công ty phân bón và hóa chất Dầu Khí (PVFCCo). Những tưởng, công trình này sau khi khánh thành, cư dân nơi đây sẽ có điều kiện, môi trường và trang thiết bị hiện đại để tập thể dục, rèn luyện sức khỏe. Tuy nhiên, sau khi tổ chức lễ khánh thành hoành tráng thì công trình trên cũng “đắp chiếu” luôn từ đó đến nay, chưa một ngày sử dụng, khiến cư dân  xót xa bởi số tiền đầu tư vào công trình này lên tới hơn 3 tỷ đồng”. 
 
Tiếp nhận thông tin trên, PV báo BVPL đã mục sở thị công trình này. Theo ghi nhận của PV, tại công trình này khóa cửa phòng tập đã hoen gỉ, bên trong, các trang thiết bị, máy móc, dụng cụ phục vụ cho luyện tập đã bị bụi phủ kín, có thiết bị vẫn chưa được lắp đặt xong còn  để ngổn ngang. Điều này, chứng tỏ công trình này đã “bất động” trong nhiều năm qua.
 
Ổ khỏa của phòng tập bị hoen gỉ
Ổ khỏa của phòng tập bị hoen gỉ
 
Tiếp xúc với ông Mai Huy Liễu, là người trông xe 10 năm ở đây, ông Liễu cho biết: “Lỗi do phòng chật, máy không lắp được, vẫn còn máy đây này (ông Liễu vừa nói vừa chỉ vào khu máy móc để ngổn ngang vẫn chưa lắp đặt – PV). Mấy tỷ bạc để không đó anh ạ”.
 
Để rộng đường dư luận, PV báo BVPL đã có buối làm việc với nhà máy ĐPM. Tại buổi làm việc, hai ông Hoàng Dũng – Cán bộ chuyên trách Công đoàn nhà máy ĐPM; ông Hanh – Phó phòng An toàn lao động, môi trường, là hai người được lãnh đạo nhà máy ĐPM giao trách nhiệm làm việc với PV. 
 
Bắt đầu buổi làm việc, khi PV trao đổi nội dung phản ánh trên của CBCNV nhà máy, hiện đang sống tại chung cư ĐPM thì ông Hanh tỏ thái độ khó chịu và có ý không muốn hợp tác. Tuy nhiên, sau một hồi nghe PV giải thích, ông Hanh đã bình tĩnh lại và tiếp tục buổi làm việc.
 
Ông Hanh (người mặc áo xanh) và ông Hoàng Dũng làm việc với PV
 
PV đặt câu hỏi: “Tại sao công trình khánh thành từ tháng 9.2012 đến nay vẫn chưa đưa vào khai thác và sử dụng?”
 
Ông Hanh trả lời: “Sau khi khánh thành công trình này, chúng tôi đã bàn giao lại cho Công ty cổ phần quản lý và phát triển nhà Dầu khí Miền Nam (PVFCCo-SBD) thuộc Tổng công ty phân bón hóa chất Dầu khí để trực tiếp quản lý, khai thác và sử dụng khối tài sản này. Trước khi đưa vào sử dụng, chúng tôi bao giờ cũng phải đánh giá rủi ro, những nguy cơ rủi ro thế nào để chúng tôi đưa ra biện pháp khắc phục. Nếu như nói về kinh doanh thì gọi là hiệu quả. Đối với đơn vị mà Tổng công ty và nhà máy giao cho quản lý, khai thác sử dụng họ cũng phải chuẩn bị thời gian, nhân sự, nhân lực để quản lý, khai thác, sử dụng một cách tốt nhất”. Ông Dũng bổ sung thêm lý do tại sao đến này công trình vẫn chưa thể đưa vào sử dụng, là do: “Theo quy định về quản lý nhà nước trong lĩnh vực này thì một số máy móc, thiết bị tập luyện muốn sử dụng thì phải có huấn luyện viên”.
 
Vậy, khi đánh giá rủi ro, đưa ra biện pháp khắc phục những nguy cơ rủi ro như lời ông Hanh nói thì khi xây dựng công trình này nhà máy ĐPM đã “quên” không tính đến và cũng không có cái gọi là “biện pháp khắc phục” những lý do mà ông Dũng nói ở trên(?). Hơn nữa, công trình này bàn giao cho công ty PVFCCo-SBD đến nay đã hơn 03 năm, vậy mà ông Hanh vẫn bao biện khi cho rằng, PVFCCo-SBD cần phải có thời gian để chuẩn bị nhân sự, nhân lực để quản lý và khai thác… vậy theo ông Hanh thì cần bao nhiêu thời gian nữa? 
 
Mặt khác, xin nhắc để ông Hanh được thấy, những máy móc, thiết bị có giá trị hàng tỷ đồng kia đã “đắp chiếu” hơn 03 năm nay, chưa một lần được sử dụng, đến nay giá trị của nó còn bao nhiêu, còn sử dụng được hay không? Hiệu quả kinh doanh của nhà máy ĐPM ở đây là gì?
 
 
PV đặt câu hỏi: “Ngoài những thiết bị tập nặng không khai thác và sử dụng được vì đòi hỏi phải có huấn luyện viên theo quy định. Vậy, các thiết bị tập nhẹ mà không bắt buộc phải có huấn luyện viên, thì tại sao PVFCCo-SBD không cho sử dụng và khai thác?” “Hiện nay, tổ dân cư của khu chung cư ĐPM đã đề nghị và đang lập phương án trình với nhà máy cho họ khai thác và sử dụng nhưng thiết bị tập nhẹ (máy chạy, tạ nhỏ…)”. Ông Dũng trả lời.
 
Trả lời tiếp câu hỏi của PV: “Khi bàn giao công trình này cho PVFCCo-SBD, thì công ty này có lập phương án để quản lý, vận hành, khai thác, cũng như việc đánh giá rủi ro khi đưa công trình này vào hoạt động?” ông Hanh và ông Dũng đều “lặng im”, không thể trả lời(?).
 
Khi PV yêu cầu cung cấp số liệu chính xác về tổng số kinh phí để xây dựng, mua sắm các trang thiết bị của phòng tập thể hình này là bao nhiêu? Ông Dũng đề nghị PV chờ để đi lấy, tuy nhiên, khi trở lại ông Dũng nói chưa tìm thấy và hẹn cung cấp sau(?). 
 
Rõ ràng, chính sách an sinh của Tổng công ty phân bón Dầu Khí là hoàn toàn đúng đắn, tính nhân văn cao. Tuy nhiên, khi tổ chức thực hiện lại theo kiểu “mang con bỏ chợ”, việc này khiến dư luận xót xa và có quyền hoài nghi việc có hay không việc lợi dụng chính sách này để trục lợi của một nhóm lợi ích đang tồn tại ở nhà máy ĐPM?
 
Bùi Toàn