Trong 2 ngày (12, 13/6), TAND tỉnh Nghệ An đã xét xử phúc thẩm vụ án hình sự đối với các bị cáo Lê Thị Dung, SN 1971, nguyên Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên và bị cáo Nguyễn Thị Hương, SN 1966, nguyên Kế toán Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên.

Đây là 2 bị cáo đã bị TAND huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An xử phạt về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, theo điểm c khoản 2 Điều 256 Bộ luật Hình sự. Bị cáo Lê Thị Dung bị xử phạt 5 năm tù; bị cáo Nguyễn Thị Hương bị xử phạt 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thứ thách là 48 tháng.

Sau khi xét xử sơ thẩm, bản án hình sự sơ thẩm của TAND huyện Hưng Nguyên bị VKSND tỉnh Nghệ An kháng nghị đề nghị hủy án sơ thẩm để xác định đầy đủ trách nhiệm của các bị cáo Lê Thị Dung, Nguyễn Thị Hương; làm rõ hành vi của bị cáo Lê Thị Dung; xác định chính xác thiệt hại do hành vi phạm tội của các bị cáo. Bị cáo Lê Thị Dung cũng có kháng cáo đề nghị TAND tỉnh Nghệ An xem xét bị cáo không phạm tội.

leftcenterrightdel
 Bị cáo Dung tại phiên tòa phúc thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử phúc thẩm TAND tỉnh Nghệ An đã làm rõ hành vi phạm tội của các bị cáo, những nội dung kháng cáo, kháng nghị như sau:

Đối với kháng cáo của bị cáo Lê Thị Dung, nội dung kháng cáo liên quan đến các vi phạm tố tụng. Tại phiên tòa, bị cáo Lê Thị Dung và những người bào chữa cho bị cáo cho rằng, cấp sơ thẩm có một số vi phạm về tố tụng. Hội đồng xét xử phúc thẩm đánh giá và nhận định, mặc dù cấp sơ thẩm có một số vi phạm, nhưng không làm thay đổi bản chất của vụ án.

Đối với nội dung kháng cáo cho rằng bị cáo không phạm tội. Tại phiên tòa, bị cáo Lê Thị Dung và những người bào chữa đề nghị hủy bản án sơ thẩm, tuyên hai bị cáo không phạm tội, trả tự do cho các bị cáo, định chỉ giải quyết vụ án.

Hội đồng xét xử nhận định: Trong các năm học 2014 - 2015 và năm học 2015 - 2016, đối với nội dung Bí thư chi bộ và đi học cao học, bị cáo Lê Thị Dung đã được thanh toán lần thứ nhất từ nguồn ngân sách. Nhưng tiếp tục kê khai quy đổi các hoạt động này theo quy chế chi tiêu nội bộ thành tiết dạy tính tiền thừa giờ để thanh toán lần 2, cũng từ nguồn ngân sách, không phải là từ nguồn tiết kiệm của đơn vị.

Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt các bị cáo Lê Thị Dung, Nguyễn Thị Hương về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không oan.

Đối với kháng nghị của VKSND tỉnh Nghệ An, Hội đồng xét xử phúc thẩm đã không chấp nhận kháng nghị, vì cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm kết luận Lê Thị Dung đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi trái công vụ, hưởng lợi số tiền 44.762.877 đồng là có căn cứ. Từ đó đủ căn cứ xác định các bị cáo Lê Thị Dung, Nguyễn Thị Hương phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, do đó không cần phải hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại như kháng nghị của VKSND tỉnh Nghệ An. 

Hội đồng xét xử phúc thẩm xác định các bị cáo Lê Thị Dung, Nguyễn Thị Hương phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại khoản 1 Điều 356 Bộ luật Hình sự.

Kết quả sau 2 ngày xét xử phúc thẩm, TAND tỉnh Nghệ An đã căn cứ khoản 1 Điều 356 Bộ luật Hình sự; điểm s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38 Bộ luật hình sự: Xử phạt bị cáo Lê Thị Dung 15 tháng tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Thời hạn tù tính từ ngày tạm giam ngày 28/3/2022.

Đối với bị cáo Nguyễn Thị Hương, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định bị cáo Hương là cấp dưới của Lê Thị Dung, nên là người có quan hệ lệ thuộc; thực hiện hành vi phạm tội với vai trò đồng phạm giúp sức, không được hưởng lợi; sau khi thực hiện hành vi phạm tội đã có hành vi ngăn ngừa (không cho bị cáo Dung thanh toán năm 2017, 2018) sau đó đã đến cơ quan điều tra tự thú, chủ động khai báo trước khi bị phát giác, tích cực hợp tác và cung cấp tài liệu, chứng cứ có liên quan với cơ quan điều tra; tố giác hành vi sai phạm của Lê Thị Dung; khai bảo thành khẩn, ăn năn hối cải; quá trình công tác được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tặng thưởng danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở"; được Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên tặng “Giấy khen”; gia đình có công với cách mạng. Đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại các điểm r, t, s và v khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự.

Theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 5 Nghị quyết số 03/2020/NQ- HĐTP ngày 30/12/2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ thì bị cáo Nguyễn Thị Hương thuộc trường hợp được xem xét áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt miễn hình phạt theo quy định tại Điều 59 Bộ luật Hình sự. Thể hiện tính nhân văn, chính sách hình sự đối với người phạm tội tự thú, tố giác hành vi phạm tội của đồng phạm khác, góp phần vào công tác đấu tranh phòng chống tội phạm tham nhũng trong giai đoạn hiện nay.

Căn cứ khoản 1 Điều 356 Bộ luật Hình sự; điểm r, s, t, v khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 59 Bộ luật Hình sự, TAND tỉnh Nghệ An tuyên miễn hình phạt đối với bị cáo Nguyễn Thị Hương.

Đối với các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

P.V