Đây là vụ án được dư luận hết sức quan tâm,  được đánh giá là lớn nhất tại Sơn La trong vòng 10 năm trở lại đây. Vụ án cũng được rất nhiều cơ quan báo chí quan tâm; nhiều phóng viên, nhà báo đã có mặt từ sáng sớm để ghi nhận những hình ảnh đầu tiên của phiên xử.

Đúng 8h sáng nay, HĐXX của TAND tỉnh Sơn La bước ra làm việc. HĐXX gồm 5 người, 2 thẩm phán và 3 hội thẩm nhân dân. Ngồi ghế chủ tọa điều hành phiên tòa là bà Tòng Thị Hiền; 2 Thư kí phiên toà; Giữ quyền công tố là 2 Kiểm sát viên của VKSND tỉnh Sơn La.

leftcenterrightdel
Đại diện VKS tại phiên tòa 

Tại phần thủ tục, sau khi nghe thư ký tòa báo cáo về thành phần những người tham gia phiên tòa,  có 2 bị cáo vắng mặt là Triệu Ngọc Hoan và Soài Ngọc Hùng. Ngoài ra, 8 luật sư bào chữa cùng 7 người làm chứng cũng không có mặt vì nhiều lý do khách quan.

KSV Lê Thị Thu Hà, đại diện VKS nêu quan điểm, căn cứ Điều 297 BLTTHS, trong trường hợp này cần thiết phải hoãn phiên tòa để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo và những người tham gia tố tụng khác.

Sau khi hội ý, HĐXX đã đồng tình với quan điểm của VKS, tuyên bố hoãn phiên tòa. Thời gian mở lại phiên xét xử sẽ được HĐXX ấn định sau.

leftcenterrightdel
Các bị cáo tại phiên tòa 

Theo cáo trạng, năm 2005, công tác chi tiền bồi thường, hỗ trợ di dời cho các hộ dân trong khu vực nhà máy thủy điện Sơn La đã hoàn thành. Năm 2013, Văn phòng Chính phủ cho phép bồi thường thêm phần chênh lệch giá trị đất giữa nơi đi và nơi đến tại khu tái định cư Tân Lập. Năm 2014, UBND tỉnh Sơn La ra công văn 617 chỉ đạo UBND huyện Mường La thống kê lại diện tích đất của từng hộ và đề xuất phương án bồi thường, hỗ trợ.

Trên cơ sở công văn 617 của UBND tỉnh Sơn La, ông Trương Tuấn Dũng, sinh năm 1960, khi đó là Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La đã ban hành Kế hoạch số 41 triển khai chỉ đạo của tỉnh đồng thời chỉ định Văn phòng đăng ký đất đai (VPĐKĐ) và Cty Bảo Bình (ở Hà Nội) đo đạc, lập bản đồ địa chính và báo cáo thường trực Ban chỉ đạo di dân tái định cư.

CQĐT xác định, sau khi huyện Mường La thực hiện đo đạc, xuất hiện nhiều đơn thư vượt cấp đề nghị được bồi thường theo khung giá năm 2015 thay vì khung năm 2013. Đặc biệt đơn thư của bị cáo Đèo Văn Ban (SN 1956) đã gây mất an ninh trật tự... nên tiến hành điều tra xác minh.

Kết quả cho thấy, Đèo Văn Ban được bị cáo Văn Tân (cán bộ VPĐKĐ) chuyển loại đất từ đất rừng sang đất ruộng 2 vụ; được Vũ Hồng Giang (làm việc cho Cty Bảo Bình) chia, số hóa đất từ 1 thửa trên thực địa thành 97 thửa trên bản đồ. Ông Ban còn tự nhận là Trưởng bản để xác nhận hồ sơ cho chính mình.

Ngoài ra, bị cáo Phạm Xuân Khoa, Phó trưởng Ban di dân huyện Mường La, đã đồng ý để các đơn vị đo đạc, các hộ gia đình tự khoanh vẽ những diện tích bị ngập nước, tự khoanh vẽ, tự xác định vị trí diện tích trên bản đồ thô để làm căn cứ biên tập bản đồ địa chính và chỉ đạo các đơn vị tư vấn đo đạc khống chế diện tích đất trồng cây lâu năm của mỗi hộ là 2ha, diện tích còn lại chuyển sang diện tích đất trồng cây lâu năm để bồi thường hỗ trợ.

Cụ thể, đối với hộ gia đình ông Đèo Văn Ban (SN 1956), Khoa đồng ý cho cán bộ Văn phòng đăng kí đất đai để cho Đèo Văn Băn tự vẽ, tự xác định vị trí, diện tích… từ đó dẫn đến kết quả bồi thường sai cho Đèo Văn Ban được số tiền hơn 1,2 tỷ đồng. 

Đức Thắng