Nguồn gốc vụ kiện
Năm 2013, bà Thái Thị Xuân Lan, trú tại tổ 4, khối 7, phường Tân Lập, TP Buôn Ma Thuột thắng kiện UBND huyện Buôn Đôn (cũng trong một vụ án hành chính). Tòa án buộc UBND huyện Buôn Đôn phải phê duyệt phương án bồi thường 2 hồ nuôi trồng thủy sản của gia đình bà Lan tại khu vực lòng hồ thủy điện SêrêPôk3. Sau 2 năm, ngày 30/10/2015, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành Quyết định số 2922/QĐ-UBND phê duyệt đơn giá tài sản, vật kiến trúc có kết cấu không theo quy định để làm căn cứ áp giá bồi thường đối với 2 hồ nuôi trồng thủy sản của bà Lan. Căn cứ vào quyết định phê duyệt đơn giá của UBND tỉnh, ngày 31/12/2015, UBND huyện Buôn Đôn ban hành Quyết định số 5378/QĐ-UBND phê duyệt phương án bồi thường cho bà Lan với số tiền 97.945.000 đồng.
|
|
Bà Thái Thị Xuân Lan, người thắng kiện UBND tỉnh Đắk Lắk trong vụ án hành chính sơ thẩm. |
Không chấp nhận mức giá phê duyệt bồi thường quá thấp này, cuối năm 2016, bà Thái Thị Xuân Lan đã khởi kiện vụ án hành chính, yêu cầu Toà án hủy bỏ các quyết định trên của chính quyền địa phương. Ngày 28/8/2017, TAND tỉnh Đắk Lắk đã mở phiên tòa hành chính sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Thái Thị Xuân Lan, hủy toàn bộ Quyết định số 2922/QĐ-UBND của UBND tỉnh Đắk Lắk và Quyết định số 5378/QĐ-UBND của UBND huyện Buôn Đôn, buộc UBND tỉnh Đắk Lắk và UBND huyện Buôn Đôn ban hành quyết định mới về phê duyệt đơn giá tài sản, vật kiến trúc và phê duyệt phương án bồi thường đối với 2 hồ nuôi trồng thủy sản của bà Thái Thị Xuân Lan.
Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên rõ mức giá đền bù và căn cứ để tính khi UBND tỉnh Đắk Lắk và UBND huyện Buôn Đôn ra quyết định mới, cụ thể: “giá đền bù bể nước “kết cấu xây gạch” cho thể tích 1m3 chứa nước có đơn giá 802.000đ/m3 và căn cứ vào biên bản lập ngày 16/3/2010”. HĐXX còn tuyên buộc “UBND huyện Buôn Đôn phải trả cho bà Lan khoản tiền chậm nộp theo quy định của Luật quản lý thuế tính trên số tiền chưa trả từ khi có quyết định thu hồi đất tháng 12/2008 cho đến khi chi trả xong”.
Những lý do khiến chính quyền thua kiện
Trước khi TAND tỉnh Đắk Lắk xét xử sơ thẩm, báo Bảo vệ pháp luật đã tìm hiểu vụ việc và nhận thấy những bất thường trong quá trình chính quyền địa phương và cơ quan chức năng áp giá bồi thường cho 2 hồ nuôi trồng thủy sản này. Ngoài việc vận dụng sai căn cứ, quy định, hướng dẫn áp giá đền bù thiếu nhất quán… thì việc “nâng lên đặt xuống” các mức giá cho thấy sự lúng túng, tắc trách của chính quyền, khi ngày 10/4/2015 chính quyền đưa ra phương án phê duyệt 81,1 triệu đồng, 01 tháng sau, dự toán tăng lên 100,6 triệu đồng và 5 tháng sau “chốt” lại… 97,945 triệu đồng. Mặc dù trước đó, ngày 09/1/2015, UBND huyện Buôn Đôn đề nghị được áp giá đền bù theo giá 1.641.000 đồng/1m3, cao gấp hàng chục lần mức đề xuất phê duyệt sau này?!
Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 28/8/2017, đại diện VKSND tỉnh Đắk Lắk và Hội đồng xét xử đã có những phân tích, nhận định sát với nội dung phản ánh của báo Bảo vệ pháp luật trong 2 bài viết “Áp giá bồi thường không đúng thực tế: Tỉnh, huyện đùn đẩy trách nhiệm?!” (đăng tháng 9/2015) và “Áp giá bồi thường trái luật, người dân thiệt hại đủ đường” (đăng tháng 1/2016).
Đại diện VKSND tỉnh Đắk Lắk lập luận, việc bà Thái Thị Xuân Lan khởi kiện yêu cầu hủy 2 quyết định nêu trên là có căn cứ. Lý do VKS đưa ra: Thứ nhất là, vì khi ra các quyết định đó, UBND tỉnh Đắk Lắk và UBND huyện Buôn Đôn đã căn cứ vào biên bản xác định hiện trạng không còn giá trị pháp lý (biên bản ngày 29/7/2008 - PV), vì biên bản này đã bị khiếu nại và đã được giải quyết bằng biên bản lập ngày 16/3/2010. Thứ hai, khi phê duyệt đơn giá tài sản, vật kiến trúc…, UBND tỉnh Đắk Lắk và UBND huyện Buôn Đôn căn cứ vào quy định tại mục 4, Quyết định 01/2014/QĐ-UBND ngày 07/1/2014 của UBND tỉnh là cũng không đúng, mà phải căn cứ vào tiểu mục 2 Mục III của Quyết định số 19/2008/QĐ-UBND ngày 16/5/2008 của UBND tỉnh.
Phân tích rõ hơn, Hội đồng xét xử nhận định, đối với biên bản lập ngày 29/7/2008 đã bị bà Lan khiếu nại và đã được giải quyết bằng biên bản làm việc đo lại kích thước 2 hồ vào ngày 16/3/2010, do đó, biên bản xác định hiện trạng ngày 29/7/2008 không còn giá trị pháp lý. Đối với biên bản lập ngày 16/3/2010, tuy không đảm bảo về thành phần tham gia nhưng đã có các thành viên trong tổ chuyên viên giúp việc cho UBND huyện Buôn Đôn đo đạc lại. “Đây là biên bản đo đạc, thẩm định cuối cùng nên biên bản lập ngày 16/3/2010 là biên bản có giá trị pháp lý”- HĐXX phân tích và khẳng định, khi ra Quyết định số 2922/QĐ-UBND và 5378/QĐ-UBND, UBND tỉnh và huyện Buôn Đôn căn cứ vào biên bản xác định hiện trạng ngày 29/7/2008 là không có cơ sở.
Về áp giá bồi thường, HĐXX nhận định việc lập phương án bồi thường theo giá trị vật liệu xây dựng được quy định tại mục 4 quy định kèm theo Quyết định số 01/2014 ngày 07/1/2014 của UBND tỉnh là không chính xác...
HĐXX cũng nhận định, việc cho rằng 2 hồ nuôi trồng thủy sản này là công trình nông nghiệp, không phải công trình xây dựng là không phù hợp.
Từ phân tích, nhận định trên, HĐXX cho rằng, việc căn cứ Mục 4 của quy định kèm theo Quyết định số 01/2014/QĐ-UB áp giá bồi thường cho bà Lan với tổng số tiền 97,945 triệu đồng là không đúng, mà phải căn cứ vào tiểu mục 2 Mục III của Quyết định số 19/2008/QĐ-UB, đền bù 2 hồ nuôi trồng thủy sản cho bà Lan theo bể nước “kết cấu xây gạch”, giá đền bù cho thể tích 1m3 chứa nước là 802.000đ/m3.
HĐXX cũng khẳng định, UBND huyện Buôn Đôn có lỗi khi ra quyết định thu hồi từ năm 2008 mà đến nay chưa bồi thường cho bà Lan, nên phải trả khoản tiền chậm nộp theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Được biết, sau khi thua kiện tại phiên tòa sơ thẩm, phía người bị kiện đã kháng cáo. Cuối tháng 10/2017, TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã thụ lý vụ án theo trình tự phúc thẩm. Đến nay, phiên tòa đã 2 lần có lịch xét xử nhưng đều bị hoãn, với lý do đều xuất phát từ phía bên bị kiện. Theo thông báo mới nhất, ngày 26/3 sắp tới, phiên tòa sẽ được mở lại lần 3, sau 2 lần hoãn.
Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Bùi Tiến