Đẻ sòn sòn, giả vờ dị ứng với thuốc độc, quá béo để tiêm thuốc độc... là những quái chiêu mà tử tù dùng để đối phó với thi hành án. Không ít tên đã may mắn thoát chết.
 
Đẻ sòn sòn
 
“Con cái là tài sản, là tương lai của cha mẹ”, điều này đúng. Tuy nhiên có lẽ trong một vài trường hợp “con cái” còn có giá trị nhiều hơn như thế, khi mà sự hiện diện của con chính là “tấm thẻ” cho người mẹ phạm tội tiếp tục được giữ lại mạng sống của mình.
 
Đó là sự vụ xảy ra tại trại tạm giam Chí Hòa (TP Hồ Chí Minh), nữ can phạm Trần Thị Hương vào tù vì phạm tội mua bán ma túy với số lượng lớn (gần 9 kg). Hành vi phạm tội của thị đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên sau 7 tháng ở tù Hương đã kịp mang thai. Vào ngày 16/6/2006 nữ can phạm này trở dạ và sinh một bé trai bụ bẫm. Trước diễn tiến không ngờ đó trong tình hình của bị cáo, TAND TP HCM buộc phải giảm hình phạt từ mức án tử hình dành cho bà mẹ này xuống còn mức án tù chung thân.
 
Bị cáo Trần Thị Hương.
Bị cáo Trần Thị Hương.
 
Một sự việc quá bất ngờ và hi hữu xảy ra tại trại giam Công an tỉnh Hòa Bình, nhờ có sự giúp đỡ của 2 cựu cán bộ tại đây mà một nam phạm nhân ở trại giam đã 5 lần được vào phòng biệt giam quan hệ với tử tù Nguyễn Thị Oanh, dẫn đến tử tù này có thai và  thoát án tử hình.
 
Sau những sự việc trên đa số các ý kiến trong dư luận đều cho rằng những bà mẹ can phạm này sinh con ra chỉ nhằm mục đích chạy tội, “né” án tử hình. Bởi theo quy định của pháp luật Việt Nam, với những người khi phạm tội không mang thai nhưng trong quá trình bị tạm giam để điều tra xét xử vụ án thì họ lại mang thai, trong trường hợp nếu tội của họ đến mức phải xử phạt tử hình thì theo quy định của bộ luật hình sự hiện hành nhà nước sẽ giảm hình phạt từ mức tử hình xuống tù chung thân.
 
Giả vờ dị ứng với thuốc độc để né tử hình
 
Được đánh giá là nhân đạo nhất trong lịch sử các phương thức hành hình của nhân loại, nhưng tiêm thuốc độc rốt cục vẫn buộc những kẻ thủ ác phải đền tội bằng chính mạng sống của mình. Thế nên thật dễ hiểu khi các tay anh chị bắt đầu tìm sơ hở của hình thức tử hình này để “lách” khi phải đối mặt.
 
Năm 2007, tử tù Darryl Durr ở bang Ohio (Mỹ) trước ngày phải vào phòng “tiêm chủng” đã bất ngờ tuyên bố mình bị dị ứng với thuốc độc dùng để tử hình. Sau những ca tử hình bằng thuốc độc đầu tiên, người ta phát hiện ra rằng có một số trường hợp tử tù gặp biến chứng với các loại thuốc độc dẫn đến việc họ phải chịu đựng những cơn đau đớn dữ dội trước khi chết. Do đó, vào năm 2006, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã ra một phán quyết cho phép tử tù có quyền khiếu nại nếu thấy mình có thể phải chịu các tác dụng phụ không mong muốn này nếu thi hành án.
 
Một tử tù Mỹ đang thi hành án tiêm thuốc độc.
Một tử tù Mỹ đang thi hành án tiêm thuốc độc.
 
Theo trình tự, tử tù sẽ lần lượt được tiêm 3 mũi. Sau khi nghiên cứu kỹ 3 loại thuốc ứng với 3 mũi tiêm này, Darryl Durr cho biết mình bị dị ứng với loại thuốc của mũi tiêm thứ nhất. Luật sư của hắn viện dẫn tới 800 trang hồ sơ bệnh án của thân chủ trong thời gian chờ thi hành án (từ năm 1988) để chứng minh rằng, Darryl Durr sẽ phải chịu một cái chết đau đớn khôn tả nếu bị tử hình bằng 3 mũi thuốc độc theo quy trình. Điều này trái với quy định của luật pháp Mỹ. Trước thực tế này, chính quyền bang Ohio đã buộc phải hoãn thi hành án vô thời hạn với tên tử tù ranh mãnh và khá… may mắn này.
 
Thoát lưỡi hái tử thần vì... quá béo
 
Sau vụ việc của Darryl Durr, các nhà hành pháp Hoa Kỳ lập tức đặt hàng giới nghiên cứu thêm vài loại thuốc dự phòng khác để tránh tái diễn trường hợp “dị ứng” tương tự. Thế nhưng họ không ngờ rằng, kẻ ma mãnh tiếp theo lại sử dụng một “vũ khí” không ngờ khác để trốn thần chết. Khi nhận được thông báo chuẩn bị đến lượt phải bước vào phòng “tiêm chủng”, tử tù Richard Cooey lập tức khiếu nại lên tòa án liên bang Mỹ và yêu cầu miễn thi hành án với mình vì hắn… quá béo.
 
Thoạt đầu, điều này có vẻ như rất nực cười, nhưng khi kiểm tra lại, giới chức Mỹ mới thực sự tá hỏa. Tên này nặng tới 267 pound (tương đương 121 kg) nên ngay cả khi tìm được tĩnh mạch thì với khối lượng cơ thể đồ sộ ấy, các mũi tiêm - nhất là mũi gây mê đầu tiên - có thể sẽ không đủ để đem đến cho hắn ta một cái chết nhẹ nhàng. Điều oái oăm là luật pháp Mỹ không chỉ quy định đích danh loại thuốc cho từng mũi tiêm mà còn quy định cả liều lượng của chúng.
 
Chưa hết, viên luật sư còn viện dẫn bằng chứng cho thấy trong thời gian thi hành án (từ năm 1986), thân chủ của mình liên tục phải uống thuốc điều trị chứng đau nửa đầu. Có bằng chứng khoa học cho thấy, loại thuốc này đã tích tụ một phần nhất định trong cơ thể của Richard Cooey, và tệ hơn, nó có thể trung hòa loại thuốc độc được quy định dùng để tử hình y. Chính các giám thị trại giam cũng xác nhận rằng, trong thời gian ở trại, tên này đã từng một lần định hiến máu nhân đạo và một lần định cắt tay tự vẫn. Nhưng cả hai việc đó đều không thành công do các tĩnh mạch đã lặn đâu mất dưới đám mỡ trên cơ thể phì nộn của hắn. Đến nước này thì tòa tối cao Hoa Kỳ cũng không còn cách nào khác. Richard Cooey được tuyên giảm án xuống còn chung thân.
 
Lưới trời lồng lộng
 
Mặc dù bày trò thoát được việc thi hành án tử hình bằng thuốc độc nhưng hai phạm nhân Darryl Durr và Richard Cooey kể trên rồi cũng có một kết cục chẳng ra gì. Chỉ vài năm sau khi “thoát chết”, Darryl Durr đã đánh chết một tù nhân khác ở bang New York khi đến đây thi đấu bóng rổ theo chương trình giao hữu giữa các tù nhân hai bang. Do biết rõ hắn đã từng “né” thành công hình thức tử hình tiêm thuốc độc, các thẩm phán New York đã tuyên tử hình bằng hình thức dùng hơi ngạt đối với tên này. Công lý được thực thi và kẻ ác đã phải đền tội. Trong khi đó, Richard Cooey chết năm 2006 do hàng tá thứ bệnh như huyết áp cao, tim mạch, tiểu đường... Đây là những bệnh do cơ thể y quá béo-điều đã giúp tử tù này dùng để “làm trò” với cơ quan chức năng để tránh án tử bằng hình thức tiêm thuốc độc.

 

Theo Khoe & Dep