Người đàn bà thất nghiệp dùng "bổn cũ" vẫn kiếm tiền tỷ dễ như chơi
Cập nhật lúc 00:10, Thứ tư, 07/06/2017 (GMT+7)
Không công ăn việc làm nhưng Vân cùng đồng bọn vẫn tự phân công nhau chịu trách nhiệm từng công đoạn trong quy trình "chạy" việc làm và "chạy" học… (phiên tòa, sơ thẩm , tiền tỷ , xét xử, Người đàn bà, thất nghiệp )
Không công ăn việc làm nhưng Vân cùng đồng bọn vẫn tự phân công nhau chịu trách nhiệm từng công đoạn trong quy trình “chạy” việc làm và “chạy” học…
Cụ thể, tại phiên tòa, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các bị cáo thể hiện, Vũ Thị Hồng Vân và Đặng Hoàng Lan Hương vốn quen biết nhau từ năm 2013 và đều không có công ăn việc làm ổn định. Để có tiền tiêu xài “hoành tráng”, Vân gạ gẫm và Hương cũng lập tức đồng ý “người tung, kẻ hứng” để lừa đảo “chạy” việc làm.
Thực hiện tội phạm, Vân phân công Hương chuyên đi tìm những gia đình có nhu cầu xin việc làm cho con em vào các cơ quan Nhà nước hoặc xin cho người thân vào học tại những trường, thuộc lực lượng vũ trang. Về phần mình, Vân cam kết sẽ “bao tiêu” đầu ra cho tất cả những trường hợp mà đồng bọn dẫn mối về.
Và mỗi trường hợp xin đi làm hoặc xin học, hai đối tượng này bàn nhau sẽ thu của họ từ 200 triệu đồng đến 350 triệu đồng, tùy từng tình huống cụ thể. Khi có người nhờ cậy, Vân và Hương đều yêu cầu phải “đặt cọc” trước từ 100 triệu đồng trở lên. Số tiền còn lại, bộ đôi lừa đảo nói bị hại sẽ thanh toán nốt khi nhận được quyết định đi làm hoặc giấy báo nhập học.
Cũng trong quá trình lừa đảo, Vân đặt vấn đề với Nguyễn Hữu Hồng là sẽ làm giả các quyết định, giấy báo nhập học của các cơ quan, tổ chức, mỗi khi đối tượng cung cấp thông tin cá nhân của một ai đó. Và với yêu cầu này của Vân, Hồng nhanh chóng vào mạng Internet sưu tầm đầy đủ các phom mẫu giấy tờ mà đối tượng chủ mưu mong muốn.
Bằng thủ đoạn nêu trên, từ tháng 11-2014 đến tháng 11-2015, Vân cùng đồng phạm đã lừa đảo chiếm đoạt được xấp xỉ 2 tỷ đồng và 5.000 USD của 6 cá nhân có nhu cầu “chạy” việc làm và “chạy” trường học cho những người thân quen. Trong đó, Vân cùng Hồng là chủ mưu và tham gia đối với tất cả các trường hợp bị lừa.
Đối với Đỗ Khắc Phê, quá trình sống chung như vợ chồng với Hương cũng học đòi thói kiếm tiền bất chính bằng việc tự đi săn tìm những người có nhu cầu “chạy” việc làm, “chạy” trường học và nhận tiền của bị hại, rồi chuyển cho Vân thông qua người vợ không hợp pháp. Do đó, cặp vợ chồng không hôn thú này phải chịu trách nhiệm về số tiền hơn 1,3 tỷ đồng.
Tại tòa, cả Vân và Hương đều thừa nhận không hề có “cửa” nào để xin việc hoặc xin học cho các bị hại. Nhận tiền của các bị hại xong, Vân cũng không có bất kỳ hành động gì tích cực, ngoài việc bảo Hồng sản xuất ra giấy tờ giả để tiếp tục chiếm đoạt thêm tiền của những người cả tin.
Về phần Hương và Phê cũng khai nhận hoàn toàn biết rõ đối tượng chủ mưu không hề có vị thế gì trong xã hội và cũng không chắc là Vân có “chạy” được việc làm hoặc “chạy” được trường học hay không. Tuy nhiên, do hám lợi nên cặp vợ chồng bất chính này vẫn liều lĩnh làm bậy.
Tương tự, bị cáo Hồng cũng khai khi nhận làm giả giấy tờ, con dấu của các cơ quan tổ chức cho Vân, đối tượng nhận thức rõ đó là việc làm trái pháp luật nhưng vì cả nể đồng bọn nên cứ “nhắm mắt làm bừa”.
Với những hành vi nêu trên, thế nên khép lại phiên tòa sơ thẩm, TAND TP Hà Nội đã lần lượt tuyên phạt Vũ Thị Hồng Vân, Nguyễn Hữu Hồng 14 năm tù và 11 năm tù về cả 2 tội danh bị truy tố. Cặp vợ chồng không hôn thú còn lại cũng bị tuyên phạt từ 8 năm tù đến 13 năm tù, theo đúng tội danh bị xét xử.
Theo Minh Long/ANTD.VN
.