leftcenterrightdel
 Phan Thành Mai vẫn giữ dáng vẻ điềm tĩnh trước, trong và sau phiên toà

Tại toà, Phan Thành Mai thừa nhận toàn bộ nội dung cáo trạng truy tố hành vi phạm tội của Mai trong việc dùng 11 công ty vay vốn tại TPBank và dùng tiền gửi của VNCB trả cho khoản vay này là đúng với bản chất và hành vi phạm tội của Mai, Danh và các đồng phạm.

 Tháng 5/2013, với lý do để có tiền chăm sóc khách hàng và tăng vốn đầu tư, Phạm Công Danh chỉ đạo Phan Thành Mai tìm cách rút tiền ra khỏi VNCB, chuyển về để Danh sử dụng. Mai đề xuất với Danh ủy thác qua Quỹ Lộc Việt để mua trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh thì tiền sẽ quay trở lại. Phạm Công Danh đồng ý với đề xuất của Mai. Nhờ có quen biết với nhau từ trước, Phan Thành Mai đã trao đổi và thống nhất với Nguyễn Việt Hà, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần quản lý Quỹ Lộc Việt (Quỹ Lộc Việt) dùng biện pháp ủy thác đầu tư sang Quỹ Lộc Việt và nhờ Hà mượn pháp nhân các công ty để vay tiền Ngân hàng TMCP Tiền Phong (TPBank) lấy tiền mua trái phiếu và dùng tiền vay này mua trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung, VNCB sẽ bảo lãnh cho các khoản vay trên. Được Nguyễn Việt Hà đồng ý, Mai đã báo cáo với Phạm Công Danh để triển khai thực hiện.

Quá trình lập hồ sơ, tìm công ty “thế thân” của Danh, Mai được thực hiện một cách rất bài bản. Danh chỉ đạo Khương soạn thảo biên bản họp hội đồng đầu tư tín dụng và nhiều văn bản liên quan. Hoàng Đình Quyết liên hệ với quỹ Lộc Việt để lựa chọn công ty. Theo đó, Nguyễn Việt Hà giới thiệu 5 công ty, Đặng Thị Bích Thuỷ (PGĐ Khối KHDN NH TPBank) giới thiệu 4 công ty, Đinh Việt Cường đề xuất 1 công ty và Phạm Công Danh đưa 1 công ty vào làm hồ sơ. Trên cơ sở 11 công ty được đề xuất, Mai Hữu Khương và Nguyễn Kim Cẩm Vân (Quỹ Lộc Việt) viết và hợp thức hoá các loại giấy tờ cần thiết để bảo lãnh cho 11 công ty vay hơn 1,666,8 tỷ đồng. Sau đó, Khương, Quyết và Cẩm Vân liên hệ với nhau dưới nhiều hình thức để phát hành mới 1200 trái phiếu của công ty Trung Dung. Trước đó, Tập đoàn Thiên Thanh đã phát hành 2500 trái phiếu. Sau đó, Mai soạn thảo 7 Hợp đồng mua bán trái phiếu đưa cho Phạm Công Danh ký bán 1.000 trái phiếu trị giá 1.000 tỷ đồng của Tập đoàn Thiên Thanh cho 7 công ty trong tổng số 11 công ty được Danh, Mai, Khương và Bích Thuỷ chọn. Hoàng Đình Quyết soạn thảo 4 hợp đồng và đưa Trần Văn Bình – Giám đốc công ty Trung Dung ký bán cho 4 công ty còn lại 600 trái phiếu ( tương đương 600 tỷ đồng).

Nói riêng về việc Tập đoàn Thiên Thanh và công ty Trung Dung phát hành trái phiếu, cáo trạng nêu rõ: Tập đoàn Thiên Thanh và công ty Trung Dung phát hành trái phiếu khi chưa có Báo báo tài chính được kiểm toán có lãi năm 2012 và văn bản phê duyệt của cấp có thẩm quyền đối với các dự án Khu phức hợp Thương mại dịch vụ Thiên Thanh Đà Nẵng, nhưng Phạm Công Danh vẫn chỉ đạo Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương và Hoàng Đình Quyết lập hồ sơ phát hành, ra thông báo và bán trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung là trái với quy định tại Điều 13, 14, 16 Nghị định số 90/NĐ-CP ngày 14/10/2011 của Chính phủ về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Về TPBank: Khi đơn vị kinh doanh chuyển tờ trình đến Phòng tái thẩm định việc đề xuất cấp tín dụng cho 11 công ty trên với nội dung: chưa có cơ sở để đánh giá về tình hình tài chính hiện tại của 11 Công ty nêu trên; Đề nghị vay vốn vượt nhiều lần vốn điều lệ; Phòng thẩm định 1 chưa có đủ căn cứ để đánh giá kế hoạch kinh doanh này; Phòng Thẩm định tín dụng 1 chưa có đầy đủ thông tin, hồ sơ pháp lý về đợt phát hành trái phiếu này của Tập đoàn Thiên Thanh/Công ty Trung Dung. Thế nhưng Phòng Tái Thẩm định 1 TPBank vẫn đồng ý cho các doanh nghiệp này vay vốn, nợ hồ sơ phát hành trái phiếu, đề xuất cấp tín dụng cho 11 Công ty và trình HĐTD, Ủy ban tín dụng TPBank xem xét, quyết định. Trên cơ sở tờ trình đề xuất cấp tín dụng của Đơn vị kinh doanh và Phòng tái thẩm định 1; HĐTD và Ủy ban tín dụng đều đồng ý phê duyệt cấp tín dụng cho 11 Công ty vay tổng số tiền là 1.666,8 tỷ đồng đầu tư trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung.

Phan Thành Mai và đại diện TPBank thừa nhận tại toà, do quy định về thời gian của hợp đồng tiền gửi nên VNCB và TPBank đã ký với nhau 9 hợp đồng tiền gửi kỳ hạn 3 tháng liên tiếp nhau để làm tài sản cầm cố đảm bảo cho khoản vay của 7 công ty. Như vậy  tổng số tiền VNCB gửi trên 9 hợp đồng tiền gửi trên ở thời điểm ký kết là 1.706,12 tỷ đồng để bảo đảm cho 11 công ty vay 1.666,8 tỷ đồng tại TPBank trong thời hạn 1 năm.

Sau khi ký HĐTD, TPBank đã giải ngân toàn bộ số tiền 1.666,8 tỷ đồng cho 11 công ty. Cùng ngày, 11 công ty Uỷ nhiệm chi chuyển 1000 tỷ đồng vào tài khoản của Tập đoàn Thiên Thanh, chuyển 600 tỷ đồng vào tài khoản công ty Trung Dung. Số tiền còn lại 66,8 tỷ đồng chuyển vào tài khoản công ty Thạch Hà.

Cáo trạng đã nêu rất rõ âm mưu và việc chỉ đạo dòng tiền của Phạm Công Danh và 20 đồng phạm.

Tại toà, Phạm Công Danh khai nhận, nhân viên Tập đoàn Thiên Thanh đã rút 155 tỷ đồng đưa cho Danh, Danh đã sử dụng để trả lãi ngoài cho ông Trần Quý Thanh; trả cho bà Hứa Thị Phấn 996 tỷ đồng…

Hoa Việt


Kết luận giám định số 3912/KLGĐ-NHNN ngày 27/5/2016 và Kết luận giám định bổ sung số 8671/KLGĐ - NHNN ngày 11/11/2016 của Đoàn Giám định Ngân hàng Nhà nước đã kết luận về sai phạm của TPBank trong quá trình thẩm định, xét duyệt, ký kết hợp đồng tín dụng, hợp đồng cầm cố/bảo lãnh và kiểm tra sau cho vay trong việc cho các Công ty của Phạm Công Danh vay vốn như sau: Quyết định cho vay khi chưa thẩm định nguồn vốn tự có và nguồn trả nợ hoặc cho vay khi không có đủ hồ sơ, tài liệu để xem xét, đánh giá khả năng tài chính để xác định tính khả thi, hiệu quả của phương án vay vốn và khả năng hoàn trả nợ vay của khách hàng; Việc nhận bảo lãnh khi không có chữ ký của Người quản lý rủi ro hoạt động bảo lãnh và Người thẩm định khoản bảo lãnh; Cho vay khi khách hàng và bên bảo lãnh (VNCB) chưa thực hiện bảo đảm tiền vay; không kiểm tra sau cho vay hoặc lập báo cáo kiểm tra, giám sát vốn vay với nội dung khách hàng sử dụng vốn đúng mục đích, hoạt động kinh doanh bình thường khi chưa có đủ căn cứ, tài liệu… là thực hiện chưa đúng, chưa đầy đủ các quy định của pháp luật, vi phạm Quyết định 1627, Thông tư 28, Luật các TCTD 2010. Trách nhiệm thuộc về những người thẩm định, xét duyệt, ký kết Hợp đồng tín dụng, Hợp đồng cầm cố tài sản.