Giấy phép một đằng, xây dựng một nẻo
Chiều 11/3, luận tội các bị cáo tại phiên tòa xét xử bị cáo Nghiêm Quang Minh (SN 1979, chủ chung cư mini bị cháy làm 56 người chết hồi tháng 9/2023), cùng 7 cựu cán bộ phường Khương Đình, Đội Thanh tra Xây dựng quận Thanh Xuân, đại diện VKSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên toà, nêu rõ: Trong những năm qua, nhiều vụ việc cháy nổ đã xảy ra, nhất là tại khu dân cư, chung cư cao tầng, khu công nghiệp, chợ, cơ sở sản xuất, kinh doanh, quán karaoke... gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm nhiều người chết và thiệt hại nặng nề về tài sản; tài sản mất đi có thể làm lại được, nhưng tính mạng con người mất đi thì không thể lấy lại được.
    |
 |
Hội đồng xét xử. Ảnh: Hồng Nguyên |
Để minh chứng cho nội dung này, đại diện Viện kiểm sát đã nêu ra một số ví dụ cụ thể, đó là những vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn TP Hà Nội, trong thời gian qua, như: Vụ cháy kho, xưởng tại ngách 1/56 phố Đại Linh, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, ngày 12/4/2019, làm 8 người chết; Vụ cháy nhà ở kết hợp với kinh doanh trên phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, ngày 04/4/2021, làm 4 người chết; Vụ cháy tại nhà số 116, B9 khu tập thể Kim Liên, ngõ 65 phố Phạm Ngọc Thạch, quận Đống Đa, ngày 21/4/2022, làm 5 người chết, 2 người bị thương; Vụ cháy quán Karaoke ISIS ở quận Cầu Giấy, ngày 1/8/2022 khiến 3 chiến sĩ cảnh sát phòng cháy, chữa cháy hi sinh…; hay như vụ cháy ngày 6/9/2022, xảy ra tại quán Karaoke An Phú, đường Trần Quang Diệu, phường An Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương làm 32 người chết và 17 người bị thương…
“Do vậy, VKSND TP Hà Nội đề nghị TAND TP Hà Nội phối hợp, đưa bị cáo Nghiêm Quang Minh ra xét xử về tội “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy” và bị cáo Chu Xuân Sơn cùng các bị cáo liên quan ra xét xử về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, cũng như đảm bảo công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trên địa bàn thành phố", đại diện Viện kiểm sát nêu.
    |
 |
Đại diện VKSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa luận tội các bị cáo. Ảnh: Hồng Nguyên. |
Theo đại diện Viện kiểm sát, trên cơ sở hồ sơ vụ án và kết quả xét hỏi, thẩm tra tại phiên toà, đủ cơ sở để kết luận: Nghiêm Quang Minh là chủ sở hữu thửa đất có diện tích 240m2, tại số 37, ngách 29/70, phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội.
Ngày 11/3/2015, Minh được UBND quận Thanh Xuân cấp Giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ trên thửa đất nêu trên, diện tích xây dựng tầng 1 là 167,4m2; mật độ xây dựng 70%; tổng diện tích sàn xây dựng 1.165,9m2; tổng chiều cao công trình 20,2m, gồm 6 tầng, tầng lửng và tum thang, cụ thể: tầng 1 có 2 phòng, tầng lửng có 3 phòng; từ tầng 2 đến tầng 6, mỗi tầng có 5 phòng; tầng tum có 3 phòng (tổng số 33 phòng).
"Mặc dù, chỉ được cấp Giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ như nêu trên nhưng vì lợi ích cá nhân, Minh đã tự ý thay đổi thiết kế xây dựng công trình, xây dựng diện tích sàn tầng 1 là 240m2, xây tầng lửng thành tầng 2 với 5 căn hộ; xây công trình cao 9 tầng, 1 tum với 45 phòng (căn hộ) khép kín (vượt quá 3 tầng và 12 phòng (căn hộ), mà không lập hồ sơ thiết kế, thẩm duyệt, nghiệm thu, quản lý về phòng cháy chữa cháy. Do vậy, trong vụ án này, Minh ngoài vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy, Minh còn vi phạm về trật tự xây dựng", đại diện Viện kiểm sát nêu.
    |
 |
Quang cảnh phiên tòa. Ảnh: Hồng Nguyên |
Cần phải có một mức án thật nghiêm khắc
Cũng theo đại diện Viện kiểm sát, trong vụ án này, lỗi đầu tiên thuộc về bị cáo Nghiêm Quang Minh, chỉ vì nhằm hưởng lợi trong việc xây được nhiều căn hộ, bán được nhiều tiền mà đã tự ý thay đổi thiết kế, thi công vượt tầng, vượt mật độ xây dựng, đồng thời chối bỏ trách nhiệm khi không phối hợp cùng với cư dân trong việc khắc phục, hoàn thiện hệ thống phòng cháy chữa cháy. Mặc dù, tại Cơ quan điều tra cũng như phiên tòa này, bị cáo thành khẩn khai báo, tự nguyện bồi thường dân sự cho các bị hại nhưng vẫn cần phải có một mức án thật nghiêm khắc đối với bị cáo để làm bài học răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.
Tiếp đến, để xảy ra vụ hỏa hoạn đêm 12/9/2023, có lỗi của các bị cáo Chu Xuân Sơn (cựu Phó Chủ tịch UBND phường Khương Đình), Nguyễn Đình Quân (cựu Tổ trưởng Tổ Thanh tra xây dựng UBND phường Khương Đình), Trần Trọng Khang (cựu Đội trưởng Đội Thanh tra Xây dựng UBND quận Thanh Xuân), Nguyễn Thị Kim Trang (cựu cán bộ địa chính xây dựng UBND phường Khương Đình) và Phạm Thanh Tùng (cựu nhân viên hợp đồng phụ trách lĩnh vực môi trường đô thị) đã thiếu trách nhiệm trong quản lý trật tự xây dựng. Vì sự buông lỏng quản lý của các bị cáo này đã tiếp tay cho bị cáo Minh xây dựng vượt tầng, quá mật độ so với giấy phép xây dựng, dẫn đến việc cư dân sinh sống thiếu khoảng trống đảm bảo an toàn.
    |
 |
Các bị cáo đứng nghe đại diện Viện kiểm sát luận tội. Ảnh: Hồng Nguyên |
Đồng thời, để xảy ra vụ cháy khiến 56 người bị chết có lỗi của những người làm công tác PCCC. Mặc dù từ năm 2019, đoàn kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy Công an quận Thanh Xuân đã nêu những tồn tại, yêu cầu chủ đầu tư, cư dân phải hoàn thiện khắc phục, nếu không khi xảy ra cháy sẽ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, cư dân và chủ đầu tư không khắc phục được.
Sau đó, Công an quận Thanh Xuân đã ra quyết định đình chỉ hoạt động tại tầng 1 tòa nhà nhưng cư dân và chủ đầu tư vẫn không chấp hành. Sau khi xảy ra hàng loạt các vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, từ Trung ương đến địa phương đã đưa ra các yêu cầu xử lý nghiêm những tồn tại, vi phạm trong công tác PCCC.
Ngày 21/3/2023, Công an quận Thanh Xuân tiếp tục ra văn bản yêu cầu kiểm tra giám sát việc chấp hành Quyết định đình chỉ hoạt động tại tầng 1 tòa nhà nhưng 2 người có trách nhiệm chính là Phạm Tần Anh (cựu Phó Chủ tịch UBND phường Khương Đình phụ trách công tác PCCC) và Nguyễn Tuấn Anh (cựu Phó trưởng Công an phường Khương Đình, phụ trách công tác PCCC) đã không đưa ra các giải pháp để giảm thiểu tổn thất xảy ra.
Trong vụ án này, các bị cáo đều phạm tội với lỗi vô ý, không ai mong muốn hậu quả xảy ra. Quá trình điều tra, các bị cáo đều thành khẩn khai báo, sau khi xảy ra cháy đã tích cực vận động gia đình, người thân và bản thân ủng hộ quyên góp để giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và của cho cư dân.
Từ những phân tích đánh giá trên, đại diện VKSND TP Hà Nội đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo Nghiêm Quang Minh từ 11 đến 12 năm tù về tội "Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy";
Đồng thời, đại diện Viện kiểm sát đề nghị xử phạt các bị cáo: Chu Xuân Sơn, Nguyễn Đình Quân, mỗi bị cáo từ 6 đến 7 năm tù; Nguyễn Tuấn Anh, Phạm Tần Anh, mỗi bị cáo từ 4 đến 5 năm tù; Nguyễn Thị Kim Trang, Trần Trọng Khang, Phạm Thanh Tùng, mỗi bị cáo từ 30 đến 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, cùng về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Đại diện Viện kiểm sát cho biết, ngoài trách nhiệm của 8 bị cáo, tại phiên tòa này, còn có trách nhiệm của nhiều cá nhân, ban, ngành từ cấp phường đến cấp thành phố. Những cá nhân có trách nhiệm liên quan không bị khởi tố hình sự thì đều đã bị kỷ luật đảng, cách chức vụ, thuyên chuyển công tác.
Về dân sự, buộc các bị cáo bồi thường cho các gia đình chi phí mai táng là 50 triệu đồng và 180 triệu đồng tiền bồi thường tổn thất tinh thần/nạn nhân.