Phiên xử thu hút hơn 2.000 người, hàng trăm nhà khoa học xin "thỉnh ý" của Rulloff về những vấn đề trong nghiên cứu của họ.
 
Ra tù, Rulloff rời về Pittsburgh, nơi hắn có được công việc là giảng viên. Nhưng không lâu sau đó hắn rời về New York để kết nhóm cùng với Jarvis. Cả hai nhập thành một hội để cùng nhau thực hiện những phi vụ ăn trộm.
 
Sau một thời gian thực hiện những vụ trộm lẻ tẻ, nhóm có thêm thành viên mới đi tù về là Dexter. Vì Javis và Dexter mới 20 tuổi nên tất cả những toan tính và lên kế hoạch đều dựa vào kinh nghiệm và trí óc tính toán của Rulloff.
 
Lần này chúng mạnh dạn thực hiện vụ trộm ở biệt thự nhà Halbert ở Binghamton. Sau khi do thám kỹ càng, thấy an ninh ở đây không tốt, Rulloff bàn với đồng bọn thay vì đi trộm, chúng sẽ tổ chức cướp nhà này.
 
Hậu quả của vụ cướp liều lĩnh này là 3 người thiệt mạng, trong đó có 1 thành viên nhà Halbert. Rulloff may mắn không chết nhưng hắn bị bắt và phải đối mặt với án phạt nặng nề.
 
Trước những vụ án mạng kinh hoàng mà Rulloff bị nghi là thủ phạm hàng đầu trước đây, giờ đây bị bắt trực tiếp trong vụ này, hắn bị dư luận lên án rất gay gắt. Cả cộng đồng dân dư giận dữ khiến Rulloff lần này có thể bị án cao nhất là treo cổ.
 
Xét xử Rulloff
 
Phiên toà xét xử bắt đầu ngày 4/1/1871 và được đăng tải kín trên các trang báo địa phương, thậm chí tờ New York Times cũng dành những bài đầu trang cho vụ này. Mỗi ngày xử án có tới 2.000 người tới theo dõi, gấp đôi sức chứa của phòng xử án. Rõ ràng, “huyền thoại” về Rulloff  lan toả rất rộng và xa.
 
Rulloff, được biết tới với biệt danh “Seurio” (trên tờ Times) hay “Leurio” (trên tờ Bailey) phải đối mặt với tội danh trộm cắp và giết người cấp độ 1. Độ nóng của phiên toà cao tới mức hàng loạt các bài báo đưa ra dự đoán về bản án dành cho sát nhân có học thức cao này thu hút rất nhiều bạn đọc, trong đó có cả những tờ báo nước ngoài. Rất nhiều những sinh viên của Rulloff trước đây hoặc thậm chí những người không quen biết đều cho rằng một thiên tài như hắn thì không thể là một sát nhân được.
 
Tuy nhiên, ngày 3/3/1871, toà đã tuyên Rulloff phạm tội trộm cắp, giết người cấp độ 1 và chịu án treo cổ. Hắn sẽ phải thi hành án vào ngày 18/5/1871.
 
Trong thời gian ở tù chờ ngày ra pháp trường, Rulloff tiếp tục thu hút được hàng ngàn người. Một số học giả luôn gửi thư từ về để trao đổi các công việc nghiên cứu. Tên tuổi của hắn ngày càng lan xa và nhiều người tò mò về thuyết ngôn ngữ của hắn. Người ta đổ tới nhà tù chỉ để nhìn thấy Rulloff còn sát nhân có đầu óc bác học này dường như không bận tâm tới cái chết sắp tới, luôn viết lách và nghiên cứu các vấn đề về ngôn ngữ.
 
Thậm chí cả lúc cảnh sát trưởng thông báo thi hành án treo cổ, Rulloff vẫn đang bận giải thích những ý tưởng của mình cho các phóng viên. Do vậy, không ít nhà trí thức đặt ra câu hỏi, giữa việc bị treo cổ và làm nghiên cứu, việc nào thích hợp hơn với Rulloff. Đánh giá Rulloff là người có chuyên môn cao, một nhà nghiên cứu ngôn ngữ hoàn hảo, nhiều người đã gửi thư vào tù cho Rulloff nhờ giúp đỡ trong công việc nghiên cứu của họ.
 
Một bài viết đăng trên tờ New York Times khi đó cho biết, lá thư mà Rulloff gửi tới các nhà lãnh đạo Binghamton là một sự pha trộn kỳ cục nhất, không tuân theo nguyên tắc nào cả, trong đó thể hiện sự “sắc sảo, uyên bác” song cũng có cả sự “trái khoáy, láo xược và tự phụ”.
 
Trước tình hình này, nhiều người băn khoăn có nên treo cổ hắn hay không hoặc có một bản án nào khác cho sát nhân này thoát tội nhằm phục vụ cho lợi ích khoa học.
 
Về phần mình, khi được phỏng vấn, Rulloff nói với báo giới rằng “các người không thể giết được một linh hồn chưa yên nghỉ. Tên tuổi của tôi sẽ luôn xuất hiện trên các đường phố, trong các ngôi nhà”. Rulloff thề rằng nếu giết hắn, mọi người sẽ mãi sợ hãi và băn khoăn rằng rốt cuộc có nên giết hắn hay không. Đó là một sự thi hành công lý hay là một sai lầm lớn lao của khoa học khi mất đi bộ óc vĩ đại như hắn. Rulloff khẳng định hắn hết mình vì khoa học nhưng đã bị kết án oan.
 
Liệu Rulloff có phải chịu án tử hay không? Giới khoa học sau này sẽ làm gì với bộ não của hắn sau khi Rulloff chết? Mời các bạn đón đọc Sát nhân mang đầu óc bác học (Kỳ cuối) vào SÁNG SỚM ngày 4/1/2014.
 
Theo Khampha