Vụ án Dương Chí Dũng; vụ bác sĩ Cát Tường phi tang khách hàng và vụ Nguyễn Thanh Chấn là 3 trong số 9 vụ trọng án gây rúng động dư luận trong năm 2013.
 
Giám đốc thẩm mỹ viện gây tử vong rồi vứt xác phi tang khách hàng
 
Ngày 22/10, sau hai ngày chị Lê Thị Thanh Huyền (39 tuổi) ở số 36 phố Hàng Thiếc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội mất tích bất thường, gia đình chị Huyền nhận được thông báo từ cơ quan công an có người thú nhận đã vứt xác chị Huyền xuống sông Hồng.
 
Đến chiều 22/10, cơ quan cảnh sát điều tra đã bắt giữ Nguyễn Mạnh Tường (chủ cơ sở thẩm mỹ Cát Tường) và khám xét thẩm mỹ viện này để phục vụ công tác điều tra.
 
Nguyễn Mạnh Tường chỉ nơi phi tang xác nạn nhân Huyền ở cầu Thanh Trì.
Nguyễn Mạnh Tường chỉ nơi phi tang xác nạn nhân Huyền ở cầu Thanh Trì.
 
Theo kết quả điều tra, sáng 19/10, chị Huyền đến Thẩm mỹ viện Cát Tường do Tường làm chủ tại 45 đường Giải Phóng hút mỡ bụng, nâng ngực và đặt trước 50 triệu đồng.
 
Tường trực tiếp làm phẫu thuật trong 4 tiếng. Sau đó, chị Huyền 2 lần rơi vào trạng thái sùi bọt mép, cơ thể tím tái, co giật... và tử vong. 23h cùng ngày, Tường cùng bảo vệ là Đào Quang Khánh (17 tuổi) đưa xác chị Huyền ra ôtô chở đến cầu Thanh Trì, vứt xuống sông Hồng. Chiếc xe máy của nạn nhân, Khánh bỏ lại ven đường cùng cả chìa khóa, túi xách, điện thoại.
 
Ngày 31/10, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hà Nội đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh tạm giam đối với Nguyễn Mạnh Tường về hai tội danh gồm “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” theo điều 242 Bộ luật hình sự và “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” theo điều 246 Bộ luật hình sự; Đào Quang Khánh bị khởi tố về hành vi “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt”.
 
Sau khi vụ việc được phát hiện, căn cứ theo lời khai của Nguyễn Mạnh Tường, lực lượng chức năng phối hợp cùng gia đình tổ chức tìm kiếm thi thể chị Huyền tại khu vực cầu Thanh Trì và dọc sông Hồng xuôi về hạ lưu.
 
Hàng chục thợ lặn cùng ngư dân ven sông Hồng tích cực tìm kiếm bằng nhiều phương pháp như lặn sát các mố cầu, rà móc câu, đi thuyền tuần tra trên sông nhưng xác nạn nhân vẫn bặt vô âm tín.
 
Cũng trong thời gian này, nhiều “nhà ngoại cảm” đã xuất hiện giúp gia đình tìm thi thể nạn nhân Huyền. Khi có sự trợ giúp của các "nhà ngoại cảm", gia đình lập tức tìm kiếm theo các hướng dẫn này, nhưng kết quả đều không như mong đợi.
 
Về phía Cơ quan Công an, một lực lượng lớn Cảnh sát giao thông đường thủy đã được huy động để vào cuộc truy tìm thi thể nạn nhân. Hàng chục tổ cảnh sát trên các xuồng, cano đã liên tục rà soát trong trên dọc tuyến sông Hồng trên địa bàn Hà Nội trong nhiều ngày liền nhưng chưa mang lại hiệu quả.
 
Hiện công cuộc tìm kiếm vẫn chưa một ngày dừng lại, các nhà khoa học đã dùng phương pháp mới là sử dụng máy bức xạ từ tìm kiếm thi thể vẫn đang được triển khai. Trong một vài ngày tới gia đình và cơ quan chức năng sẽ tiến hành khai quật các điểm nghi vấn có xác nạn nhân.
 
Vụ Dương Chí Dũng cùng 9 đồng phạm tham ô tài sản
 
Chiều 16/12, xác định cựu cục trưởng Hàng hải Dương Chí Dũng không hối cải, khai báo quanh co về việc gây thiệt hại hơn 366 tỷ đồng và tham ô 10 tỷ đồng, TAND Hà Nội đã tuyên án tử hình với ông này và bị cáo Mai Văn Phúc (nguyên tổng giám đốc Vinalines) bị cùng mức án như ông Dũng về cả 2 tội danh Tham ô tài sản và Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý gây hậu quả nghiêm trọng.
 
Bị cáo Dương Chí Dũng cùng các đồng phạm đứng trước vành móng ngựa.
Bị cáo Dương Chí Dũng cùng các đồng phạm đứng trước vành móng ngựa.
 
Tám bị cáo còn lại bị tuyên thấp nhất 4 năm, cao nhất 22 năm tù, cùng về các hành vi trên.
 
Trong vụ án này, Dương Chí Dũng bị cáo buộc đã cùng đồng phạm gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng, làm thất thoát hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước.
 
Đồng tình nội dung truy tố trước đó của Viện KSND Tối cao, trong nội dung Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, HĐXX cho rằng, bị cáo Dương Chí Dũng đóng vai trò chủ mưu, đã ký quyết định phê duyệt chủ trương, phê duyệt đầu tư Dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam, ký quyết định phê duyệt mua ụ nổi 83M, gây thiệt hại hơn 366 tỷ đồng của Nhà nước.
 
Với những nhận định tương tự, Tòa án khẳng định, bị cáo Mai Văn Phúc cũng là người đóng vai trò cầm đầu, đã ký tờ trình đề nghị Hội đồng quản trị phê duyệt chủ trương, phê duyệt đầu tư Dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam, ký hợp đồng, ký thanh toán tiền hợp đồng mua ụ nổi 83M, gây thiệt hại hơn 366 tỷ đồng.
 
Trong hành vi tham ô, bị cáo Dũng cùng đồng phạm “đút túi” hơn 28 tỷ đồng, trong đó, ông Dũng và ông Phúc cùng được chia mỗi người 10 tỷ đồng.
 
Quá trình thẩm vấn cũng như tranh luận, rất nhiều luật sư đề nghị Tòa tuyên vô tội đối với các bị cáo Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc... Có luật sư đề nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung, vì cho rằng vụ án còn nhiều nội dung chưa được làm rõ. Tuy nhiên, HĐXX cho rằng, đây là những đề nghị không có căn cứ, do đó, không chấp thuận.
 
Vụ án Nguyễn Thanh Chấn gây rúng động dư luận
 
Sáng ngày 4/11, đại diện Viện KSND Tối cao công bố quyết định tạm đình chỉ thi hành án sau 10 năm bị bắt đối với ông Nguyễn Thanh Chấn (ở Việt Yên, Bắc Giang).
 
Hai hôm sau, TAND Tối cao cũng hủy bản án chung thân quy kết ông Chấn giết chết cô hàng xóm tối 15/8/2003, do Lý Nguyễn Chung (cùng thôn với ông Chấn) ra đầu thú, nhận là người gây án.
 
Ông Nguyễn Thanh Chấn trong vòng tay người thân sau 10 năm ngồi tù.
Ông Nguyễn Thanh Chấn trong vòng tay người thân sau 10 năm ngồi tù.
 
Sau khi trở về đoàn tụ với gia đình, ông Chấn cho biết: "Bị nhiều điều tra viên ép cung nhận tội, buộc "học" cách cầm dao giết người cho đúng với hiện trường vụ án... Họ đã lờ đi các chứng cứ ngoại phạm, không giám định mẫu máu ở hiện trường, bắt người chỉ căn cứ vào "dấu chân gần đúng"".
 
Kỳ án kêu oan 10 năm của người con liệt sĩ đã trở thành một trong những vấn đề nóng được chất vấn trong kỳ họp cuối tháng 11. Theo đó, bộ trưởng Công an, viện trưởng Viện KSND Tối cao, chánh án TAND Tối cao phải cùng đăng đàn trả lời. Lãnh đạo 3 cơ quan đều khẳng định, "đang kiểm kiểm cán bộ liên quan" và "giải quyết một cách thận trọng" bởi pháp luật "nghiêm cấm ép cung, dùng nhục hình".
 
Công an Bắc Giang thừa nhận có sai sót trong quá trình điều tra, và yêu cầu kiểm điểm các điều tra viên tham gia vụ án, nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin. Người đàn ông khắc khổ này cũng đang mòn mỏi chờ đợi ngày các cơ quan tố tụng ra quyết định minh oan, bồi thường tổn thất cho 10 năm ngồi tù.
 
Theo Nguoiduatin