Vụ án không chỉ đáng được quan tâm vì là vụ án có quy mô lớn bậc nhất, chứng tỏ sự tinh vi, liều lĩnh của các đối tượng tham gia. Cũng từ vụ án này, người ta mới bắt đầu biết đến các "chiêu độc" tàn khốc của các đối tượng hám lợi, sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn bất nhân tính để ép buộc, dụ dỗ người tham gia vào công việc bất lương này.
13 năm trước đây, những ngày cuối năm 1998, khi vụ án đường dây buôn bán, vận chuyển trái phép chất gần 1000 bánh heroin với 120 đối tượng tham gia bị triệt phá, thông tin này được ví như "cơn địa chấn trong dư luận".
|
Các đối tượng trong phiên xét xử |
Hồ sơ lưu trữ tại Cục cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C47), Bộ Công an thể hiện trong vòng 3 năm (1995 - 1998), các đối tượng Nguyễn Văn Tám, Nguyễn Văn Quyết, Nguyễn Văn Quang đã chỉ đạo "đàn em" mua bán, vận chuyển gần 1000 bánh heroin và hơn 500kg thuốc phiện - Một con số kinh hoàng mà nằm mơ nhiều người cũng không thể dám nghĩ là có thật.
Truy tìm "ông trùm"
Thời điểm cuối năm 1997, đầu năm 1998, các trinh sát đã nhận được thông tin về một đường dây ma túy cực lớn đang tồn tại có các "chân rết" ở nhiều địa phương. Ban chuyên án được lập và đánh giá đây là một đường dây cực lớn, nhiều đối tượng, thủ đoạn tinh vi; có sự đan chéo giữa các đường dây, nhánh bằng mối lợi nhuận khổng lồ nên dù bị bắt, chúng sẽ đối phó bằng cách không khai để đánh lạc hướng điều tra, gây khó khăn cho cơ quan công an.
Ở ngoài, các "đệ tử, đại ca" thân tín của chúng sẽ lo cho vợ con chúng hoặc có thể còn lo lót cho chúng được ra ngoài. Các trinh sát biết được điều đó nên không ai dám manh động, có động thái gì ở tuyến mình phụ trách, đều phải báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo ban chuyên án.
Thời cơ đến khi ngày cuối tháng 10/1998, tại bến phà Lạc Quần (Nam Định) xuất hiện một người đàn ông chở một cô bé trên xe Honda Cup. Thấy "có động", người đàn ông vứt cặp xách xuống vệ đường, rồ ga xe máy lao đi nhưng đã bị lực lượng công an kịp thời bắt giữ, trong chiếc cặp đó là 2 bánh heroin. Người đàn ông khai tên Lương Văn Chinh (SN 1975, ngụ xã Xuân Tiến, Xuân Trường, Nam Định), là một con nghiện ma tuý nặng.
|
Đối tượng Tám (trái) và Chinh (phải) |
Khi bị bắt rồi, Chinh vẫn rất ngoan cố, không chịu khai báo. Hắn chọn cách im lặng không khai ra đồng bọn của mình và hy vọng, đồng bọn sẽ "chạy" cho mình ra khỏi nhà giam nên một mình nhận tội.
Khai thác Chinh không hiệu quả, các trinh sát phải tìm đến các mối liên quan lần ra manh mối của một trong những tên cầm đầu lớn là Nguyễn Văn Quyết (quê xã Tân Mỹ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình; ngụ bản Noọng Hẹt, xã Tân Biên, huyện Điện Biên, tỉnh Lai Châu (nay thuộc tỉnh Điện Biên), là bạn của anh trai Chinh).
Tìm về địa phương, trinh sát được biết trước khi Chinh bị bắt khoảng hơn 1 năm, Chinh và Quyết đi đâu cũng gắn bó với nhau "như hình với bóng", thậm chí còn Quyết còn "tạo công ăn việc làm" cho Chinh.
Liên quan đến Quyết, Ban chuyên án biết là đã chạm vào một đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy cỡ bự nên Thiếu tướng Đỗ Hùng, ngày đó là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an đã chỉ đạo mở rộng vụ án từ đầu mối quan trọng này và ra lệnh truy nã đối tượng Quyết. Hai đối tượng "cỡ bự" khác cũng bị truy nã trong vụ án này là Nguyễn Quang Tám - chú ruột Quyết và Nguyễn Văn Quang.
Trả "lương" cho con nghiện bằng... ma túy
Các đối tượng tham gia đường dây sau đó đã lần lượt đưa tay vào còng. Lấy lời khai của chúng, công an đã "giải mã" được nguyên nhân vì sao chúng có thể giữ bí mật về đường dây lâu đến như vậy mà không bị phát giác.
Thời điểm ban đầu mới "vào nghề", mọi giao dịch của đường dây tội phạm ma túy này đều là trực tiếp, vì sợ đối phương lừa, sợ bị "hớt tay trên". Khi mà đường dây quá lớn, với nhiều đầu mối khác nhau, Tám, Quyết, Quang quyết định "đi ở ẩn" với tuyên bố "rửa tay gác kiếm" để tránh sự phát hiện của cơ quan công an. Các "phi vụ" làm ăn lớn, 3 tên này cũng không trực tiếp thực hiện nữa mà chỉ là những kẻ "hoạch định chính sách" rồi "giám sát" đám đàn em trong đường dây giao dịch.
Các "tiểu đệ" cũng thưa dần việc "yết kiến" trực tiếp "đại ca" mà nhận "chỉ thị" từ xa với những từ nóng ngắn gọi, dễ hiểu. Khi bắt đầu "phát triền" một mối mới, Quyết thường thăm dò rồi theo dõi, giám sát, nếu thấy kém hiệu quả thì "cắt cầu luôn", tức cắt nguồn cung hàng.
Chinh đã "vận dụng rất sáng tạo kinh nghiệm" của Quyết để đảm bảo sự an toàn cho mình và đường dây là thuê cửu vạn xách hàng, giao hàng để tránh bị bắt. Trong đám bạn nghiện của Chinh, có nhiều con nghiện sẵn sàng chuyển "hàng" (tức ma túy) để đổi lấy thuốc. Chúng trả công nhau bằng những tép heroin mỗi ngày.
Nếu thấy con nghiện đã có thể bị lộ, Quyết cho phép đàn em thuê đối tượng ngoài, miễn là không bị "bùng hàng". Thế là sinh viên, người lao động lương thiện bình thường cũng bị mắc mưu bọn tội phạm. Khi biết bị lừa thì bọn người của Quyết dỗ ngon ngọt, không nghe, im lặng thì bị dọa đánh, dọa báo công an...
Đối tượng Phạm Ngọc Định (sinh viên Đại học Y Hải Phòng, ngụ phường Đồng Bún, phường Niệm Nghĩa, quận Lê Chân, Hải Phòng) là một trường hợp như thế. Định từng có tiền án nên khi bị bọn người của Quyết dọa thì sợ và chấp nhận làm để vừa được yên thân, vừa có tiền tiêu. Thế là Định trở thành đầu mối giao hàng ở khu vực cầu Niệm cho đường dây của Chinh, Quyết.
Chinh biết rất rõ các mánh để "qua mặt" lực lượng công an. Chúng giấu ma túy ở nhiều cách khác nhau, thường thay đổi địa bàn, phương tiện đi giao ma túy. Khi thì 2 người, lúc một, có lần thì trai, lần thì gái, thậm chí cả trẻ em thơ ngây cũng bị mang ra làm "lá chắn". Nếu chuyển hàng đi xa, ngoài vứt chỏng chơ một bịch đen sì ở bất kỳ chỗ nào trên ô tô, hoặc chúng còn cho vào bít tất đi ở chân, cho vào đồ lót, để trong bình nước ở trong cốp xe...
Vòng quay của tiền "bẩn"
Theo lời khai của Quyết, để các con nghiện phục tùng mình lâu dài, giúp việc cho mình nhiều thì phải biết nhử mồi, biết dùng heroin để khống chế chúng khi chúng lên cơn nghiện. Và, tốt nhất là cho chúng nghiện càng nặng thì càng sai bảo được nhiều. Với các "đệ tử" bình thường trong đường dây, bao giờ Quyết cũng trả công hậu hĩnh trong vài chuyến hàng đầu tiên, sau đó thì mới "vặt" các kiểu để chúng hụt vốn, chúng không có khả năng mua hàng ở nơi khác, tìm về với mình.
Một kinh nghiệm khác mà Quyết cho là cần thiết trong nghề bán "cái chết trắng" này là phải thủ thế và giữ miếng. Không bao giờ cho đối phương biết trước kế hoạch của mình hoặc đường đi nước bước, nguồn hàng của mình, mà lúc nào cũng phải ở trong tình trạng khan hàng, cần mua thì mới thể hiện được cái gọi là nhiều việc.
Quyết khai rằng, những "đối tác" làm ăn với Quyết đều "rất sáng tạo" và có nhiều nghề tay trái khác nữa như buôn tiền giả, lái xe ô tô đường dài, buôn hàng nóng, trùm cờ bạc, trùm xã hội đen một khu vực... Như đối tượng Hằng ở Lạng Sơn thì có "nghề tay trái" cũng hái ra tiền không kém là buôn tiền giả.
Ngày đó, cứ khách đến đưa, lấy ma túy thì lấy luôn tiền giả để tiêu thụ. Hằng đã bán được gần tỷ bạc VNĐ giả. Phương thức mua bán được Hằng quy định, cứ đưa 6 nghìn tiền thật thì Hằng trả 10 nghìn tiền giả. Cứ thế, thị Hằng đã phất giàu - rất nhanh trong một thời gian ngắn.
Còn Tiến, đệ của Quyết ở Thanh Hoá thì cùng với buôn bán ma tuý, y còn bán... súng. Mỗi lần buôn ma tuý, Tiến kèm việc giới thiệu "hàng nóng" và mỗi vụ buôn bán, Tiến được lãi chồng lãi.
Vũ Hoàng ( Nguoiduatin )