Người ta vẫn nghi ngờ, sát thủ bóp cổ đang nằm trong tù hay lang thang đâu đó ngoài kia?
 

Ngày 10/1/1967, DeSalvo bị xét xử với tội danh giết người. Bản thân anh ta cũng thú nhận đã gây ra 13 cái chết của những người phụ nữ bị hãm hiếp.

 
Luật sư Bailey tự tin có thể "cứu" thân chủ của mình vì ông cho rằng DeSalvo bị điên thông qua việc kết hợp lời thú tội của bị cáo và những chứng cứ mà cảnh sát có được. "Những lời thú tội đó hoàn toàn vô lý. "Không ai là người cứ khăng khăng mình có tội trong khi anh ta chỉ bị bắt về hành vi lừa đảo", Bailey nói.
 
Phiên tòa do Cornelius Moynihan làm thẩm phán và bên công tố do Donald L.Conn đại diện. Conn mời 4 nạn nhân của vụ "người thợ may mặc đồ xanh" tới. Những người này có lời khai hoàn toàn giống nhau. Theo đó, chính DeSalvo là người đã thuyết phục để họ cho anh ta vào nhà. Sau đó, anh ta khống chế, lột đồ và sàm sỡ họ nhưng không bao giờ hãm hiếp. Một điều duy nhất các nhân chứng này không thể khẳng định rõ ràng là hung khí gây án DeSalvo cầm theo là đồ chơi trẻ em hay là súng thật. Cuối cùng, sau khi đã trò chuyện và trêu ghẹo nạn nhân, DeSalvo lấy tài sản quý giá và bỏ đi.
 
Dù muốn hay không, luật sư Bailey cũng không thể xem lại lời khai của các nhân chứng, đặc biệt khi những thông tin họ cung cấp đều giống nhau như vậy.
 
Có một cách giải cứu duy nhất cho DeSalvo là chứng minh hắn bị thần kinh.
 
Trong lời mở đầu, Bailey nói không nghie ngờ DeSalvo là thủ phạm gây ra các vụ án mà chỉ muốn chứng minh vấn đề quan trọng nhất là "bị cáo có bị thần kinh hay không". Sau đó ông đưa ra trước tòa nhân chứng của mình, bao gồm những chuyên gia có khả năng chứng tỏ sự không bình thường của Albert DeSalvo.
 
Đại diện bên công tố, Conn phản đối DeSalvo bị thần kinh với lập luận rằng anh ta đã khôn ngoan thuyết phục được các nạn nhân cho vào nhà. Điều đó chứng tỏ thần kinh DeSalvo hoàn toàn bình thường, nếu không nói là thông minh. Các nhân chứng cũng khẳng định bị cáo nói chuyện rất hài hước và chỉ khi ra tay hãm hiếp nạn nhân thì đó mới là kết quả của một đầu óc không bình thường.
 
Sau nhiều giờ xét xử căng thẳng, bồi thẩm đoàn tuyên bố DeSalvo có tội và tuyên phạt bị cáo án chung thân.
 
Kết quả đó làm luật sư Bailey tức giận. Ông nói: "Mục tiêu của tôi là sát thủ bóp cổ được gửi tới một bệnh viện nào đó để các bác sĩ nghiên cứu xem tại sao anh ta lại giết người. Rất cần có một nghiên cứu như vậy để ngăn chặn những vụ án giết người hàng loạt có thể xảy ra bất kỳ lúc nào".
 
Cái chết khóa của bao bí ẩn
 
Mọi chuyện đã khép lại hoàn toàn, nếu như không xảy ra một chuyện chẳng lấy gì làm hay ho. Tháng 11/1973, Albert DeSalvo bị đâm chết trong thời gian thi hành án tại nhà tù Walpole. Đêm trước hôm bị giết, phạm nhân cố gắng liên hệ với Tiến sĩ Ames Robey và yêu cầu ông gặp mình ngay lập tức. Anh ta tỏ ra rất sợ hãi. Robey hứa sẽ gặp DeSalvo vào sáng hôm sau, nhưng đã quá muộn. Đêm hôm đó, anh ta bị giết hại.
 
Robey kể lại: "DeSalvo muốn gặp tôi cùng một phóng viên báo chí. Anh ta nói sẽ kể hết cho tôi nghe sát thủ bóp cổ ở Boston là ai và tất cả những gì liên quan. Trước đó một tuần, anh ta còn yêu cầu cho mình vào xà lim an toàn dưới sự bảo vệ đặc biệt. Điều gì đó đã xảy ra trong nhà tù. Tôi cho rằng anh ta muốn tiết lộ ngay tất cả, trước khi quá muộn. Nhà tù có đầy đủ những người canh ngục, nhưng không ai thích anh ta... Đêm hôm xảy ra án mạng, cửa tất cả các phòng giam đều mở. Trong khoảng giữa hai lần điểm danh phạm nhân vào tối hôm trước và sáng hôm sau, kẻ nào đó đã đâm dao xuyên tim DeSalvo".
 
Các quan chức tin rằng cái chết này liên quan tới hoạt động mua bán ma túy trong tù của DeSalvo. Có 3 phạm nhân bị đưa ra xử về vụ này, nhưng phiên tòa bị hoãn hai lần.
 
Người ta vẫn nghi ngờ, sát thủ bóp cổ đang nằm trong tù hay lang thang đâu đó ngoài kia? Đúng như bài thơ mà DeSalvo đã viết nên, "sự thật về cái chết của các nạn nhân không bao giờ được biết". Và vụ án "sát thủ bóp cổ thành Boston" không có hồi kết, để đến nay, người ta vẫn tự hỏi: Phải chăng DeSalvo là thủ phạm? Hay Nassar? Cũng có thể, tên sát nhân chẳng phải là ai trong hai kẻ đó, mà là một người bí mật, đến giờ "vẫn lang thang đâu đó ngoài kia".
 
Theo Khám phá
.