Hải “bánh” sau khi bị bắt đã khai nhận Năm Cam là chủ mưu trong vụ ám sát Dung Hà. Một kế hoạch tỉ mỉ, bí mật được vạch ra đến “giờ G” sẽ đánh đòn quyết định tiêu diệt Năm Cam và băng nhóm do y cầm đầu. Còn đại gia đình Năm Cam “run rẩy” gần như bạc nhược khi suy nghĩ về cơn đại hạn sắp tới.

 


Bí mật đến phút chót

Ban chuyên án họp sơ kết giai đoạn 1, báo cáo khai thác qua các đầu mối quan hệ của Năm Cam, Cục Cảnh sát Hình sự đã thống kê được toàn bộ các mối quan hệ của nhóm đối tượng đàn em Năm Cam. Từ danh sách này lập sơ đồ nơi chúng cư ngụ và đặc điểm nhận dạng, thói quen sinh hoạt, tụ tập của từng tên một đang sống tại TP.Hồ Chí Minh, sau đó bàn giao một số đối tượng trọng tâm cho các nghiệp vụ chuyên trách để tránh bị chúng phát hiện. Mặt khác, trinh sát hình sự âm thầm thâm nhập sâu vào sân chơi cờ bạc của Năm Cam và đồng bọn tại quận 4 và quận 8 để thu thập chứng cứ làm cơ sở đấu tranh với chúng.

Ban chỉ đạo chuyên án Z5-01 quyết định bắt Năm Cam và những tên trợ thủ đắc lực nhất của y. Các văn bản quan trọng của kế hoạch bắt Năm Cam không đánh vi tính, đích thân Thiếu tướng Việt Thành viết bằng tay để giữ bí mật tuyệt đối. Là cao thủ trấn áp tội phạm hình sự, Thiếu tướng Nguyễn Việt Thành cho chuyển hết các đối tượng liên quan đến vụ án Dung Hà xuống trại giam của Công an tỉnh Tiền Giang để khai thác. Ở đây, chính Hải “bánh” khai Năm Cam là kẻ chủ mưu giết Dung Hà. Trước “giờ G”, cảnh sát cơ động của Bộ Công an được đều xuống Tiền Giang để ngăn chặn giải thoát  Năm Cam nếu có xảy ra.

Băng xã hội đen do Năm Cam cầm đầu có mạng lưới chằng chịt như vòi bạch tuộc, các lãnh đạo chủ chốt trong Ban chuyên án khi cần trao đổi, bàn bạc đều gặp mặt trực tiếp để tránh bị lộ tin tức. Nếu không có điều kiện cũng hạn chế trao đổi qua điện thoại mà dùng thư viết tay, chứ không đánh máy, để đảm bảo bí mật tuyệt đối. Bí mật được đặt lên hàng đầu, đó là một trong những yếu tố góp phần cho sự thắng lợi trọn vẹn. Bí mật đối với từng thành viên, từng lực lượng tham gia vây bắt, khám xét, ai biết việc nấy. Thậm chí giờ xuất trận, cũng như địa điểm “đánh” cũng chỉ được phổ biến với cấp chỉ huy trước lúc lên xe. Lực lượng bảo vệ cơ động  được bí mật điều từ miền Tây lên. Mỗi người tự mang vũ khí, 14 kg gạo đủ ăn trong 1 tháng và áo lạnh, áo giáp chống đạn lên Tây Nguyên làm nhiệm vụ.

Di chuyển ban đêm, được ém quân ngay giữa trung tâm TP.Hồ Chí Minh tại trụ sở Bộ Công an phía Nam nhưng ai cũng ngỡ là Thị xã Đắk Lắk vì lệnh giới nghiêm 24/24 trong doanh trại. Mọi liên lạc với người thân, gia đình, bạn bè đều phải tạm “ngoài vùng phủ sóng”. Ngay cả khi vào khám xét nhà ở, các cơ sở kinh tài của Năm Cam và đồng bọn, ai ở vị trí nào ở chỗ đó.

Để đề phòng tất cả những tình huống có thể xảy ra, lực lượng cảnh sát cơ động chuẩn bị cả kìm cộng lực cắt khoá để đề phòng đàn em Năm Cam đóng cửa chống cự, phương tiện đột nhập từ trên lầu cao và thuốc nổ để phá cửa. Riêng việc ém quân không lộ ra là cả một vấn đề phải tính toán, rồi cũng phải tính đến việc phạm nhân tìm cách thông cung. Vấn đề này được tướng Tư Bốn nghiêm ngặt đặt ra từ nhiều hướng, không để phạm nhân giam giữ cùng trại thông cung với nhau. Còn chuyện thông cung từ bên ngoài theo đường tiếp tế, thăm nuôi liên quan đến các họat động của Năm Cam, ông cũng chỉ đạo có phương án kiểm tra chặt chẽ trước “giờ G”. Ông nhắc nhở bộ phận giam giữ hết sức đề phòng phạm nhân tự tử, giết người để diệt khẩu.

Một kế hoạch chi tiết và tỉ mỉ được vạch ra như vậy nhưng hoàn toàn bí mật đến “giờ G”, chỉ đợi lệnh người chỉ huy tất cả các mũi sẽ đồng loạt tiến công, tiêu diệu tận gốc băng nhóm do Năm Cam cầm đầu...



Còn nữa...
Theo baophapluat.vn

 

.