Năm Cam từng được trùm sòng bạc nổi tiếng Sài Gòn-Chợ Lớn nhận làm đệ tử chân truyền nghề cờ bạc, nhờ đó mà gã có đà để bước lên một vũ đài mới, tổ chức sòng cờ bạc kín kẽ và tinh vi hơn bất kỳ ông trùm nào trước kia. Không chỉ vậy, Năm Cam còn vươn vòi bạch tuộc bắt tay với những ông trùm khác tạo thành liên minh cờ bạc thu lợi nhuận siêu khủng.

 


Tay cờ bạc chân truyền


Sài Gòn trước năm giải phóng, thời “Tam đầu chế” Thiệu - Kỳ - Khiêm, sòng bạc của Tám Phánh - ông chủ khách sạn Kim Thành - lớn nhất khu Sài Gòn-Chợ Lớn nổi lên như một hiện tượng. Tất cả Sài Gòn-Chợ Lớn có hơn 30 sòng bạc, sòng nào cũng có phần hùn của Tám Phánh. Những sòng bạc có đầy đủ những trò vui chơi giải trí từ A đến Z, sự hấp dẫn đủ để cho những con bạc thỏa sức “khám phá”, thậm chí lục nhẵn túi vẫn chưa hết thòm thèm.


Sông có lúc đầy, lúc cạn, thời thế đổi thay, sau năm 1975, “nhát chổi” cực mạnh của Uỷ ban Quân quản thành phố truy quét tàn dư chế độ cũ, những kẻ tạo dựng cơ đồ bằng cách dựa vào thế lực của chế độ cũ làm ăn phi pháp đều trở nên trắng tay. Tám Phánh cũng không ngoại lệ, ông ta chỉ còn lại căn nhà nho nhỏ do cô vợ bé bằng tuổi cháu ngoại đứng tên. Thói thường khi gắn bó với nhau bằng tiền tài thì khi của cải đội nón ra đi, tình nghĩa cũng khó mà tồn tại được bền lâu. Cô vợ ngang nhiên đem nhân tình trẻ, khoẻ, đẹp trai vào nhà để trêu ngươi ông già thất thế. Buồn tình, Tám Phánh bỏ đi với thói quen hút thuốc phiện, rồi gặp Năm Cam một cách tình cờ.


Sự nể trọng của Năm Cam với ông già sa cơ lỡ vận làm Tám Phánh hết sức cảm động. Từ đó, mặc nhiên Tám xem Năm Cam như một truyền nhân duy nhất để hướng dẫn Năm Cam mọi ngóc ngách của nghề tổ chức sòng bài. Tám Phánh phân tích tường tận mọi thứ, từ tâm lý của các tay chơi đến thủ thuật vét sạch đến đồng bạc cuối cùng trong túi những kẻ máu mê bằng đường lối dịu ngọt. Tám Phánh bảo với Năm Cam: “Tất cả những điều anh nói với em, rất tiếc đã không còn hợp thời. Anh em mình gặp nhau quá muộn, lúc anh ở đỉnh cao, em có hưởng được gì đâu mà bây giờ lại thành gánh nặng suốt đời em”. Tám Phánh nói với giọng xúc động thật sự, Năm Cam mủi lòng.


Có “quân sư” Tám Phánh, Năm Cam thay đổi cách làm ăn. Y bắt đầu quan hệ rộng hơn để bằng mọi cách lôi kéo các con bạc về chơi sòng của mình. Để có thể tồn tại trước chính quyền và tai mắt của nhân dân, theo tham mưu của Tám Phánh, Năm Cam tổ chức sòng bạc theo kiểu cò con, luôn thay đổi địa điểm theo quy luật. Chỉ trong một thời gian ngắn, Năm Cam ăn nên làm ra và đã mua thêm cả mẫu đất vườn ở cầu Ông Vẽ - Cái Bè chỉ để trồng cam.


Một bữa nọ, Năm Cam bị bắt với đầy đủ bộ sậu gòm cả Sáu Nhà, Tám Phánh bởi một nguyên cớ hết sức vô duyên. Chuyện là Nhà sách Khai Trí sau khi chủ đã rời bỏ quê hương để đi Mỹ vào những ngày nhộn nhạo đã được chính quyền mới giao cho một gia đình cán bộ quản lý. Bằng lời lẽ ngọt ngào, Năm Cam thuyết phục người chủ mới chấp nhận cho y mở sòng xóc đĩa trên căn lầu lửng của nhà sách. Sự ra vào nhộn nhịp của những con bạc được che đậy bằng hoạt động công khai của một nhà sách nên sòng tồn tại một cách ngon lành trước mũi bàn dân thiên hạ và cơ quan công an. Ông chủ nhà lúc đầu chỉ ngồi không hưởng lợi, nhưng về sau sinh tật, thỉnh thoảng dốc túi vào sới với hy vọng làm giàu ngang xương. Quy luật cờ bạc đâu cho phép “cò gỗ mổ cò thật”, ông chủ nhà thua liểng xiểng. Không nhìn ra nguy cơ, Năm Cam cứ để cho ông ta lao vào sới để ăn thua. Ngoài chuyện thua sạch số tiền do chứa sòng mà có, ông ta bắt đầu sử dụng đến món tiền riêng của vợ chồng tích góp bấy lâu. Khuyên răn, vật nài thậm chí khóc lóc đe doạ ông chồng mãi không được, bà vợ tiếc của quyết định tố cáo.


Sòng xóc đĩa của Năm Cam, Sáu Nhà, Tám Phánh bị công an thộp cổ đầy đủ tang vật tại trận. Cả bọn bị giải về Trại tạm giam Công an quận 1, ở đường Mạc Đĩnh Chi. Lần ở tù ấy tuy ngắn ngủi nhưng Năm Cam hiểu rằng, hoạt động sòng bạc sớm muộn gì cũng có lúc sảy chân, mà nếu không có sự giao du hào phóng với giang hồ lưu manh các kiểu, khi rơi vào trại giam sẽ dễ bị biến thành “âm binh mắc ma” và trở nên thân tàn ma dại. Chính vì vậy, sau đó Năm Cam dành một phần không nhỏ lợi tức của mình để thăm nuôi bọn “đầu trâu mặt ngựa” vì ắt sau này có lúc phải dụng binh.


Sau khi trở về, Tám Phánh vượt biên. Ông ta rủ và Năm Cam đi cùng sẵn sàng chi luôn lộ phí. Nhưng Năm Cam làm sao có thể một mình ra đi khi quanh y còn 3 bà vợ và cả chục đứa con. Không còn Tám Phánh bên cạnh, Năm Cam mất đi người “quân sư” quan trọng nhất trong cuộc đời tổ chức sòng bạc của mình. Nhưng từ những bài học được truyền lại, Năm Cam đã phát huy vượt trội hơn cả những gì Tám Phánh đã dạy cho hắn.


Tổ chức sòng bạc tinh vi


Trong lớp vỏ bọc doanh nhân, Năm Cam quay sang nhóm doanh nhân máu mê cờ bạc gồm Trần Đàm, Nguyễn Ngọc Châu, Phạm Huy Phước, Lê Minh Hải... Họ lần lượt rơi vào vòng vây phối hợp tung hứng của Năm Cam với nhóm nhà báo Hoàng Linh, Quang Thắng. Đại gia Trần Khải - chủ cửa hàng vàng bạc đá quý tại thành phố, trở thành con nai béo bị xẻ thịt không thương tiếc. Giám đốc Công ty bánh ngọt Kinh Đô Trần Lệ Nguyên cũng là nạn nhân gánh số nợ khổng lồ do thua bạc. Và trong chắc chắn vẫn còn không ít nạn nhân khác đành ngậm bồ hòn làm ngọt, vì mở miệng thì mắc quai, lại vừa xấu hổ vì bị một tên vô học cho vào tròng.  


Năm 1990, Năm Cam đã hội đủ cả thế lẫn lực. Sòng bạc 148 Tôn Đản phát triển thành “Casino Đại Ban”. Nguồn tiền từ xóc đĩa đem về cho Năm Cam lợi nhuận từ 70 đến 100 triệu mỗi ngày. Bọn quái phương Bắc hội tụ về đầu quân dưới trướng Năm Cam ngày càng đông đúc. Đám đầu gấu, xã hội đen cát cứ tại các quận nội thành đã dần chịu khuất phục.


Về cách tổ chức sòng của Năm Cam, nếu vua cờ bạc Sáu Ngọ thời Pháp thuộc, hay tướng cướp Bảy Viễn có đội mồ sống dậy cùng với Tín Mã Nàm ở Đại Thế Giới trước đây cũng phải bái phục. Cung cách ăn chia cơ bản của một sòng bạc do Năm Cam tổ chức có quy trình quản lý hẳn hoi. Tiền lời phần hùn làm cái ở mỗi sòng bạc chia đều cho các cổ đông. Với quy trình đỏ đen như vậy, Năm Cam chiêu dụ được các con bạc hùn vốn làm cái để thực hiện được hai mục đích. Đầu tiên, con bạc có vốn và có quyền lợi gắn bó trong sòng thường xuyên đến đánh bạc, chủ sòng thu được nhiều tiền xâu. Thứ hai, chủ sòng lợi dụng được vốn của con bạc, không phải bỏ tiền mặt vào sòng bạc nhưng sòng vẫn hoạt động thường xuyên, vẫn được chia nhiều tiền lời cổ phần hùn vốn khống làm cái. Với chiêu thức này, trong suốt thời gian tổ chức sòng bạc Năm Cam không bỏ một đồng xu nào để đầu tư mà tiền vẫn vô như nước vỡ bờ.


Hốt me là món cờ bạc được ưu chuộng ở Đại Thế Giới thời Pháp thuộc, xóc đĩa là món cờ bạc được các con bạc hậu thế thời Năm Cam ưa thích. Vào xới, các con bạc mua phỉnh có 3 loại, theo quy ước của dân cờ bạc, loại màu vàng tượng trưng 500 ngàn đồng mỗi phỉnh, màu trắng xám 1 triệu đồng, màu xanh dương 5 triệu đồng. Cứ theo quy ước này mà hoán đổi tiền thành phỉnh và ngược lại.


Hệ thống sòng bạc xóc đĩa hiện diện như những cái vòi của con bạch tuộc khắp địa bàn TP.Hồ Chí Minh. Là một tay tổ chức cờ bạc chuyên nghiệp, sòng bạc nào do Năm Cam gây dựng cũng đều có phục vụ ăn uống và mạng lưới cảnh giới bảo vệ rất chặt chẽ. Hàng ngày, các sòng bạc do Năm Cam tổ chức mở cửa từ 14h chiều đến 22h đêm. Ngoài xóc đĩa, Năm Cam còn có hệ thống các sòng bạc xập xám, có phụ nữ chia bài, có trọng tài hẳn hoi, có người ghi chép sổ sách theo dõi ăn thua, cho con bạc vay tiền lúc thua để chơi tiếp. Và tất nhiên cũng có phục vụ ăn uống, thu tiền xâu...


Đến các sòng bạc của Năm Cam, nhiều khi chỉ được thua vài canh, nhưng con bạc nợ tiền “xáo” lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng bởi sự khát bạc, đôi khi đánh thua hết cả tiền thì tìm cách vay để đánh tiếp. Thị Điệu - vợ Thọ “đại úy” (cháu gọi Năm Cam bằng cậu ruột) được xem là một tay xáo bạc có máu mặt, được các con bạc nể nang vì thị là cháu dâu của Năm Cam. Mỗi “xáo” dắt lưng vài chục, vài trăm triệu vốn rồi cho sới vay. Chỉ cần trong xới có một con bạc hô lên “xáo đâu” thì lập tức tiền triệu, chục triệu được Thị Điệu ném xuống ầm ầm. Con bạc đỏ thì trả lãi lẫn vốn cho “xáo” vẫn còn dư dả, nhưng xui thì bán nhà bán đất trả vẫn chưa hết nợ.


Hệ thống các sòng bạc trong “liên minh đỏ đen” của Năm Cam hoạt động ngày càng kín đáo, tinh vi. Mỗi sới hoạt động có đàn em canh gác từ xa, dùng điện thoại di động, họăc đứng trên lầu cao cảnh báo. Những tay bảo kê chủ yếu là các thanh niên hư hỏng, không có công ăn việc làm. Đây chính là những tay anh chị chuyên đi dằn mặt những ai có ý định đi tố giác.


Còn nữa...

 

Theo Báo pháp luật

.