Cái chết của sòng bạc biên giới
Cập nhật lúc 13:56, Thứ sáu, 17/08/2012 (GMT+7)
Chỉ một thời gian ngắn sau những đòn thanh trừng của thế giới ngầm, hàng loạt các casino dọc biên giới Việt Nam - Campuchia phải đóng cửa. Số còn lại chỉ sống “thoi thóp”, hoạt động cầm chừng. (sòng bạc, khách du lịch, casino, cạnh tranh, casino dọc biên giới)
Chỉ một thời gian ngắn sau những đòn thanh trừng của thế giới ngầm, hàng loạt các casino dọc biên giới Việt Nam - Campuchia phải đóng cửa. Số còn lại chỉ sống “thoi thóp”, hoạt động cầm chừng.
Nổ súng vào nhau
Một chủ casino ở Pray Vor cho biết, hàng loạt casino “cáo chung” là điều tất yếu. Cũng theo người này, một casino cỡ trung bình như casino Rubi hay Darling, số nhân viên cũng từ 300 đến 400 người. Nếu tính riêng chuyện ăn uống, cộng với khách chơi thì mỗi ngày casino này phải chi phí cho trên 500 người ăn. Cộng với tiền công nhân viên thì mỗi tháng chi phí “phần cứng” mà một casino phải tốn ít nhất 200.000 USD. Đó là chưa kể những khoản “phí mềm” khác. Trong khi đó, có người vốn lận lưng chưa tới 1 triệu USD cũng đứng ra mở casino.
Vì vốn ít, các chủ casino này nôn nóng thu hồi vốn bằng cách lập tức móc túi người chơi với nhiều thủ đoạn gian lận, khiến cho nhiều con bạc nhanh chóng cháy túi. Các con bạc càng “chết” nhanh thì lượng khách chơi ở các casino này càng mau cạn, trong khi số khách này là “cần câu” khách mới. Khi đã mất đi “cần câu” thì đồng nghĩa với hết “cá”, và các casino này rơi vào cảnh vắng vẻ như hiện nay.
Trước tình hình đó, nhiều casino đã “phát triển nguồn khách” bằng cách nuôi bộ phận cò mồi. Đưa được một người chơi vào cửa casino, một cò sẽ được hưởng từ 200.000 đến 350.000 đồng. Và “chính sách” này của các casino lập tức trở thành miếng mồi của các tay dắt mối. Một thời gian các “cò” dẫn người vào casino nhưng… không chơi bài, mà chủ yếu để lấy hoa hồng trên đầu người rồi chia nhau, hoặc lởn vởn quanh các bàn để làm “cái bang”, chờ kiếm lưu linh (hoa hồng casino thưởng cho người chơi trên số tiền phóng bạc).
Khi “bài” này bị phát hiện, chủ casino cho camera ghi hình và điểm mặt từng “cái bang”, các casino không trả tiền cho người không chơi bài. Thậm chí, khi một người vừa bước vào cửa sẽ lập tức bị camera theo dõi. Họ chơi bài gì, số tiền bao nhiêu… đều được báo lại với người quan sát. Tuy nhiên, có quan sát mấy thì ở mỗi casino đều có đất sống của dân “xào chẻ”. Anh H., một cò mồi ở Mộc Hóa nói thật, mỗi ngày anh chỉ cần tìm một vài người bỏ công qua bên kia biên giới là anh có thể kiếm được vài trăm cho đến bạc triệu. Thậm chí trước khi đến casino, “cò” trao cho “khách” một số tiền. Những “khách” này thường tìm đến bàn chơi có quy định mức ăn thua ngang nhau như tài xỉu hay long hổ để chơi. Khi người này đặt tiền vào nhà con thì người khác đặt tiền vào nhà cái, sao cho nhà cái hay nhà con thắng thì cũng có thể thu hồi vốn. Cứ thế, đến cuối buổi chơi thì dân “xào chẻ” vừa không mất “vốn” mà còn được hoa hồng để chia nhau. “Do vậy, chỉ có con bạc chết, casino chết chứ dân “xào chẻ” thì chẳng sao cả”, H. phân tích.
Tuy nhiên, cho dù có bị dân “xào chẻ” móc túi thì cũng chẳng hề hấn gì ở những casino này. Quản lý lâu năm tại một casino ở Pray Vor cho biết, phần lớn casino “chết theo con bạc”, ngoài ra các casino này đã “giết nhau” và “tự giết mình” bởi những trò gian lận, đấu đá, thâu tóm lẫn nhau…
Thậm chí, đã có chuyện vì cạnh tranh mà hai thế lực casino đã nổ súng vào nhau, làm náo động một vùng biên giới. Nạn nhân bị dính đạn sau đó không dám về Pnôm Pênh mà được đưa sang Việt Nam điều trị. Hung thủ ngồi tù một thời gian rồi cũng nhanh chóng trở lại với “nghề cũ”.
Theo Thanh Niên
.