Trương Văn Tuất, SN 1958, trú tại tổ 9, phường Quyết Thắng, TP Sơn La, đã tham gia đường dây ma túy từ Sơn La về Hà Nội cho “bà trùm” Nguyễn Thị Thành. Hoạt động đơn tuyến, một thời gian dài, Tuất đã thoát khỏi vòng kim cô của cơ quan chức năng. Vậy nhưng, từ hai đối tượng buôn bán tép riu bị bắt giữ ở phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, CQCA đã lần ra đường dây của Nguyễn Thị Thành, Lê Sỹ Thủy. Khi chuẩn bị ra pháp trường, Lê Sỹ Thủy đã khai thêm các đối tượng trong đường dây của mình. Tuất bị bắt đúng năm 49 tuổi.
Trương Văn Tuất vốn là một lái xe đường dài tuyến Điện Biên – Hà Nội từ những năm 90 của thế kỷ trước. Gia đình Trương Văn Tuất-Nguyễn Thị Thơm từng là “gia đình kiểu mẫu” ở TP Sơn La, là mơ ước của nhiều gia đình khác. Vợ Tuất công tác tại quỹ tín dụng xã Quyết Thắng. Kinh tế ổn định, hai con trai ngoan ngoãn, khỏe mạnh.
Có ai ngờ được một ngày nọ, cậu con trai lớn của Tuất bị bạn bè rủ rê sa vào con đường nghiện ngập. Kể từ đó, tài sản trong ngôi nhà khang trang của vợ chồng Tuất cứ lần lượt bay đi theo làn khói thuốc. Họa vô đơn chí, trong một chuyến xe chở đám cưới, Tuất đã đâm tử vong một cháu học sinh ở Mộc Châu. Do không mua bảo hiểm toàn phần nên để không phải ngồi tù, Tuất phải bồi thường cho gia đình nạn nhân 30 triệu đồng. Thế nhưng dồn tất cả tiền trong nhà thì vẫn còn thiếu 14 triệu đồng, Tuất phải đi vay mượn để giải quyết. Tuất vay đúng vào Nguyễn Thị Thành, một bà trùm ma túy ở Sơn La.
|
Trương Văn Tuất tại CQĐT. |
Tại CQĐT, Tuất từng khai rằng, khi còn nhỏ, nhà Tuất và nhà Thành ở gần nhau trên cao nguyên Mộc Châu. Mãi sau rồi thì gia đình Tuất mới chuyển về Sơn La nhưng Tuất vẫn giữ mối quan hệ với Thành. Khi còn chạy xe khách đường dài tuyến Hà Nội - Sơn La, thi thoảng, tiện đường, Tuất vẫn ghé qua Mộc Châu thăm Thành.
Khi sa cơ lỡ vận, chẳng còn đường nào khác Tuất đã tìm đến Thành, nhờ Thành giúp vì lúc đó kinh tế gia đình Thành khá dư dả. Thành là chủ một cửa hàng bếp gas lớn ở thị trấn Mộc Châu. Thành cho Tuất vay 14 triệu đồng đủ trang trải chuyện đền bù và gạ Tuất mang hàng thuê cho Thành về Hà Nội để lấy công trừ nợ.
Sau đó Thành giới thiệu cho Tuất làm quen với Lê Sỹ Thủy ở Hà Nội. Cứ có hàng là Tuất nhận ở nhà Thành và đi xe tuyến về Hà Nội mang đến tận nhà cho Thuỷ. Sau 3 chuyến mang hàng thuê như thế, Tuất đủ tiền trả nợ Thành rồi thôi. Tuất lại về Sơn La, lại tiếp tục công việc chạy xe khách đường dài, cứ tưởng vậy là êm xuôi.
Một ngày nọ, CA phường Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bắt quả tang một cặp vợ chồng đang tàng trữ trong hành lý một bánh heroin.
Lấy lời khai, cặp vợ chồng này cho biết bánh heroin này họ vừa mua của vợ chồng Lê Sỹ Thủy. Từ đây, một chuyên án lớn về ma túy của CA TP Hà Nội được mở ra với kết thúc là phiên tòa xét xử 11 bị cáo, trong đó có 3 bị cáo bị tuyên án tử hình là Lê Sỹ Thủy, Trần Xuân Tiến và Đoàn Văn Cường. Trong vụ án này vợ cuả Thủy cũng bị tuyên án chung thân.
Trong suốt quá trình điều tra cho đến cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, Lê Sỹ Thủy không hề hé răng khai nhận những chuyến hàng buôn bán cùng anh em Nguyễn Trọng Thanh - Nguyễn Thị Thành . Cho mãi đến hơn 2 năm sau ngày bị bắt, khi cả tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều tuyên án tử hình đối với Lê Sỹ Thủy thì trong những ngày nằm trong xà lim chờ thi hành án, bất ngờ Lê Sỹ Thủy cùng với Đoàn Văn Cường (một đồng phạm trong đường dây của Thủy) đã viết đơn đề nghị với CQĐT xin được khai nhận thêm. Theo đó, cả Thủy và Cường đã khai báo thêm về hành vi mua bán ma túy của mình với một số đối tượng tại các tỉnh Sơn La, Nghệ An, Hải Phòng trong thời gian từ năm 2003 đến tháng 3-2005 với số lượng heroin rất lớn mà chưa bị phát hiện. Trong đó có các phi vụ mua bán với anh em Thanh - Thành ở Mộc Châu mà Tuất là người vận chuyển. Đúng vào những năm cùng tháng tận tháng 12-2006, Tuất đã phải tra tay vào còng khi đúng 49 tuổi!
Theo như lời khai của Tuất với CQĐT, cứ mỗi bánh heroin vận chuyển trót lọt thì Tuất sẽ được Thành trả công sòng phẳng. Thành mua cho Tuất một chiếc điện thoại Nokia và một sim điện thoại để làm phương tiện liên lạc. Chuyến hàng đầu tiên là một bao gạo có giấu heroin bên trong được Tuất bắt xe đưa từ Mộc Châu về Hà Nội giao tận tay cho Lê Sỹ Thủy.
Chuyến hàng này Tuất được trả công 5 triệu đồng. Vài ngày sau, Tuất lại tiếp tục vận chuyển một bao gạo loại 20kg có giấu heroin bên trong về bến xe Giáp Bát giao cho Thủy với số tiền công là 4 triệu đồng. Chuyến hàng thứ 3 vẫn là 1 bao gạo có giấu heroin nhưng được giao cho Thủy tại bến xe Hà Đông với tiền công vận chuyển là 3 triệu đồng. Sau 3 lần chuyển hàng cho Thành, Tuất gần đủ tiền để trang trải món nợ đã vay Thành giải quyết vụ tai nạn giao thông.
Ngày 7-3-2008, TAND TP Hà Nội đã xét xử phiên tòa sơ thẩm vụ án Nguyễn Thị Thành ở Mộc Châu, Sơn La buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy. Trong phiên tòa, trước những bằng chứng và những lời khai của đồng bọn, Trương Văn Tuất- một đồng phạm trong vụ án cũn đã phải cúi đầu nhận tội và bị tuyên án tử hình.
Ngày 8-9-2008, tòa phúc thẩm tại Hà Nội quyết định bác kháng cáo của Tuất, tuyên y án sơ thẩm tử hình.
Tại trại giam, Tuất từng tâm sự từ khi Tuất phải vào phòng biệt giam, đều đặn mỗi tháng chị Thơm lại tất tả gói ghém quần áo, ngồi xe cả ngày đường để xuống thăm chồng, nói những lời động viên và hy vọng. Vợ chồng gặp nhau trong những phút giây vội vã nhưng không lần nào Tuất quên xin lỗi vợ và gửi lời xin lỗi người mẹ già đã 90 tuổi vẫn chưa biết con mình sắp phải “đi xa”.
Ngày ngày, Tuất lầm lụi sau song sắt, thót tim chờ tiếng lách cách mở cùm để đi mãi về phía trường bắn Cầu Ngà và nằm lại, Tuất đã ngộ ra một điều cay đắng rằng, tội lỗi khi đã trót nhúng tay phạm phải thì không thể nào che lấp đi được.
Theo PL&XH