Trước những câu hỏi về tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng, những vấn đề còn tồn tại trong nền kinh tế, nhất là các lĩnh vực liên quan đến đất đai, đấu tranh phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm…, đã lần lượt được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trả lời.

Minh bạch việc đấu thầu thuốc                      

Trả lời câu hỏi của đại biểu Mùa A Vảng (ĐBQH tỉnh Điện Biên) về tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết: Theo báo cáo của Bộ Y tế,  tỷ lệ thuốc giả, thuốc kém chất lượng của thế giới trung bình khoảng 10%, của Việt Nam theo các nước có phân loại là tỷ lệ này khá thấp, cỡ khoảng 2,1%.

leftcenterrightdel
Đại biểu Mùa A Vàng 

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua đã xảy ra một số vụ việc rất nghiêm trọng, đặc biệt là vụ thuốc ung thư giả. Trước tình hình này, một mặt Chính phủ đã chỉ đạo phải xử lý nghiêm những sai phạm, đồng thời phải tăng cường công tác quản lý về mặt nhà nước của Bộ Y tế, Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tăng cường công tác đấu thầu thuốc tập trung tại Bộ Y tế và tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Cùng với việc đấu thầu ở các tỉnh và các bệnh viện thì việc đấu thầu thuốc này có nhiều tác động. Một mặt, Nhà nước quản lý được chất lượng của các loại thuốc này, trên cơ sở các hồ sơ mời thầu rất minh bạch, một khác, giảm được giá thuốc rất nhiều, qua đấu thầu vừa rồi, đã giảm được khoảng từ 15-20% chi phí giá thuốc, trong đó có cả những loại thuốc biệt dược cũng giảm giá được khoảng 13- 14%, không kể những loại biệt dược đã có thuốc Generic thay thế, kể cả biệt dược gốc chúng ta vẫn có đấu thầu và vẫn tiếp tục giảm giá được.

Thời gian vừa qua, chúng ta đã thực hiện thí điểm từ đầu năm 2017 về việc kết nối công nghệ thông tin giữa cơ sở khám bệnh với nhà thuốc, đảm bảo kiểm soát để truy xuất xuất xứ và chất lượng của thuốc trên 3 tỉnh là Vĩnh Phúc, Phú Thọ và Hưng Yên. Từ tháng 7/2018, dự kiến sẽ có đánh giá sơ bộ và triển khai trên toàn quốc. Thủ tướng đang xem xét ban hành Chỉ thị về tăng cường phòng, chống gian lận thương mại, buôn lậu, sản xuất kinh doanh trái phép, một số loại sản phẩm hàng hóa, trong đó có các loại thuốc. Dự kiến chỉ thị này sẽ được ban hành trong tháng 6/2018.

Quyết liệt xử lý  tham nhũng về kinh tế

Về vấn đề chống tham nhũng, đại biểu Giàng A Chu (ĐBQH tỉnh Yên Bái) chất vấn, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Trong những năm qua, nhất là năm 2017, chúng ta đã đạt được những kết quả rất căn bản, được  cử tri cả nước đồng tình ủng hộ, dư luận quốc tế cũng đánh giá rất cao.

leftcenterrightdel
Đại biểu Giàng A Chu 

 Khi chúng tôi tham gia diễn đàn kinh tế tại Davos, nhiều quan chức các nước và nhiều tập đoàn hỏi rằng, nếu đấu tranh phòng, chống tham nhũng gay gắt như vậy có ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh hay không. Câu trả lời của chúng tôi là, hoàn toàn không. Bằng chứng là năm 2017, chúng ta thắng lợi toàn diện, cả về mặt trận đấu tranh phòng chống lãng phí và cả về mặt kinh tế.

Chính phủ quan điểm rằng, trong giai đoạn hiện nay chúng ta phải làm hai nhiệm vụ kép. Một mặt chúng ta phải tạo ra những năng lực sản xuất mới, đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế để có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao hơn. Nhưng mặt khác, chúng ta cũng nghiêm khắc với những vấn đề còn tồn tại rất nhiều trong nền kinh tế, nhất là các lĩnh vực liên quan đến đất đai, liên quan đến cổ phần hóa, liên quan đến tài chính, ngân hàng, hải quan. Công tác cán bộ cũng có những vấn đề rất bức xúc.

Quan điểm của Chính phủ và Thủ tướng đã chỉ đạo rất quyết liệt. Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc và có báo cáo với Quốc hội về số vụ đã phát hiện cùng với kết quả của công tác kiểm toán. Các cơ quan  tư pháp đã tiến hành điều tra, truy tố, xét xử kịp thời nhiều các vụ án tham nhũng lớn về kinh tế.

Trong thời gian tới, kể cả Ban chỉ đạo chuyên ngành của Chính phủ về chống hàng giả và chống buôn lậu cũng có liên quan đến lĩnh vực này, Chính phủ sẽ thực hiện nghiêm những chương trình công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng để cùng với các cơ quan hữu quan, kết hợp với giám sát của Quốc hội để tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng lãng phí.

Tiềm ẩn rủi ro trong các dự án BT

Với câu hỏi của đại biểu Quách Thế Tản (ĐBQH tỉnh Hòa Bình), về các dự án BT chủ yếu sử dụng hình thức chỉ định thầu. Hình thức này dẫn đến tiềm ẩn rủi ro trong vấn đề quản lý tài chính, thất thu ngân sách, quản lý nguồn lực và phát sinh tham nhũng, lợi ích nhóm. Phó Thủ tướng thẳng thắn thừa nhận việc đại biểu nêu là một thực trạng rất đúng. Các dự án đầu tư công của chúng ta, trong nhiều dự án cũng được thực hiện rất tốt nhưng cũng không ít các dự án có những yếu kém, những sai sót và kể cả những sai phạm. Từ khâu chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư cho đến đưa công trình vào sử dụng. Khi lập dự án chi phí đầu vào có vẻ rất khiêm tốn, lập rất nhanh, nhưng thi công lại kéo dài. Thậm chí có những dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư.

leftcenterrightdel
Đại biểu Quách Thế Tản 

 Trước tình hình này, Chính phủ và Thủ tướng đang yêu cầu phải thực hiện nghiêm theo Nghị quyết số 07 của Bộ Chính trị. Chúng ta phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong lĩnh vực chi tiêu ngân sách, nhất là trong lĩnh vực đầu tư công. Tới đây, Chính phủ sẽ trình với Quốc hội cho bổ sung trong kỳ họp cuối năm này sửa đổi Luật Đầu tư công.

Trong phạm vi của Chính phủ, Chính phủ sẽ sửa đổi các nghị định liên quan đến Luật Đầu tư công, bao gồm Nghị định 77, Nghị định 161 và Nghị định 136. Riêng nghị định sửa đổi ba nghị định này, chúng tôi đã trình với Thủ tướng và khả năng sẽ được ban hành vào  tháng 6 tới. Những vấn đề có liên quan đến đầu tư công sẽ được trình Quốc hội, nếu Quốc hội chấp nhận sẽ xin ý kiến vào kỳ họp cuối năm.  

Những vấn đề sai phạm, quan điểm của Thủ tướng và Chính phủ xử lý nghiêm, không có bất kể một ngoại lệ nào, không có vùng cấm./. 

                                                                                                                                                                                                                          Xuân Hưng