Tăng tốc mạnh mẽ nhưng còn nhiều rào cản
Theo GS.TS Ngô Thắng Lợi – Giảng viên cao cấp Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, khu vực kinh tế tư nhân đang trong giai đoạn tăng trưởng nhanh chóng. Doanh nghiệp tư nhân hiện đóng góp khoảng 43% GDP và 35% vào ngân sách nhà nước – một con số đáng kể, chưa tính đến đóng góp từ các hộ sản xuất nông nghiệp.
Đặc biệt, trong top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2023, có tới 315 doanh nghiệp tư nhân, chiếm khoảng 72%. Một số doanh nghiệp quy mô lớn trong khu vực tư nhân đã vươn lên đóng vai trò dẫn dắt trong nhiều lĩnh vực kinh tế trọng yếu.
Tuy nhiên, sự phát triển của khu vực này vẫn đối mặt với không ít thách thức. GS.TS Ngô Thắng Lợi chỉ ra bốn điểm yếu lớn: năng suất lao động và lợi nhuận còn thấp; tỷ lệ ứng dụng công nghệ cao hạn chế; thu nhập người lao động chưa tương xứng; và quá trình phát triển thiếu ổn định, với tỷ lệ doanh nghiệp rời khỏi thị trường vẫn ở mức cao.
    |
 |
GS TS Ngô Thắng Lợi - Giảng viên cao cấp Đại học Kinh tế quốc dân. |
Chính sách thiếu bao trùm, phân phối chưa công bằng
Một nguyên nhân lớn dẫn đến những hạn chế trên là hệ thống chính sách và thể chế chưa thật sự bao trùm và công bằng đối với khu vực tư nhân. Theo GS.TS Ngô Thắng Lợi, cách nhìn nhận và thiết kế chính sách cho khu vực này chưa đầy đủ, dẫn tới việc bỏ sót các thành phần quan trọng như: Hộ kinh doanh phi nông nghiệp và hộ sản xuất nông nghiệp – lực lượng gồm khoảng 16 triệu hộ đang trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh trên thị trường.
Sự thiếu công bằng còn thể hiện rõ trong việc phân phối lợi nhuận và nghĩa vụ thuế. Khu vực tư nhân chỉ chiếm 35,6% tổng lợi nhuận nhưng lại đóng góp tới 45% tổng thu thuế của nhà nước. Trong khi đó, khu vực FDI – chiếm 45% lợi nhuận – chỉ đóng góp khoảng 30% thuế. Đặc biệt, từ năm 2011 đến nay, tốc độ tăng thuế từ khu vực tư nhân đã tăng gấp 4 lần, dù doanh thu chỉ cao gấp đôi so với FDI.
Những bất cập trên cho thấy, sự cần thiết của một hệ thống chính sách công bằng hơn, nhằm bảo đảm doanh nghiệp tư nhân có thể tiếp cận được các nguồn lực, vận hành hiệu quả và được hưởng thành quả tương xứng với đóng góp.
Thể chế đồng hành – chìa khóa phát triển bền vững
Để doanh nghiệp tư nhân thực sự trở thành động lực tăng trưởng, nhóm nghiên cứu của Đại học Kinh tế Quốc dân đề xuất mô hình phát triển bao trùm, tập trung vào ba yếu tố: Cơ hội tiếp cận nguồn lực, hỗ trợ trong hoạt động kinh doanh và công bằng trong phân phối thành quả – đặc biệt là trong chính sách thuế.
Ngoài ra, cần thúc đẩy sự liên kết giữa các doanh nghiệp tư nhân trong nước, cũng như giữa doanh nghiệp trong nước với cộng đồng doanh nghiệp Việt kiều. Mô hình “sếu đầu đàn” – trong đó các doanh nghiệp lớn dẫn dắt chuỗi giá trị và doanh nghiệp vừa, nhỏ đóng vai trò hỗ trợ – cần được khuyến khích và nhân rộng.
Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ cũng cần phân loại rõ ràng: doanh nghiệp lớn cần cơ chế tiếp sức để mở rộng quy mô và hội nhập quốc tế; doanh nghiệp vừa cần được ưu tiên trong tiếp cận vốn và công nghệ; còn doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh cần hỗ trợ kỹ thuật và tháo gỡ khó khăn cụ thể.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động, thể chế và chính sách là chìa khóa để khu vực kinh tế tư nhân không chỉ vững bước mà còn “cất cánh”, góp phần vào tăng trưởng nhanh và bền vững của nền kinh tế quốc gia.