Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 23/3, tín dụng tăng trưởng 3,14%, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,36%, huy động vốn tăng 3,07% so với cuối năm 2016.

 


Ngân hàng Nhà nước cho biết, khác với xu hướng của các năm gần đây, tín dụng tăng trưởng ngay từ đầu năm, tính đến ngày 23/3, tín dụng tăng 3,14% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ 2016 tăng 1,79%) tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dư nợ tín dụng đối với những lĩnh vực này chiếm khoảng 80%.

Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước điều hành thị trường mở linh hoạt, kịp thời để hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, đảm bảo nguồn vốn cho các tổ chức tín dụng đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ ổn định lãi suất, tỷ giá và thị trường ngoại tệ. Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp điều hành, thị trường tiền tệ diễn biến ổn định, thanh khoản VND của các tổ chức tín dụng được đảm bảo, đáp ứng đầy đủ các nhu cầu thanh toán của doanh nghiệp và người dân.

Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, trong 3 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì ổn định các mức lãi suất điều hành; thông qua điều tiết thanh khoản hợp lý để hỗ trợ các tổ chức tín dụng ổn định lãi suất; tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện phấn đấu giảm lãi suất cho vay.

Mặt bằng lãi suất thị trường trong quý 1 diễn biến tương đối ổn định. Hiện mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng phổ biến 4,8-5,4%/năm; 5,6-6,7%/năm đối với kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng khoảng 6,7-7,4%/năm. Lãi suất cho vay phổ biến khoảng 6-9%/năm đối với kỳ hạn ngắn và 9-11%/năm đối với trung và dài hạn; khách hàng tốt, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4-5%/năm.
 

Theo Thúy Hà /Vietnam+

.