Khách hàng không quan tâm tới lệ phí chậm trả và nhiều mức phí khác sẽ khiến thẻ tín dụng là gánh nặng tài chính.


Ông Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng Ocean Bank, cho biết thông thường khi sử dụng thẻ tín dụng, khách hàng sẽ phải trả 3 loại phí đó là phí mở thẻ, phí duy trì thẻ và phí chậm nộp ngoài ra còn có các phụ phí khác.

Tuy nhiên phí của các ngân hàng khác nhau, tùy theo loại thẻ và dịch vụ cung cấp. Đơn cử, theo biểu phí thẻ tín dụng Maritime Bank Platinum, riêng mức phí thường niên đối với mỗi thẻ đã lên tới 1,2 triệu đồng/năm. Khách hàng muốn truy vấn hạn mức tại ATM là 5.000 đồng/giao dịch và mức phí rút tiền mặt, khoảng 3% tổng số tiền giao dịch.

Với Thẻ tín dụng Techcombank Visa thì mức phí rút 4%/ tổng số tiền rút. Bên cạnh đó, khách hàng còn phải chịu phí khác như cấp lại mã pin 30.000 đồng/lần, phí thông báo thất lạc 100.000 đồng, phí cấp bản sao kê 80.000 đồng/lần, phí xác nhận hạn mức tín dụng 80.000 đồng/lần và mức phí chậm nộp có thể lên đến 6%/ngày tổng số tiền chậm thanh toán.

“Nguyên tắc khi dùng thẻ tín dụng là mỗi một thẻ tín dụng mình phải trả cho ngân hàng với một số tiền bao nhiêu đó. Số tiền tối thiểu cộng tất cả các thẻ và các số nợ khác như nợ mua nhà, nợ mua xe và các nợ khác kể cả nợ thẻ tín dụng không nên quá 50% thu nhập hàng tháng của mỗi người. Những người nào trả thẻ tín dụng trên 50% thu nhập sẽ là rất nguy hiểm, có thể đưa mình đến tình trạng phá sản và nợ nần” - ông Nguyễn Trí Hiếu đưa ra cảnh báo.

Ông Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng, thành viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho rằng việc khuyến khích sử dụng thẻ tín dụng là chính đáng nhưng không phải khách hàng nào cũng thích hợp sử dụng thẻ tín dụng.

Hiện nay, do chạy theo doanh số nên nhiều ngân hàng dễ dãi trong việc mở thẻ tín dụng, chỉ cung cấp những ưu điểm của sản phẩm mà quên đi những nhược điểm. Chính vì vậy khách hàng không có thông tin đầy đủ để cân nhắc việc sử dụng thẻ, dẫn đến nhiều hệ lụy.

Vì vậy, theo ông Trương Thanh Đức, hiện nay, tại Việt Nam thẻ tín dụng chỉ thích hợp với những người có thu nhập cao và ổn định và thường xuyên đi mua sắm ở những nơi sử dụng thẻ.

“Thu nhập phải hàng chục triệu/tháng và thường xuyên mua sắm tại các trung tâm lớn, giá cả hàng hóa tương đối chuẩn và có thiết bị để đọc có hóa đơn chứng từ bảo đảm chính thống chính ngạch thì mới có tác dụng. Người tiêu dùng thu nhập 5-7 triệu/tháng thì không nên dùng thẻ tín dụng, thậm chí nhiều nơi người ta chấp nhận thanh toán thẻ có khi người ta lại cộng thêm phí nữa thì tự dưng đã ít tiền rồi lại cộng thêm vài phần trăm cho việc sử dụng thẻ nữa thì điều đấy rất cân nhắc” - ông Đức cho hay.

Sử dụng thẻ tín dụng là một hình thức vay nợ “tiêu trước, trả sau”, rất dễ đến tâm lý chi tiêu thoải mái. Do đó, người tiêu dùng cần tính toán kỹ khả năng trả nợ, vì nếu không thanh toán được đúng hạn, thì sẽ phải chịu mức lãi suất cao gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi vay nợ thông thường.

Ngoài ra, người vay còn có thể bị rơi vào tình trạng có nợ xấu, sẽ bị mất điểm khi cần vay vốn hệ thống ngân hàng. Ngân hàng cũng cần phổ biến và hướng dẫn cho mỗi khách hàng biết chiếc thẻ mà họ đang sở hữu có chức năng gì, phải trả phí cụ thể như thế nào để tránh tình trạng thẻ tín dụng có thể trở thành gánh nặng cho người sử dụng.
 

Theo Hải Yến
VOV / NLĐ

.