(BVPL) - Theo đánh giá của Bộ Tài chính, công tác thu NSNN năm 2013 có nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, kết quả đến nay ước tổng thu NSNN (kể cả ghi thu - ghi chi ngoài dự toán) đạt khoảng 99% dự toán (loại trừ số ghi thu - ghi chi, thì thu cân đối đạt khoảng trên 97% dự toán), tăng thêm trên 16.000 tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội.
 


Đặc biệt, với việc triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp, năm 2013, ngành Thuế thu NSNN ước đạt 659.255 tỷ đồng, tăng 2,3% so với dự toán, bằng 109,8% so với thực hiện năm 2012. Cụ thể, thu từ dầu thô ước đạt 116.500 tỷ đồng, bằng 117,7% so với dự toán, bằng 83,2% so với thực hiện năm 2012; Thu nội địa ước đạt 542.755 tỷ đồng, bằng 99,5% so với dự toán, tăng 17,8% so với thực hiện năm 2012: Tiền sử dụng đất ước đạt 42.525 tỷ đồng, bằng 109% so với dự toán, bằng 93,9% so với thực hiện năm 2012; Số thu không kể tiền sử dụng đất ước đạt 500.230 tỷ đồng, bằng 98,8% so với dự toán, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2012.

Về tổng chi NSNN ước đạt dự toán Quốc hội đã quyết định, đảm bảo giữ bội chi NSNN trong phạm vi Quốc hội đã cho phép điều chỉnh là 5,3%GDP.

Cũng theo Bộ Tài chính, quản lý nợ công, nợ nước ngoài quốc gia được thường xuyên theo dõi đánh giá mức an toàn nợ công, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Dự kiến dư nợ công đến hết năm 2013 là 56,2%GDP, nợ Chính phủ là 42,6%GDP, nợ nước ngoài của quốc gia là 39,5%GDP, đảm bảo các chỉ tiêu nợ vẫn nằm trong giới hạn an toàn, không tác động lớn đến kinh tế vĩ mô.

Trong năm 2014, Quốc hội thông qua dự toán thu cân đối NSNN là 782.700 tỷ đồng. Tỷ lệ huy động từ thuế, phí đạt 17,2%GDP, trong đó, dự toán thu nội địa 539.000 tỷ đồng, bao gồm cả thực hiện động viên vào NSNN đối với cổ tức được chia năm 2014 cho phần vốn nhà nước của các công ty cổ phần có vốn góp của nhà nước do Bộ, ngành, địa phương đại diện chủ sở hữu và phần lợi nhuận còn lại sau khi trích nộp các quỹ theo quy định của pháp luật của các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ; Dự toán thu dầu thô 85.200 tỷ đồng, trên cơ sở sản lượng dự kiến đạt 14,32 triệu tấn, giá bình quân khoảng 98 USD/thùng; Dự toán thu cân đối từ hoạt động XNK 154.000 tỷ đồng (trên cơ sở số thu 224.000 tỷ đồng, chi hoàn thuế GTGT 70.000 tỷ đồng); Thu viện trợ 4.500 tỷ đồng.

Dự toán chi NSNN năm 2014 là 1.006.700 tỷ đồng, tăng 28.700 tỷ đồng (2,9%) so dự toán năm 2013, trong đó phải dành khoảng 54.000 tỷ đồng cho các nhiệm vụ tăng chi (chi trả nợ 15.000 tỷ đồng, chi tiền lương tăng thêm 20.000 tỷ đồng, chi quốc phòng, an ninh và một số chính sách và nhiệm vụ mới). Như vậy, thực chất dự toán chi NSNN năm 2014 giảm 25.300 tỷ đồng so với dự toán năm 2013, rất thấp so với nhu cầu chi của năm 2014, đòi hỏi phải bố trí chi hết sức chặt chẽ, tiết kiệm.

Để cân đối, Chính phủ đã trình và được Quốc hội thông qua nguyên tắc bố trí dự toán NSNN năm 2014 chặt chẽ, triệt để tiết kiệm. Theo đó, bố trí dự toán chi các chương trình mục tiêu quốc gia giảm 50% so năm 2013, ưu tiên tập trung cho Chương trình giảm nghèo, việc làm và dạy nghề, nước sạch và môi trường nông thôn,... Tiết giảm tối đa kinh phí tuyên truyền, hội nghị, hội thảo, quản lý chương trình...

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng cho biết, theo lộ trình, cần giảm dần bội chi để đạt mức 4,5% GDP vào năm 2015. Tuy nhiên, do khả năng cân đối NSNN năm 2014 rất khó khăn, trong khi vẫn phải bố trí tăng chi đảm bảo các nhiệm vụ quan trọng, thiết yếu, vì vậy, Quốc hội đã thông qua mức bội chi NSNN năm 2014 vẫn là 5,3% GDP.
 

Huyền Trang

.