(BVPL) - Một số nghiên cứu trên thế giới cho thấy, nếu một nền kinh tế sử dụng 90% thanh toán điện tử thì GDP sẽ tăng thêm khoảng 1%. Tuy nhiên, dù có những ưu điểm, thuận lợi, tiềm năng lớn nhưng thanh toán điện tử ở Việt Nam vẫn chưa phát triển được như kỳ vọng.

 


Trong xu hướng toàn cầu hóa và tự do hóa tài chính, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ cùng các chính sách phát triển bền vững của Chính phủ đã tạo nền tảng vững chắc cho việc hiện đại hóa hệ thống thanh toán, từng bước giúp người dân và doanh nghiệp tiếp cận với dịch vụ hành chính công thuận lợi và dễ dàng hơn. Dù vậy, thanh toán điện tử tại Việt Nam vẫn phát triển chưa xứng với tiềm năng. Các kênh và phương tiện thanh toán như ATM, POS hay thẻ ngân hàng bùng nổ nhưng giao dịch thanh toán điện tử chưa phát triển tương xứng. Thói quen dùng tiền mặt trong mọi hình thức mua bán như: thanh toán mua hàng tiêu dùng và các hàng hóa đơn giản... đang là rào cản lớn nhất khiến thanh toán điện tử, gắn với thương mại điện tử ở nước ta chưa phát triển như kỳ vọng.

Tại Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2015, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam từng khẳng định: Muốn phát triển thanh toán điện tử tại Việt Nam cần phải thay đổi thói quen người sử dụng. Làm được điều này, không chỉ giúp đất nước phát triển nhanh hơn mà còn góp phần làm minh bạch, chống tham nhũng, lãng phí. Vậy câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để thay đổi được thói quen?

Hiện nay, nhiều ngân hàng và các tổ chức trung gian thanh toán đã từng bước triển khai xây dựng, hiện đại hóa các hệ thống thanh toán, tạo lập hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thanh toán tiên tiến. Ngân hàng Nhà nước cũng đã thiết lập và đưa vào hoạt động hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, đến nay đã kết nối với 66 đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước và gần 800 đơn vị thành viên trực tiếp thuộc 97 tổ chức tín dụng trong toàn quốc, đáp ứng nhu cầu thanh, quyết toán tức thời với số lượng giao dịch thanh toán ngày càng tăng của nền kinh tế.

Theo TS. Nguyễn Thị Nhiễu, Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công thương) cho rằng: Phải nâng hạ tầng về thanh toán điện tử, phải được phát triển, phải được phổ cập và làm sao phải tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi thanh toán.

Thạc sỹ Nguyễn Phan Anh, Khoa thương mại điện tử (Đại học thương mại) lại cho rằng: Tiện ích phải phục vụ vì người dân, người ta cảm thấy có lợi, tiện ích người ta sẽ làm thì điều này bắt buộc Chính phủ, doanh nghiệp phải thay đổi để mang lại những tiện ích đó cho người dân.
Năm 2014, khi Nghị quyết 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, một trong những lý do, niềm tin để các bộ, ngành có thể thực hiện được mục tiêu giảm hàng trăm giờ nộp thuế, bảo hiểm, thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu chính là đẩy mạnh thanh toán điện tử.

Bên cạnh đó, hiện người dân có rất nhiều giao dịch trực tiếp với Nhà nước như nộp thuế hoặc những giao dịch với những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công như: điện, nước, thanh toán bảo hiểm, khám chữa bệnh... là thị trường rất lớn cho giao dịch, thanh toán điện tử phát triển. Tiềm năng là rất lớn nhưng tận dụng được chắc chắn không phải là điều đơn giản.
 

H. Năm

.