Thanh toán không dùng tiền mặt: Hướng về nông dân, nông thôn
Cập nhật lúc 20:48, Thứ tư, 05/11/2014 (GMT+7)
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã hoàn thiện dự thảo Đề án thí điểm một số hình thức thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại khu vực nông thôn giai đoạn 2014-2015. Theo đó, người dân nông thôn sẽ có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận với các phương thức TTKDTM. ( tiền mặt, ngân hàng, nông thôn, tín dụng)
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã hoàn thiện dự thảo Đề án thí điểm một số hình thức thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại khu vực nông thôn giai đoạn 2014-2015. Theo đó, người dân nông thôn sẽ có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận với các phương thức TTKDTM.
Những năm gần đây, hoạt động TTKDTM tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Cùng với việc gia tăng tiện ích cho khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã không ngừng cải tiến cơ sở kỹ thuật, phù hợp với xu thế phát triển dịch vụ và phương tiện thanh toán. Hệ thống máy giao dịch tự động (ATM), điểm chấp nhận thanh toán thẻ (POS) đã được kết nối liên thông, có khả năng xử lý nhanh hàng triệu giao dịch/ngày. Nhờ vậy, thẻ ngân hàng đã trở thành một phương tiện thanh toán ngày càng phổ biến và tiện ích cho người sử dụng từ thành thị đến nông thôn.
Ông Lê Đình Liệu, Giám đốc NHNN Chi nhánh BR-VT cho biết: Thời gian qua, các chi nhánh NHTM trên địa bàn tỉnh không ngừng hiện đại hóa dịch vụ ngân hàng và hệ thống thanh toán theo hướng tự động hóa, mở rộng phạm vi áp dụng và tăng nhanh tốc độ xử lý, từng bước áp dụng các dịch vụ ngân hàng hiện đại, ngân hàng điện tử; có chính sách khuyến mại khuyến khích khách hàng sử dụng các phương tiện TTKDTM để thanh toán tiền mua hàng tại các siêu thị, nhà hàng, khách sạn, xe taxi, tiền điện, nước, cước viễn thông... cho các đơn vị cung ứng dịch vụ. Toàn tỉnh hiện có 1.068 máy POS, 347 máy ATM đang hoạt động, trong đó số lượng ATM ở khu vực nông thôn chưa đến 100 máy. Chi nhánh NHNN tỉnh khuyến khích các chi nhánh NHTM phát triển thêm máy ATM ở địa bàn dân cư nông thôn, phù hợp với chiến lược phát triển của từng hệ thống ngân hàng.
Theo NHNN, đến tháng 9-2014, lượng thẻ do 52 tổ chức phát hành trên phạm vi toàn quốc hơn 74 triệu thẻ với khoảng 490 thương hiệu, trong đó: thẻ ghi nợ chiếm gần 92%, còn thẻ tín dụng 4% và thẻ trả trước 4%; hơn 16.000 máy ATM và hơn 153.200 máy POS đã được lắp đặt. Tuy nhiên, số lượng ATM và POS chỉ phát triển nhanh và chủ yếu ở đô thị, còn ở khu vực nông thôn chiếm tỷ lệ rất thấp. Qua khảo sát cho thấy, đối tượng sử dụng các phương thức TTKDTM ở khu vực nông thôn chủ yếu là các tổ chức, cá nhân thụ hưởng ngân sách Nhà nước; các DN, hộ kinh doanh, cá nhân có thu nhập cao.
Từ thực tế nêu trên, NHNN đã nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Đề án thí điểm một số hình thức TTKDTM tại khu vực nông thôn giai đoạn 2014-2015. Theo đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức của người dân nông thôn về tiện ích của các phương thức TTKDTM; triển khai kế hoạch tổng thể phát triển thanh toán qua POS giai đoạn 2014-2015; tăng cường việc đầu tư, lắp đặt mới máy ATM; triển khai các hình thức TTKDTM khác như thanh toán qua tài khoản ngân hàng, dịch vụ ngân hàng điện tử E-Banking, nộp thuế điện tử, nộp ngân sách Nhà nước qua ngân hàng… trên từng địa bàn nông thôn.
Theo Báo Bà Rịa - Vũng Tàu
.