Phó Thủ tướng Lê Minh Khái lưu ý vấn đề này tại Hội nghị trực tuyến công bố triển khai Hệ thống hóa đơn điện tử (HĐĐT) ngày 21/11.

leftcenterrightdel
 Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại Hội nghị.

Phó Thủ tướng yêu cầu, để bảo đảm đạt được mục tiêu 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử trên toàn quốc đến ngày 30/6/2022, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cần tăng cường quán triệt trong toàn ngành, tập trung triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hơn nữa Hệ thống HĐĐT; bảo đảm thông tin, dữ liệu chính xác, minh bạch, thống nhất, an ninh, an toàn, đáp ứng yêu cầu quản lý và tạo thuận lợi cho người nộp thuế; nỗ lực bắt kịp, tiến cùng và vươn lên trong quản lý thuế so với khu vực, thế giới.

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về HĐĐT đến toàn thể nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; mở rộng các kênh tương tác để hỗ trợ hiệu quả người dân, doanh nghiệp về hóa đơn điện tử.

Theo đánh giá, việc triển khai áp dụng HĐĐT góp phần vào chuyển đổi số ở Việt Nam, giúp thay đổi tích cực phương thức điều hành, lãnh đạo, quản lý, quy trình làm việc của cơ quan thuế cũng như của các doanh nghiệp.

Giúp doanh nghiệp giảm chi phí hơn so với sử dụng hóa đơn giấy (giảm chi phí giấy in, mực in, vận chuyển, lưu trữ hóa đơn, không gian lưu trữ hóa đơn…), giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế.

Ngoài ra, việc triển khai hệ thống HĐĐT còn có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng cơ sở dữ liệu lớn (big data), mấu chốt của chuyển đổi số không chỉ đối với cơ quan thuế mà còn đối với cả doanh nghiệp và nền kinh tế, góp phần quan trọng phát triển Chính phủ điện tử, đổi mới công tác quản lý nhà nước.

Ngoài ra, xác định rõ việc triển khai hệ thống HĐĐT là một trong những giải pháp quan trọng góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số. Rà soát, hoàn thiện quy định về các hệ thống tài nguyên thông tin, dữ liệu số có tính kết nối, liên thông cao; không chỉ phục vụ công tác quản lý thuế mà còn các lĩnh vực khác

Phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan, địa phương có kế hoạch, phương án, giải pháp cụ thể để triển khai thành công hệ thống HĐĐT, nhất là, phối hợp với ngành Ngân hàng để thanh toán điện tử, tạo sự minh bạch về tài chính, thuận tiện cho người sử dụng. “Đề nghị lãnh đạo các địa phương chỉ đạo phối hợp chặt chẽ, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả trên địa bàn.”- Phó Thủ tướng nói.
“Việc xây dựng hệ thống chỉ là bước đầu; việc vận hành và sử dụng hệ thống một cách hiệu quả mới thực sự là mong đợi của Đảng, Nhà nước, Chỉnh phủ và kỳ vọng của toàn xã hội, của người dân, doanh nghiệp đối với ngành Tài chính, ngành Thuế.”- Phó Thủ tướng nói.

leftcenterrightdel
Thực hiện HĐĐT sẽ góp phần giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp.

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, từ năm 2015, ngành Thuế triển khai vận hành Hệ thống quản lý thuế tập trung (TMS) trên phạm vi toàn quốc, cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa, điện tử hóa trong quản lý người nộp thuế từ khâu đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế, đến hoàn thuế. Đến nay, việc tiếp nhận và giải quyết các hồ sơ của người nộp thuế đều được thực hiện tập trung và tự động. Cơ quan thuế từ việc phải nhập dữ liệu kê khai của người nộp thuế vào hệ thống phần mềm thì hiện nay chỉ thực hiện việc đối chiếu, kiểm soát, giám sát dữ liệu kê khai của người nộp thuế, từ đó phân tích thông tin, đưa ra các biện pháp nghiệp vụ phù hợp để quản lý thuế hiệu quả.

Về kết quả, Tổng cục Thuế cho biết, đã triển khai đăng ký thuế điện tử liên thông với cơ quan đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp bắt đầu từ năm 2009 và đăng ký thuế điện tử trực tiếp với cơ quan thuế đối với cá nhân và tổ chức khác bắt đầu từ năm 2019. Đến nay, 100% các giao dịch được truyền nhận điện tử đăng ký thuế cùng với đăng ký kinh doanh theo cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan đăng ký kinh doanh;

 Khai thuế điện tử được triển khai từ năm 2009, tính đến năm 2021, có trên 849.000 doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử trên tổng số hơn 849.600 doanh nghiệp đang hoạt động, đạt tỷ lệ 99,9%. Số lượng hồ sơ khai thuế điện tử đã tiếp nhận trong năm 2021 là trên 16 triệu hồ sơ;  

Từ năm 2014, triển khai nộp thuế điện tử trên phạm vi toàn quốc, tính đến năm 2021 có trên 837.300 doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử với cơ quan thuế, đạt tỷ lệ 99% số doanh nghiệp đang hoạt động;

 Hoàn thuế điện tử được Tổng cục Thuế triển khai trên toàn quốc từ năm 2017, tính đến năm 2021 số doanh nghiệp tham gia hoàn thuế điện tử là trên 8.000 trên tổng số 8.200 doanh nghiệp hoàn thuế, đạt tỷ lệ gần 98%.

Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, đã tạo ra bối cảnh người dân và doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách mà không phải trực tiếp đến cơ quan thuế.

Thực hiện quy định của Luật Quản lý thuế, Chương trình chuyển đổi số quốc gia Việt Nam đến năm 2030 và chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021, Bộ Tài chính đã kịp thời ban hành Thông tư hướng dẫn triển khai Nghị định về HĐĐT và ban hành các quyết định triển khai hệ thống HĐĐT theo 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 tại 6 tỉnh, thành phố là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Phú Thọ và Bình Định bắt đầu từ tháng 11/2021.

Giai đoạn 2 tại 57 địa phương còn lại, đảm bảo đến ngày 30/6/2022 đạt 100% DN trên toàn quốc áp dụng HĐĐT.

Để kịp thời triển khai HĐĐT, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh, thành phố với tinh thần khẩn trương và quyết liệt. Đồng thời, đã chỉ đạo Tổng cục Thuế chuẩn bị các điều kiện cần thiết để khởi động hệ thống HĐĐT.

 

Nguyễn Anh