Ngay sau khi Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) được chấp thuận cho phát hành trái phiếu đặc biệt tối đa 80.000 tỷ đồng, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn yêu cầu các NH thương mại tích cực triển khai bán nợ cho VAMC nhằm thực hiện mục tiêu đưa nợ xấu về dưới 3% đến cuối năm 2015.

 


* NHNN "chơi đẹp" vậy tại sao nhiều NH thương mại vẫn không muốn bán nợ xấu cho VAMC, thưa ông?

- Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Vì nợ xấu để trong NH thì "sập xí, sập ngầu" với nhau, đang là nợ nhóm 3-4-5 thì chuyển thành nợ nhóm 1-2 để không phải trích dự phòng rủi ro. Nhưng giờ NHNN kiểm tra, đánh giá đây nợ xấu phải trích dự phòng rủi ro thì NHTM phải trích nợ. Và mỗi khoản nợ, nếu bán ngay cho VAMC thì chí ít phải trích 20% dự phòng rủi ro gói nợ đó. Nhưng vẫn có NH thừa nhận, ngay cả 20% này họ cũng không còn. Mà đúng thế, có NH đến số tiền này cũng không có thật vì có quá nhiều nợ xấu. Bán cho VAMC thì phấn khởi, thì hoạt động được nhưng lấy đâu ra lợi nhuận 20% để đưa theo quy định. Đó chính là trở ngại trong thời gian qua mà NHTM chưa dám bán nhiều cho VAMC. Nhưng trong Nghị định 53 mới đây cho phép NHNN căn cứ vào thực trạng các NH có thể kéo dài việc xử lý nợ lên 10 năm.

* Với những NH quá yếu kém như vậy, tại sao không cho phá sản thưa Thống đốc, cũng như doanh nghiệp, nếu kinh doanh thua lỗ thì phải chấp nhận rời bỏ thị trường thôi?

- Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Đặc thù của NH khác với các ngành khác, NH đi huy động vốn của dân còn Nhà nước phải bảo vệ quyền lợi người dân. Cho nên mới có việc chúng tôi mua lại NH với giá 0 đồng. Cá nhân tôi lúc đó cũng suy nghĩ rất nhiều mặc dù về mặt Luật pháp cả ta và nước ngoài đều có rồi, nhưng liệu ở VN đã "chín" chưa. Nhưng cuối cùng, tôi vẫn quyết định làm. Mình phải bảo vệ quyền lợi của người dân. Còn những cổ đông lớn của NH phải chịu trách nhiệm. Ông đã có tiền đi làm NH nhưng kinh doanh yếu kém mà tiền của ông lại không mất sao được. Làm gì có chuyện vô lý thế. Thế nên ông phải mất tiền, vốn của ông phải bằng 0. Nhưng bằng 0 thôi chưa đủ, những gì ông gây ra với NH đó ông phải chịu trách nhiệm đến cùng.

Còn mục đích cuối cùng của Nhà nước khi mua lại các NH thế này là vì số tiền của doanh nghiệp, người dân còn ở đây, phải trả cho người ta. Nhưng nếu trả ngay thì Nhà nước mất tiền, vì thế mình phải duy trì tổ chức này, với bộ máy quản trị mới, với cơ chế hỗ trợ mới, sau một thời gian nó sẽ ổn định được thì sẽ có tiền trả cho người dân. Như vậy trước mắt không gây xáo trộn hệ thống, người dân cũng yên tâm. Về lâu dài Nhà nước còn có cơ hội lấy lại tiền và thị trường cũng cần dẹp bớt đi những NH làm ăn yếu kém.

 

Theo Người tiêu dùng

.