Thời điểm đó nhiều chuyên gia còn kỳ vọng chỉ số còn lên tới hơn 1.000 điểm. Sàn Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) chưa nhiều doanh nghiệp niêm yết, khối lượng giao dịch chỉ đạt hơn 6,4 triệu đơn vị nhưng trị giá lên tới hơn 610 tỷ đồng vào phiên thị trường lập đỉnh 921,07 điểm.
Đầu năm 2011, Vn-Index gồng mình vượt 500 điểm, rồi tiếp đến 510 và lập đỉnh ở mốc 522,59 điểm, thấp hơn so với các năm trước đó. Càng về cuối năm, chỉ số càng có xu hướng giảm và tới phiên cuối cùng của tháng 12 chỉ còn lại 350 điểm. Thị trường cũng bắt đầu lác đác xuất hiện bóng cổ phiếu giá dưới 1.000 đồng.
Những bất ổn về vĩ mô như lạm phát, lãi vay và chi phí đầu vào ở mức cao nhất trong nhiều năm trước đó, cộng thêm tín dụng bị thắt chặt trở thành các thách thức lớn cho doanh nghiệp. Dòng tiền vào chứng khoán theo đó cũng kiệt quệ dần.
Tới năm 2012, các nhà đầu tư dường như đã quá mệt mỏi khi giá cổ phiếu liên tục giảm, kết quả kinh doanh các doanh nghiệp không mấy khả quan. Trên sàn liên tục xuất hiện cổ phiếu giá bèo, thậm chí giá chứng khoán không mua nổi một mớ rau càng khiến nhà đầu tư mất niềm tin vào thị trường.
Không một đợt sóng nào trong năm đủ mạnh giúp chỉ số qua 500 điểm và vượt các đỉnh từng thiết lập trong những năm trước. Mức cao nhất Vn-Index đạt được cũng chỉ lên tới 488,07 điểm vào tháng 5/2012, tổng khối lượng giao dịch trên 133 triệu cổ phiếu, trị giá 2.220 tỷ đồng.
Nhiều nhà đầu tư lúc đó kỳ vọng Vn-Index sẽ còn tăng điểm tiếp, nhưng sau 3 phiên chỉ số này tuột khỏi mốc 480 điểm và ngày một đuối. Cộng thêm những lùm xùm liên tiếp xảy ra trên thị trường như các vụ bắt bớ, đổi chủ ngân hàng, cùng hàng loạt sếp công ty chứng toán phải ra hầu tòa càng khiến kênh chứng khoán ít hấp dẫn với giới đầu tư.
Sang năm 2013, thị trường chứng khoán như được thổi làn gió mới sau thời gian dài chìm trong sắc đỏ. Hàng loạt chính sách vĩ mô được Chính phủ ban hành nhằm cải thiện tìn hình kinh tế tác động không nhỏ đến tâm lý các nhà đầu tư như nới room khối ngoại, tăng biên độ giao dịch hay VAMC, gói kích thích 30.000 tỷ đồng. Vn-Index có bước tăng nhanh hơn dự báo của giới chuyên gia khi xuất hiện nhiều giao dịch bùng nổ, có phiên khớp lệnh tới cả trăm triệu cổ phiếu.
Đầu năm đến nay, mức cao nhất Vn-Index đạt được là 524,56 điểm, xác lập vào ngày 10/6. Khối lượng giao dịch lên tới hơn 94 triệu cổ phiếu, tương đương gần 1.661 tỷ đồng.
Trong một vài phiên, từng có lúc Vn-Index vượt 530 điểm nhưng chưa bảo vệ thành công mục tiêu này lúc đóng cửa giao dịch. Dù vậy, giới đầu tư cũng như chuyên gia vẫn đang đặt nhiều kỳ vọng cho kênh chứng khoán và dự báo Vn-Index còn có thể lên 630 trong năm nay.
Riêng với nhà đầu tư, trong suốt gần 5 năm qua, việc lập đỉnh của Vn-Index hầu như luôn có ảnh hưởng đến túi tiền và quyết định mua bán. Người kiếm bộn từ những lần biến động này không ít nhưng cũng nhiều nhà đầu tư bị mất tiền oan.
Anh Nguyễn Văn Dũng, nhà đầu tư tại sàn chứng khoán ACBS cho biết, đợt Vn-Index lên đỉnh vào năm 2010 khiến anh nhớ nhất. Lúc đó anh sở hữu khoảng 10.000 cổ phiếu bất động sản. Vì nắm được một số thông tin vĩ mô sớm nên anh quyết định chốt lời số cổ phiếu trên trong sáng sớm ngày đầu tháng 5. Nhờ vậy, anh "kiếm" được cả gần trăm triệu chỉ trong một ngày.
Tuy nhiên anh Dũng cũng cho hay, đợt lập đỉnh trong tháng 2/2011, anh lại "xui" khi nắm cổ phiếu bất động sản. Lúc đó, "tôi chỉ giữ khoảng 3.000 cổ phiếu nên khi giá giảm 500 đồng mỗi cổ, tôi 'thiệt' mất 1,5 triệu đồng", anh Dũng kể lại.
Còn chị Liên, nhà đầu tư trên sàn HSC lại chia sẻ danh mục gồm các mã HCM, HAG, GAS và một số mã mía đường. Thông thường khi Vn-Index đạt đỉnh, các mã của chị đều tăng giá. Tuy nhiên, do không xác định được thời điểm nào Vn-Index này lập đỉnh để bán sớm nên rất ít khi chị có lãi.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Mai Vũ Thảo, Giám đốc quản lý danh mục Công ty chứng khoán Đông Á đánh giá, nhà đầu tư lời hay lỗ tại đỉnh thường mang tính hên xui. Tuy nhiên nếu có kinh nghiệm, các nhà đầu tư có thể nhận thấy "vùng đỉnh".
Đối với nhà đầu tư có kinh nghiệm, họ thường mua ít nếu thanh khoản tăng đột biến. Ngược lại, nhà đầu tư ít kinh nghiệm hay mua nhiều, vì lúc này họ thấy thị trường đang "sốt". Trong trường hợp nhà đầu tư muốn bắt đáy nhưng bớt rủi ro, thị trường thông thường phải giảm khoảng 30% từ đỉnh mới nên bắt đáy, ông Thảo khuyến nghị.
Theo dự đoán của ông Thảo, thời gian tới chứng khoán có thể vượt mức 530 điểm với giá trị giao dịch khoảng 3.000 tỷ. "Dòng tiền vào chứng khoán hiện chưa nhiều, tôi nghĩ mức 530 điểm vẫn chưa phải là đỉnh của năm nay", ông Thảo nói thêm.
Chung quan điểm với ông Thảo, một chuyên gia chứng khoán tại Hà Nội khẳng định đà tăng trong năm nay của Vn-Index tương đối ổn định, bền vững và còn có thể lên tiếp trong thời gian tới. Theo vị chuyên gia này, bối cảnh kinh tế năm nay ở Việt Nam hoàn toàn khác và tích cực hơn so với các năm 2009, 2010 - thời điểm Vn-Index trồi sụt thất thường do vĩ mô bất ổn định.
Hơn nữa, giao dịch đa phần tập trung vào các mã có chỉ tiêu tài chính cơ bản tốt, không xuất phát từ các cổ phiếu đầu cơ nên có thể coi là yếu tố giúp thị trường tăng trưởng bền vững. Tuy nhiên, vị chuyên này vẫn lưu ý các nhà đầu cần tránh lướt sóng ngắn đề phòng rủi ro cao và bị mất tiền oan.
Dự kiến thời gian tới, dòng tiền vẫn tiếp tục quay trở lại thị trường, bởi lẽ thông tin vĩ mô tốt mang lại niềm tin cho nhà đầu tư. Mặt khác, giải pháp 30.000 tỷ, kế hoạch VAMC cũng đang từng bước đẩy mạnh và cụ thể hơn so với thời kỳ đầu. Trong quý III, chứng khoán có thể lập đỉnh ở mốc 560 điểm, chuyên gia nói thêm.
Theo Tường Vi - Hồng Châu
VnExpress