Quan điểm của NHNN là giữ nguyên thời hạn hiệu lực của Thông tư 36 từ ngày 1/2/2015 vì sự an toàn của hệ thống ngân hàng, tài chính và vì mục tiêu thực hiện tái cấu trúc các tổ chức tín dụng (TCTD).

Thông tư 36 được ban hành và dự kiến sẽ có hiệu lực vào đầu tháng 2/2015 có quy định cụ thể về giới hạn cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu. Sau khi thông tư này ra đời, có nhiều ý kiến quan ngại thị trường chứng khoán sẽ chịu ảnh hưởng lớn và muốn Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lùi thời gian thực hiện Thông tư này.

Trao đổi với báo chí tại một buổi tọa đàm mới đây, ông Nguyễn Sơn - Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) cho rằng, việc siết chặt tỷ lệ đầu tư vào cổ phiếu tối đa không quá 5% vốn điều lệ của ngân hàng thương mại có dư nợ dưới 3% sẽ tạo một áp lực rất lớn đối với việc giải chấp của các công ty chứng khoán cũng như yêu cầu giảm dư nợ cho vay đối với các ngân hàng.

Vị này cũng cho rằng, việc ban hành Thông tư 36 là việc làm cần thiết nhằm kiểm soát chặt chẽ dư nợ đầu tư cho vay chứng khoán cũng như kiểm soát việc sở hữu chéo giữa các ngân hàng, góp phần định hướng cho vay từ các NHTM vào sản xuất kinh doanh của nền kinh tế. Tuy nhiên, tỷ trọng cho vay và thời hạn hiệu lực thực thi cần phải có lộ trình thích hợp. Nếu không sẽ gây những phản ứng sốc và tác động mạnh tới sự sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán.

 

1
Phía NHNN cho rằng, quy định này tại Thông tư 36 không ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư, kinh doanh chứng khoán nói chung.


Tuy nhiên, trả lời về vấn đề này, trong thông điệp mới phát đi, phía NHNN cho biết, quan điểm của NHNN là giữ nguyên thời hạn hiệu lực của Thông tư 36 từ ngày 1/2/2015 vì sự an toàn của hệ thống ngân hàng, tài chính và vì mục tiêu thực hiện tái cấu trúc các tổ chức tín dụng (TCTD).

Phía NHNN cho rằng, quy định này tại Thông tư 36 không ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư, kinh doanh chứng khoán nói chung, cổ phiếu nói riêng mà còn góp phần kiểm soát, hạn chế sở hữu chéo và rủi ro hoạt động kinh doanh chứng khoán đối với TCTD có tỷ lệ đầu tư kinh doanh chứng khoán cao.

Việc Thông tư 36 được áp dụng cũng sẽ giúp giành thêm một lượng vốn khá lớn để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và phục vụ tăng trưởng kinh tế, đem lại giá trị gia tăng cho nền kinh tế.

"Đây là giải pháp chính sách nhằm cơ cấu lại hoạt động của TCTD theo hướng an toàn, lành mạnh hơn như Đề án tái cơ cấu các TCTD đã được Bộ Chính trị, Chính phủ phê duyệt. Việc kiểm soát dòng vốn đầu tư vào cổ phiếu từ ngân hàng là cần thiết không chỉ vì lý do an toàn hoạt động ngân hàng mà còn vì sự ổn định của thị trường chứng khoán", cơ quan điều hành khẳng định.

NHNN cho rằng, vốn tín dụng đầu tư chứng khoán chủ yếu vốn ngắn hạn. Nếu không kiểm soát làm cho thị trường chứng khoán kém ổn định, tạo điều kiện cho các hoạt động đầu cơ, thao túng giá trị cổ phiếu dẫn đến giá trị cổ phiếu lên, xuống một cách bất hợp lý do dòng vốn ngắn hạn gây nên. Giá trị giao dịch cổ phiếu lên hay xuống phải xuất phát từ hiệu quả hoạt động kinh doanh của công ty phát hành, chứ không phải từ nguồn vốn đầu tư ngắn hạn, tạo ra cầu ảo về chứng khoán.

Trong khi đó, vốn của ngân hàng chủ yếu là vốn huy động từ dân cư, tổ chức kinh tế, vì vậy phải được sử dụng cho các mục đích an toàn, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh (bao gồm cả mua trái phiếu doanh nghiệp), đem lại giá trị vật chất gia tăng thay vì ngân hàng dùng vốn huy động từ tổ chức kinh tế, tiết kiệm của dân cư để đầu tư rủi ro dẫn đến không trả nợ được cho người gửi tiền.

Trong thời gian qua, việc kiểm soát không hợp lý, chưa chặt chẽ vốn tín dụng ngân hàng đầu tư vào thị trường chứng khoán dẫn đến thị trường chứng khoán nhiều lúc biến động bất thường, gây rủi ro lớn ở nhiều TCTD do giá cổ phiếu sụt giảm nghiêm trọng, trong đó đã có TCTD lâm vào tình trạng khó khăn tài chính, mất khả năng thanh khoản, tiền gửi của nhân dân không được bảo đảm an toàn.

"Thông tư 36 tạo lập nên chuẩn mực mới cao hơn về an toàn hoạt động ngân hàng và thanh tra, giám sát, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của các TCTD, bảo đảm phát triển bền vững hậu tái cơ cấu và hội nhập quốc tế. Các TCTD hiện đang tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện", NHNN nhấn mạnh.

Vẫn còn "room" cho vay chứng khoán

NHNN cho rằng, Thông tư 36 chỉ quy định giới hạn cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu để hạn chế sở hữu chéo, giảm thiểu rủi ro trong hoạt động cho vay đối với các lĩnh vực có nhiều rủi ro. Thông tư 36 không hạn chế việc cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh các loại chứng khoán khác, trừ cổ phiếu.

Theo số liệu thanh tra, giám sát, dư nợ cho vay để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu của các TCTD tại tháng 11/2014 ở mức hơn 20.130 tỷ đồng, chiếm 4,62% so với vốn điều lệ, vốn được cấp. Với mức vốn điều lệ tại thời điểm tháng 12/2014 của toàn hệ thống khoảng 453.292 tỷ đồng, tổng mức cho vay để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu với tỷ lệ quy định tại Thông tư 36 sẽ là khoảng 22.665 tỷ đồng.

"Với quy định giới hạn cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu ở mức 5% vốn điều lệ, vốn được cấp tại Thông tư 36 và từ thực tế việc các NHTM đã cho vay để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu trên đây thì “room” còn lại để các ngân hàng cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu là rất lớn", NHNN đánh giá.

Ngoài ra, theo cơ quan này, việc Thông tư 36 quy định hệ số rủi ro giảm từ mức 250% xuống còn 150% cũng là nhằm thúc đẩy hoạt động đầu tư, kinh doanh chứng khoán.
 

Theo Dân trí

.