Lợi nhuận không đạt dự kiến, thu hồi nợ kém do doanh nghiệp “chây ì”, cuối năm khó tìm khách vay để giản ngân … là những mối lo chung khiến nhân viên ngân hàng không còn tâm lý háo hức chờ thưởng Tết.

Khác với cách đây 3 năm, đã gần hết tháng 12 nhưng mọi thông tin về thưởng của khối ngân hàng vẫn … bặt tăm. Tâm lý chờ thưởng Tết không còn thường trực trong mỗi nhân viên ngân hàng, thay vào đó, mỗi khi nhắc tới hai từ “thưởng Tết” là không ít người lại thở dài ngao ngán.

Ngọc – kiểm soát viên tại VietBank chia sẻ, chi nhánh ngân hàng chị mới chuyển về địa điểm mới, chỉ tiêu doanh thu được phân giao còn chưa hoàn thành nay lại “gánh” thêm khoản chi không nhỏ của việc chuyển địa điểm… nên cũng chưa biết thưởng Tết năm nay sẽ ra sao.

“Hai năm nay tôi chẳng còn tâm lý chờ đợi thưởng Tết nữa. Năm nay chi nhánh cũng có nhiều xáo trộn, lại thêm sếp mới nên càng không biết thế nào”- chị Ngọc tâm sự.

Theo chị, ngoài chủ trương chung của ngân hàng thì thưởng Tết ở mỗi chi nhánh, phòng giao dịch lại khác nhau vì còn phụ thuộc việc có hoàn thành chỉ tiêu hay không. Ngoài ra, cũng căn cứ vào mức độ hoàn thành chỉ tiêu, thâm niên, bậc lương… mà mỗi nhân viên lại có mức thưởng khác nhau. “Nhiều người cứ nghĩ lương nhân viên ngân hàng cao lắm, thưởng nhiều lắm, nhưng chỉ có người ở trong cuộc mới hiểu thôi”- chị nói.

 


Năm đầu tiên bước chân vào ngành ngân hàng với Hùng – nhân viên tín dụng Eximbank thì mối lo hiện tại là làm sao đạt đủ chỉ tiêu, “ghi điểm” với sếp hơn là chuyện thưởng Tết.

“Tôi chẳng trông chờ vào tiền thưởng Tết, bởi có cũng chẳng đáng là bao nhiêu”- Hùng chia sẻ.

“Các đồng nghiệp chia sẻ năm ngoái thưởng Tết Dương lịch cũng chỉ được thêm 1 tháng lương thứ 3, nhưng với nhân viên chưa làm đủ 1 năm thì chỉ được hưởng 50% hoặc thậm chí thấp hơn. Đây là chưa kể hiện giờ ngân hàng tính thưởng đều dựa vào chỉ tiêu kinh doanh của từng cá nhân”- Hùng nói.

Năm nay Eximbank là một trong số nhà băng có mức tăng trưởng tín dụng thấp, thậm chí là “âm” trong 9 tháng đầu năm. Theo báo cáo tài chính của nhà băng này, tại thời điểm ngày 30/9, tổng cho vay khách hàng là 80.069,51 tỷ đồng, giảm 3.284,72 tỷ đồng, tương ứng 3,94% so với cuối năm 2013. Nợ xấu đạt 2.689,32 tỷ đồng, chiếm 3,36% tổng nợ. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn là 1.413,2 tỷ đồng, tăng 339,4 tỷ đồng so với cuối năm 2013. Lợi nhuận sau thuế của ngân hàng này quý 3 đạt 218,97 tỷ đồng, giảm 79,31 tỷ đồng, tương ứng 26,59% so với cùng kỳ năm ngoái; lũy kế 9 tháng đạt 733,96 tỷ đồng.

Cũng vì kết quả kinh doanh không mấy khả quan, nên Hùng nhẩm tính, căn cứ vào mức lương hiện tại và với “đà truyền thống” thì khoản tiền thưởng Tết của cậu sẽ dao động khoảng 1-1,5 triệu đồng. “Tốt nhất là không nên nghĩ tới thưởng Tết”- Hùng nói giọng buồn rầu.

Ở những nhà băng có mức tăng trưởng khá ấn tượng trong năm qua như VPBank, Sacombank, MB…. thì cho tới giờ thông tin thưởng Tết vẫn “kín bưng”.

Cũng cùng chung tâm lý “không trông chờ thưởng Tết”, nhân viên thẩm định hồ sơ vay tại một chi nhánh của Ngân hàng Quân đội (MB) chỉ cười khi được hỏi tới chuyện thưởng Tết. Theo chị, ở bộ phận kinh doanh nếu có doanh thu thì tiền thưởng sẽ được hưởng trên tỷ lệ doanh thu “kiếm” được, nhưng với bộ phận hỗ trợ thì chỉ “chằn chặn” có lương hàng tháng nên chuyện thưởng hay không, mức thưởng bao nhiêu chỉ “nhờ cậy” vào lợi nhuận của chi nhánh mà thôi.

“Thưởng Tết năm nay sẽ căn cứ vào mức lợi nhuận của chi nhánh. Được một tháng lương bằng năm ngoái đã là may mắn lắm rồi”- nhân viên này chia sẻ.

Dù chưa công bố số liệu kinh doanh quý 4/2014, nhưng với những ngân hàng có “biến cố” này chắc chắn đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động. Chị Hà – đang làm việc tại một chi nhánh của nhà băng mà chủ tịch bị bắt không giấu nổi sự buồn rầu khi nói về chuyện thưởng Tết. Theo quy định “truyền thống” trước đây của ngân hàng là mỗi nhân viên thường được thưởng một tháng lương thứ 13, với chi nhánh nào kết quả kinh doanh tốt thì nhân viên có thể được thưởng nhiều hơn. Nhưng với biến cố vừa rồi, thì “năm nay “cầm chắc sẽ không có thưởng, hoặc có thì chẳng đáng là bao” – chị Hà bày tỏ.

Trong khi hầu hết các nhân viên ngân hàng đã không còn tâm lý chờ thưởng Tết, thì lãnh đạo các nhà băng chia sẻ sẽ cố gắng giữ bằng mức thưởng năm ngoái hoặc “nhỉnh” hơn chút nếu kết quả kinh doanh “chốt” cuối năm đạt kế hoạch, để khích lệ tinh thần làm việc của nhân viên.

Trao đổi với infonet, Phó tổng giám đốc một nhà băng vừa trải qua một năm sáp nhập khu vực phía Nam (đề nghị được giấu tên) cho biết, năm ngoái mức thưởng Tết Dương lịch của ngân hàng dành cho mỗi nhân viên là 70% tháng lương thứ 13 và Tết Âm lịch bình quân là 3 tháng lương. Dù chưa “chốt sổ” năm 2014, nhưng căn cứ vào tình hình kinh doanh 11 tháng qua khả quan, ban lãnh đạo đang tính toán để thưởng 1 tháng lương thứ 13 cho nhân viên dịp Tết Dương lịch 2015 và khoảng 4 tháng lương trong dịp Tết Âm lịch.
 

Theo Infonet

.