Sau ngân hàng BIDV, Vietcombank, VietinBank tiên phong giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần khác đã vào cuộc với mức giảm phổ biến 0,5%/năm.
 


Không trì hoãn

Cùng thời điểm này, nhiều ngân hàng khác như ngân hàng thương mại cổ phần Quốc dân (NCB), ngân hàng TMCP Hàng Hải (Maritimebank), NHTMCP Phương Đông (OCB) cũng có nhiều chương trình ưu tiên doanh nghiệp vay vốn giá rẻ.

Một trong nhiều khó khăn mà doanh nghiệp luôn gặp đó là nguồn vốn tiếp cận từ các ngân hàng khá khó khăn. Các giải pháp cụ thể để hỗ trợ các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, giải phóng hàng tồn kho mà ngân hàng từng đưa ra chưa sát sườn với yêu cầu của doanh nghiệp. Ngân hàng phải có trách nhiệm với xã hội. Dư luận cho rằng, ngân hàng đang hưởng lợi nhuận “dày” khi lãi suất huy động và cho vay chênh lệch quá lớn và chẳng chia sẻ gì với doanh nghiệp.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, lãi suất cho vay bình quân hiện đang là 8,5%/năm, trong khi lạm phát năm 2015 chỉ có 0,6%. Như vậy, lãi suất thực mà doanh nghiệp đang phải chịu là 7 - 8%/năm, mức này đang cao hơn nhiều lần so với lãi suất 2%/năm được các nước trong khu vực áp dụng. Chính phủ nên đặt mục tiêu giảm lãi suất thực 1-2% trong năm tới cùng với việc giải quyết nợ xấu một cách thực chất.

Ông Nguyễn Đức Hưởng -  Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Quản trị Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), cho rằng việc tiết giảm chi phí hoạt động cũng là một trong những cơ sở để ngân hàng này nhập cuộc giảm lãi suất cho vay. Từ tháng 5 - 2016, LienVietPostBank sẽ thực hiện chính sách lãi suất cho vay trung dài hạn đối với doanh nghiệp tối đa chỉ 10%/năm, bình quân sẽ ở khoảng 9,5%; lãi suất cho vay ngắn hạn với các doanh nghiệp tốt sẽ giảm tới 0,5%/năm so với trước đó.

Một tính toán của ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, nếu lãi suất giảm 1%, doanh nghiệp có thể giảm chi phí 50.000 tỷ đồng. Không công cụ thuế nào có thể hỗ trợ doanh nghiệp mạnh như thế.

Tín dụng đang có sự cải thiện

Tại Hà Nội, tổng dư nợ trên địa bàn Thành phố tháng 4 ước đạt 1.297 nghìn tỷ đồng, tăng 1% so tháng trước và tăng 4,8% so tháng 12. Trong đó: Dư nợ ngắn hạn đạt 746 nghìn tỷ, chiếm 57,5% trong tổng dư nợ, tăng 1,7% so tháng trước và 4,6% so tháng 12; dư nợ trung và dài hạn tương đương với dư nợ tháng 3 và đạt 551 nghìn tỷ, tăng 5,1% so tháng 12.

Trong tổng dư nợ thì dư nợ cho vay chiếm 75%; đầu tư chiếm 25% và chủ yếu là đầu tư kinh doanh chứng khoán. Trong tổng dư nợ cho vay thì tỷ lệ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 42,2%; cho vay xuất khẩu chiếm 9,9%; cho vay tiêu dùng chiếm 9,1%; cho vay bất động sản chiếm 8,6%; cho vay nông nghiệp nông thôn chiếm 7,1%.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, tăng trưởng tín dụng cũng có những thành quả nhất định. Ngân hàng đồng lòng giảm lãi suất sẻ chia gánh nặng khó khăn với doanh nghiệp, cũng đồng nghĩa với việc ngân hàng phải giảm lợi nhuận. Lợi nhuận từ chênh lệch lãi suất mà các ngân hàng được hưởng đang ở mức rất thấp, chưa kể, ngân hàng đang đứng trước nhiều áp lực về vốn. Theo ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP BIDV, hiện lãi suất cho vay bình quân là 8,5% trong khi giá vốn ngân hàng đã là 7,8%, có nghĩa chênh lệch lãi suất mà ngân hàng được hưởng chỉ khoảng 0,7%.

PGS.TS Đặng Ngọc Đức - Viện trưởng Viện Ngân hàng Tài chính (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, khi một nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi, mong muốn của doanh nghiệp cũng như toàn bộ nền kinh tế về một mặt bằng lãi suất phù hợp để có chi phí sử dụng vốn thấp hơn, các doanh nghiệp có cơ hội đầu tư, nền kinh tế phục hồi nhanh hơn thì đấy là những mong muốn rất chính đáng. Tuy nhiên nó còn phụ thuộc vào những quy luật của thị trường.

Muốn giữ cho lãi suất ổn định theo ông Đặng Ngọc Đức, điều quan trọng là các ngân hàng phải rà soát lại chi phí. Bởi trong lãi suất cho vay bao gồm cả chi phí hoạt động ngân hàng. Nếu như tất cả các ngân hàng đều cải tiến quy trình, công nghệ, hợp lý hóa nguồn nhân lực, hợp lý hóa lại mô hình tổ chức, quản trị ngân hàng để có thể giảm được chi phí thì mặt bằng lãi suất có thể giữ ổn định. 

 

Theo Đại đoàn kết

.