Hoạt động kinh doanh gặp khó khi sức khỏe doanh nghiệp yếu dần, trong khi ngành ngân hàng vẫn phải tiếp tục tái cơ cấu đã dẫn đến những biến động tất yếu về nhân sự.
 
 
Có rất nhiều lý do để lý giải cho sự mất việc. Có thể đó là do sự khác nhau về chiến lược kinh doanh của lãnh đạo ngân hàng sau sáp nhập, nhưng cũng có thể là “đòn” tâm lý của lãnh đạo ngân hàng mới muốn đội ngũ nhân viên đáp ứng yêu cầu chuyên môn cao hơn. Song, dù lý do gì thì kết quả cuối cùng vẫn là chuyện người lao động tự dưng mất việc mà họ đã dày công gây dựng, gắn bó bao nhiêu năm.
 
Tuy nhiên, theo tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính-ngân hàng, việc chuyển đổi vị trí, nhảy việc từ ngân hàng này sang ngân hàng khác, thậm chí chịu sa thải là xu hướng chung trong bối cảnh hiện nay.
 
“Ồ ạt” thay tướng
 
Thực tế, thời gian qua, chúng ta chứng kiến cả sự luân chuyển công tác từ ngân hàng thương mại cổ phần này sang ngân hàng cổ phần khác ở cấp tổng giám đốc.
 
Đến thời điểm này thị trường tài chính đã có đến hàng chục ngân hàng thay đổi lãnh đạo từ cấp Hội đồng quản trị đến ban tổng giám đốc, như: VIB, Techcombank, Vietinbank, Eximbank, Sacombank, DongABank, SCB, NamABank, KienLongBank…
 
Đáng chú ý là việc chuyển đổi nhân sự tại Eximbank, ở vị trí Tổng giám đốc, từ tháng 9/2013 tới nay, ngân hàng này đã 3 lần thay đổi chủ nhân của “ghế nóng”. Trước đó, nguyên Tổng giám đốc Eximbank Trương Văn Phước từ nhiệm để nhận nhiệm vụ mới do Thủ tướng giao ở Ủy ban giám sát tài chính quốc gia. Sau khi ông Phước ra đi, ông Nguyễn Quốc Hương được bổ nhiệm giữ quyền Tổng giám đốc và chính thức làm Tổng giám đốc từ tháng 12. Sau tròn 4 tháng, ghế CEO của ngân hàng này lại thay đổi với chủ nhân mới là ông Phạm Hữu Phú (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank).
 
Đặc biệt là Ngân hàng Quốc tế (VIB) chỉ trong một thời gian ngắn đã có sự thay đổi hàng loạt nhân sự cao cấp. Cụ thể, ông Đặng Khắc Vỹ được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng quản trị VIB, ông Đặng Văn Sơn vào vị trí Phó chủ tịch; ông Hàn Ngọc Vũ đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc thay bà Đàm Bích Thủy từ nhiệm sau hơn 6 tháng làm Tổng giám đốc Ngân hàng này.
 
Mặc dù không giống nhưng những ngân hàng trên nhưng việc thay đổi nhân sự cấp cao tại VietinBank cũng gây chú ý của nhiều người. Do đã đến tuổi nghỉ hưu nên nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Phạm Huy Hùng đã rút lui, thay vị trí này là ông Nguyễn Văn Thắng (nguyên Tổng giám đốc). Ngoài ra, ông Lê Đức Thọ, Chánh văn phòng Ngân hàng Nhà nước về làm Tổng giám đốc Ngân hàng này…
 
Theo giới phân tích, việc các ngân hàng dồn dập đổi mới lãnh đạo cấp cao chủ yếu là do các đại gia đã chuyển nhượng vốn cổ phần cho người khác hoặc thay đổi người đại vốn. Từ đó, xuất hiện nhiều nhân tố mới trong Hội đồng quản trị của các ngân hàng.
 
Ngoài ra, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, vận hành một tổ chức tài chính không hề đơn giản. Do đó, việc một hoặc vài lãnh đạo ngân hàng bị điều chuyển hoặc thay đổi công tác khác do không đạt kế hoạch đề ra là điều dễ hiểu.
 
Bên cạnh đó, việc dồn dập thay tướng tại thời điểm này thể hiện Hội đồng quản trị các ngân hàng mong muốn và hy vọng sẽ có sự đột phá trong cách điều hành của những CEO mới để gia tăng lợi nhuận và giảm nợ xấu trong quá trình tái cơ cấu mà Ngân hàng Nhà nước đang quyết liệt cải tổ trong hai năm qua./.
 
Theo Vietnam+
Bài 3: Cuộc “cải tổ” ngân hàng mới chỉ thành công bước đầu