Số dư nợ cho vay đối với học sinh – sinh viên (HSSV) chiếm tỷ trọng khoảng 25% so với tổng dư nợ cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Chi nhánh tỉnh BR-VT. Nhưng số nợ quá hạn của chương trình tín dụng này lại chiếm gần 39% so với tổng số nợ quá hạn. Thực tế cho thấy, việc trả nợ và thu hồi nợ quá hạn tín dụng HSSV đang tiềm ẩn nhiều rủi ro.

 


Ra trường thất nghiệp, bao giờ mới trả được nợ?

Sau hơn 7 năm thực hiện, chương trình tín dụng HSSV đã thực sự đi vào cuộc sống của người dân, họ đã thấy được sự quan tâm của Nhà nước đối với con em mình từ việc đơn giản thủ tục vay, nâng dần số tiền cho vay của mỗi năm học theo biến động giá cả, lãi suất cho vay thấp, kéo dài thời gian ân hạn trả nợ… Nhờ vậy, nhiều hộ gia đình nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội tiếp cận nguồn hỗ trợ tài chính ưu đãi để trang trải chi phí cho việc học chữ, học nghề của con em mình. Tuy nhiên, hiện nợ quá hạn chương trình tín dụng HSSV gần 1,7 tỷ đồng, chiếm đến 39% so với tổng số nợ quá hạn của Chi nhánh NHCSXH tỉnh. Đây không chỉ là nỗi lo trong việc thu hồi nợ của bên cho vay, mà còn là món nợ “lơ lửng” của những hộ vay vốn.

Em Nguyễn Thị Trúc Ly (xã Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc) cho biết: Trúc Ly đã tốt nghiệp đại học hơn 2 năm rồi, nhưng chưa tìm được việc làm có thu nhập ổn định. Hiện em tạm thời phụ chạy bàn cho một quán ăn ở TT. Phước Bửu trung tâm huyện. Điều trăn trở hiện nay của Trúc Ly và cha mẹ em là khoản vay NHCSXH đã đến hạn trả nợ hơn 40 triệu đồng, trong đó có số tiền vay theo chương trình tín dụng HSSV cho gần 5 năm em theo học đại học. “Nếu không sớm tìm được việc làm ổn định và có thu nhập khá hơn chạy bàn, không biết đến bao giờ em mới trả được hết nợ vay!”  Trúc Ly lo lắng bày tỏ.

Nợ quá hạn cũng luôn là nỗi lo trong công tác thu hồi nợ của tổ chức tín dụng cho vay vốn. Qua khảo sát gần đây của Chi nhánh NHCSXH, nguyên nhân nợ quá hạn của chương trình tín dụng HSSV không phải do kém ý thức trả nợ của người vay, mà chủ yếu là sau khi hoàn thành xong chương trình học, nhất là hệ đại học chuyên ngành thì người vay khó tìm được việc làm hơn hệ cao đẳng nghề hoặc trung cấp nghề. Mặc dù thời gian ân hạn trả nợ (chưa tính nợ quá hạn) được kéo dài thêm 1 năm cho người vay sau khi hoàn thành chương trình học tập, nhưng khá nhiều trường hợp vẫn chưa tìm kiếm việc làm ổn định và có thu nhập để bảo đảm việc trả được nợ.

Thực trạng trên cho thấy, nhằm phát huy hiệu quả quay vòng vốn của chương trình tín dụng HSSV, giúp cho thêm nhiều HSSV được tiếp cận nguồn tài chính cho việc học tập, bên cạnh các giải pháp thu hồi nợ của NHCSXH, thiết nghĩ các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác tư vấn đào tạo, hướng nghiệp và dạy nghề phù hợp với nhu cầu cuộc sống cho con em hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Mặt khác, NHCSXH cũng nên xem xét từng trường hợp cụ thể đang nợ quá hạn tín dụng HSSV, qua đó, có thể hỗ trợ vốn cho hộ gia đình, hoặc bản thân người vay bằng một chương trình tín dụng khác như vay vốn giải quyết việc làm, vay vốn sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, vay đi xuất khẩu lao động… Có lẽ đây cũng là một giải pháp để thu hồi nợ và quay nhanh vòng vốn tín dụng HSSV trên địa bàn.

 

Theo Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

.