(BVPL) - Nợ xấu hệ thống ngân hàng được ghi nhận tăng mạnh trong năm 2014, tuy nhiên trong tình hình hiện nay, ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa yêu cầu các NH xây dựng quy trình để đánh giá xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp (DN) làm cơ sở xem xét cho vay tín chấp. Hầu hết các chuyên gia cho rằng, việc mở rộng cho vay tín chấp là tín hiệu tốt nhưng NH phải kiểm soát được dòng tiền để tránh nợ xấu mới phát sinh.

 


“Khám” tín nhiệm cho doanh nghiệp

Từ năm 2014, DN được chia làm ba nhóm: 30% là số DN làm ăn tốt có lãi, đóng thuế thường xuyên và thậm chí đang mua lại các DN khác. Với nhóm này Nhà nước không phải quan tâm; Tiếp đến, khoảng 30% những DN đang vướng vào nợ nần, mất thị trường, chống chọi khó khăn. Nhóm này Nhà nước cần hỗ trợ để họ thoát khỏi khó khăn nhưng hỗ trợ chứ không làm thay; Cuối cùng, cũng khoảng 30% số DN đã “chết lâm sàng”, nhóm này đang lệ thuộc thị trường giải quyết. Hiện các NH đang thực hiện triển khai xếp hạng tín nhiệm DN để tăng cho vay tín chấp. Chỉ số tín nhiệm của DN càng cao thì khả năng tiếp cận nguồn vốn cũng dễ dàng hơn.

Việc phân loại DN và xếp hạng tín nhiệm nội bộ tại các NH sẽ giúp có thêm nhiều DN tiếp cận được nguồn vốn hơn mà không cần tài sản bảo đảm. Thực tế, DN làm ăn phát triển mạnh thì NH tìm đến và sẵn sàng mời chào với lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, bản thân dòng tiền của DN đó tốt thì họ cũng không có nhu cầu vay. Còn nhóm DN chủ yếu là DN vừa và nhỏ thường khó khăn, do họ không có tài sản đảm bảo, báo cáo tài chính không đẹp, xây dựng kế hoạch vay vốn không rõ ràng nên việc tiếp cận vốn rất khó thì NH đương nhiên không mặn mà. Các NH có khâu tư vấn khá kỹ càng. NH tư vấn cho DN để tìm ra lý do vì sao DN không tiếp cận được vốn để tháo gỡ. Qua đó, NH cũng hiểu về dòng tiền từ dự án, cách thức phân bổ tài chính... từ đó dẫn đến việc DN tiếp cận vốn dễ dàng hơn và NH cũng có khách hàng mới.

Chủ trương mở rộng cho vay tín chấp với các DN có dự án tốt song, các NH hiện rất thận trọng bởi với những khoản cho vay tín chấp sẽ phải đòi hỏi NH trích lập dự phòng cao hơn. Nợ xấu hiện đang là cái “vòng kim cô” trên đầu NH và hậu quả của nợ xấu hiện nay chủ yếu đến từ việc trước đây NH kiểm soát dòng tiền yếu kém. Vậy nên để tránh tăng nợ xấu, NH phải gắn chặt với việc giám sát dòng tiền khi cho vay.

Loay hoay xử lý… nợ xấu

Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, tín dụng NH chịu nhiều sức ép bởi nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào vốn tín dụng. Bản thân NH cũng muốn hỗ trợ DN ổn định, hồi phục dần, nhưng tình hình sức khỏe DN đang yếu do tác động từ kinh tế vĩ mô nên khả năng đáp ứng quy định vay vốn NH đang giảm đi.

Dù có những ý kiến chưa hài lòng về kết quả hoạt động của VAMC nhưng thực tế ít nhiều nó cũng tác động tích cực đến thị trường. Như việc mua nợ xấu của các NH giúp chi phí của họ đỡ chịu áp lực, thay vì phải trích 100% dự phòng rủi ro nay họ có thể chia đều cho 5 năm. Một việc làm tích cực nữa, dù chưa nhân rộng được nhiều, đó là VAMC phối hợp chặt chẽ với các NH tạo điều kiện thuận lợi cho DN tái cơ cấu thoát khỏi cơn hoạn nạn.

Trong bối cảnh niềm tin thị trường chưa cao, nguồn vốn hạn hẹp thì rõ ràng việc mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài có ý nghĩa rất quan trọng. Nhưng vướng mắc về pháp lý như chuyển đổi sở hữu, quyền sở hữu, room sở hữu cổ phần… đang trở thành những rào cản rất lớn đối với các nhà đầu tư ngoại. Thị trường bất động sản vẫn đang trong tình trạng trầm lắng dù có một vài phân khúc phục hồi; Trong khi thị trường mua bán nợ vẫn chưa được định hình. Vì vậy, nếu duy trì tình trạng này mãi, nợ mua về rồi mà không xử lý được cũng sẽ khiến cho các NH nản lòng không muốn bán cho VAMC nữa.

Để xử lý nợ xấu không thể để một mình NH xoay xở mà đòi hỏi sự chung tay, phối hợp giữa các bộ, ngành. Những khoảng “trống” và khoảng “mờ” về quy định pháp luật liên quan đến nhà đầu tư ngoại như vấn đề về quyền định đoạt tài sản bằng bất động sản ở Việt Nam, tỷ lệ tham gia sở hữu vốn tại NH, DN… cần phải có những thay đổi đột phá trong chính sách. Thị trường mua bán nợ chưa phát triển, VAMC chưa có tiền để mua nợ, thì vị thế mặc cả của NH, DN hay chính VAMC yếu thế hơn. Như vậy, các khoản nợ xấu sẽ không thể được mua với giá cao.

Mua bán nợ đang cần chất xúc tác để kích hoạt thị trường. Chất xúc tác đó là các giao dịch. Khi có giao dịch, thanh khoản tăng dần lên thì thị trường mua bán nợ mới hấp dẫn, kích hoạt sự tham gia của các nhà đầu tư. Còn nếu cứ chỉ nói rằng “có nhiều nhà đầu tư quan tâm” nhưng thực tế không có giao dịch nào diễn ra thì cũng chẳng có ý nghĩa gì.
 

Hà Nhân

.