Áp lực tái cấu trúc đang đè nặng lên các ngân hàng nhỏ, nhất là khi NHNN đẩy mạnh thực hiện đề án tái cấu trúc ngành. Trong số 4 ngân hàng nhỏ thuộc diện tái cơ cấu cuối năm 2012, đến nay, mới có 2 đơn vị công bố lộ trình tái cơ cấu. Vì thế, theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, nhà băng nhỏ sẽ khó tránh khỏi việc hợp nhất hoặc sáp nhập và phải từ bỏ tên tuổi của mình.
Áp lực M&A
Thị trường đang chờ đợi kết quả M&A giữa HDBank và DaiA Bank. Theo thông tin đã được HĐQT HDBank công bố và Chủ tịch HĐQT DaiA Bank xác nhận, hai bên đang trao đổi thông tin về kế hoạch M&A. Tuy nhiên, ĐHCĐ DaiA Bank ngày 9/5 vừa qua bất thành, chưa cho được kết quả cuối cùng về kế hoạch nói trên do tỷ lệ cổ đông tham dự thấp hơn quy định. Theo một nguồn tin đáng tin cậy, thương vụ này sẽ sớm có kết quả trong ĐHCĐ lần 2 của DaiA Bank sắp diễn ra, dự kiến trong tháng 6 tới.
Thị trường khó khăn và việc thoái vốn của các cổ đông lớn đang là áp lực lớn đối với DaiA Bank. Một trong những cổ đông lớn của DaiA Bank là ACB cho biết, Ngân hàng đã thoái vốn khỏi DaiA Bank. ACB và nhóm cổ đông liên quan đến ACB nắm giữ tỷ lệ cổ phần khá cao tại DaiA Bank, lên tới 19,5%. Nhóm cổ đông liên quan đến Công ty Tín Nghĩa, đang nắm giữ 25% cổ phần của DaiA Bank, cũng đã công bố ý định thoái vốn khỏi Ngân hàng.
Đại diện cho Tín Nghĩa tại DaiA Bank chính là Chủ tịch HĐQT DaiA Bank hiện nay - ông Quách Văn Đức và thông tin trên thị trường trong những ngày qua cho thấy, ông Đức đang có ý định thoái vốn khỏi DaiA Bank.
Nói về việc M&A với HDBank, Chủ tịch HĐQT DaiA Bank cho biết, cho đến thời điểm này, HĐQT của hai ngân hàng đang trong quá trình trao đổi, tìm hiểu thông tin. Theo ông Đức, việc hợp nhất, tái cơ cấu là rất quan trọng, nên chưa được thông qua tại ĐHCĐ thường niên lần này. Trong khi đó, ĐHCĐ DaiA Bank vừa qua không thể thực hiện, do sự thiếu vắng của các cổ đông lớn. Tuy nhiên, theo một nguồn thạo tin, sở dĩ thương vụ M&A giữa HDBank và DaiA Bank chưa ngã ngũ là do chưa thống nhất về giá.
Ngày 18/4, Tổng CTCP Dầu khí Việt Nam (PVFC) sẽ tiến hành ĐHCĐ để thông qua phương án hợp nhất với WesternBank. Đây là thương vụ M&A mà lần đầu tiên một công ty tài chính hợp nhất với một ngân hàng. Ngân hàng hợp nhất giữa WesternBank và PVFC ra đời sẽ có số vốn điều lệ lên đến 9.000 tỷ đồng. Trong đó, phần vốn của PVFC là 6.000 tỷ đồng.
WesternBank là một trong 4 ngân hàng thuộc diện phải tái cấu trúc theo yêu cầu của Chính phủ và NHNN. Tuy nhiên, do năng lực tài chính hạn chế khi vốn điều lệ Ngân hàng chỉ mới đạt mức 3.000 tỷ đồng, trong khi đó, cổ đông lớn của Ngân hàng là SGT và KBC do ông Đặng Thành Tâm làm chủ đã thoái sạch vốn tại WesternBank, nên WesternBank đã chọn phương án hợp nhất với PVFC để tồn tại.
Sau khi TrustBank chính thức công bố có sự tham gia của nhóm cổ đông mới, trong kỳ đại hội đầu năm nay, với tỷ lệ nắm giữ lên đến 84% cổ phần, trong đó, riêng Tập đoàn Thiên Thanh nắm giữ 9,67%, nhà băng này đang trong quá trình thực hiện đề án tái cấu trúc đã được Chính phủ và NHNN phê duyệt.
Sự biến mất của những cái tên
Khi các thương vụ M&A kết thúc, có những cái tên ngân hàng biến mất khỏi thị trường. Chẳng hạn, sau vụ hợp nhất 3 ngân hàng SCB, Ficombank, TinNghia Bank vừa qua, hai cái tên sau đã không còn tồn tại.
Hay như trước khi bị Tập đoàn Bản Việt mua lại, GiaDinh Bank đã tồn tại trên thị trường khá lâu. Nhưng kể từ đầu năm 2012, cái tên GiaDinh Bank đã biến mất, thay vào đó là Viet Capital Bank.
Thời gian tới, với việc đẩy mạnh cải tổ ngành của NHNN, dự báo sẽ còn có nhiều cái tên ngân hàng biến mất khỏi thị trường và có thể xuất hiện những cái tên mới. Sau các cuộc M&A, nếu chủ các tên tuổi cũ lép vế về tỷ lệ sở hữu trong ngân hàng mới và các ông chủ lớn mới muốn sử dụng tên khác, tên cũ sẽ buộc phải ra đi.
Nếu các cuộc hợp nhất giữa HDBank và DaiA Bank hay giữa WesternBank và PVFC thành công và nếu cổ đông của các ngân hàng sau hợp nhất không muốn một cái tên quá dài và khó nhớ (nếu ghép tên) thì nhiều khả năng, ít nhất một trong bốn cái tên trên sẽ chỉ còn thuộc về quá khứ.
Theo Thùy Vinh
ĐTCK