Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bằng VND đã giảm 1,5 - 2%/năm so với cuối năm 2013, nhưng theo yêu cầu của Chính phủ, NHNN cần tiếp tục điều chỉnh giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
 


Trên thị trường, sau những đợt điều chỉnh lãi suất ồ ạt trước đây, một số nhà băng nhỏ như: VietABank, VIB, OCB, TPBank… đang tung ra chương trình cho vay vốn ưu đãi lãi suất cố định trong thời gian đầu.
 
Còn với những nhà băng lớn, họ cũng tiếp tục phát đi những tín hiệu về việc cắt giảm lãi suất. Sau Vietcombank, đến lượt VietinBank giảm trần lãi suất huy động VND kỳ hạn dài từ 12 đến 36 tháng đối với khách hàng cá nhân xuống còn 6%/năm.

Giới chuyên gia cho hay, việc một số nhà băng cắt giảm lãi suất đầu vào trung, dài hạn sẽ tạo điều kiện tốt hơn để họ tiếp tục điều chỉnh lãi suất cho vay. Thời gian tới, mặt bằng lãi suất này có thể thấp hơn khi quy định mới tại Thông tư 36 của NHNN cho phép các ngân hàng được sử dụng 60% vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn.

“Đây là cơ sở quan trọng để các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay kỳ hạn dài. Như vậy, có thể thấy sang năm thị trường sẽ có mặt bằng lãi suất trung, dài hạn tốt hơn nữa”, lãnh đạo một nhà băng cho hay.

Theo thống kê từ thị trường, lãi suất cho vay bằng VND thay đổi theo từng ngành sản xuất nhưng phổ biến dao động từ 7 - 12%/năm. Đặc biệt, một số ngân hàng thương mại tiếp tục áp dụng lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, có phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả chỉ ở mức 6 - 7%/năm.

Lạm phát - “cái bóng” của lãi suất

Quá trình điều chỉnh giảm của lãi suất của hệ thống ngân hàng trong thời gian qua được đánh giá là có tác động tích cực góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát và ổn định thị trường tiền tệ.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 của cả nước đã bất ngờ giảm 0,27%, tuy nhiên vẫn tăng 2,6% so với cùng kỳ tháng 11/2013. Lũy kế từ đầu năm, CPI tăng 2,08%, mức tăng rất thấp so với con số dự kiến của Chính phủ: đến hết năm CPI tăng 7%.

Bình luận về lạm phát, một vị chuyên gia cho rằng: “CPI thấp thấy dễ chịu hơn, bởi lạm phát là hình ảnh gắn liền với lãi suất. Hay nói cách khác, lãi suất chính là cái bóng của lạm phát. Đôi khi, bóng có thể chệch ra khỏi hình nhưng về cơ bản, bóng với hình đi với nhau. Bởi vậy, khi lạm phát thấp thì lãi suất ngân hàng sẽ thấp xuống. Lãi suất thấp xuống thì người vay tiền sẽ dễ chịu hơn”.

Trước ý kiến lo ngại, lạm phát thấp kéo theo lãi suất giảm sâu đang đe dọa kênh huy động vốn của ngân hàng, vị chuyên gia này cho hay: “Lãi suất cần phải hài hòa lợi ích giữa người đi vay và người gửi tiền, cũng như những cổ đông của ngân hàng. Bởi vậy, chúng ta không nên quá xúc động với những gì trong quá khứ mà chúng ta đã trải qua.

Trước đây lãi suất cao nhưng lạm phát cao, có thể lãi suất ngân hàng không thể bù đắp nổi cái giá mà con người dùng để mua một mặt hàng nào đó. Nhưng nay với lãi suất thấp, nhưng giá cả hàng hóa giảm, nên lãi suất ngân hàng vẫn đủ để mua một món hàng nào đó. Nói như vậy để thấy mọi thứ cũng chỉ tương đối mà thôi, mọi cái đều theo quy luật. Mà các cụ có câu nước lên, thuyền lên”.
 

Theo Dân trí

.