Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, việc Ngân hàng Nhà nước quyết định giảm lãi suất đồng USD về 0% là động thái chưa từng có trong tiền lệ. Qua đây có thể thấy chính sách rõ ràng về việc chống đô la hóa đang bắt đầu.
Hôm qua (28/9), Ngân hành Nhà nước (NHNN) đã bất ngờ thông báo Quyết định số 1938/QĐ-NHNN về việc điều chỉnh giảm mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng USD của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo Quyết định này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đưa mức lãi suất áp dụng đối với tiền gửi của tổ chức (trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) về mức 0%/năm. Cùng với đó, mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi của cá nhân là 0,25%/năm.
Lý giải về quyết định này, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đây là động thái nhằm ngăn chặn tình trạng găm giữ ngoại tệ, góp phần thực hiện có hiệu quả các giải pháp về chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng trong những tháng cuối năm 2015 và trên cơ sở đánh giá diễn biến kinh tế vĩ mô, tình hình thị trường tiền tệ, ngoại hối.
Chia sẻ với phóng viên về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, đây là một động thái mới và lần đầu tiên Việt Nam thực hiện. “Ngay cả FED cũng chưa thực hiện lãi suất bằng 0, mà chỉ xấp xỉ bằng 0. Rõ rằng đây là một động thái rất mạnh mẽ từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”, ông Phong nhấn mạnh.
Nhận định về lý do Ngân hàng Nhà nước bất ngờ đưa lãi suất đồng USD về 0%, ông Phong cho rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng là Ngân hàng Nhà nước muốn làm tăng lượng cung USD trên thị trường, vì thời gian vừa qua, cơ quan này đã phải can thiệp quá nhiều vào việc bình ổn thị trường.
Theo lý giải của vị chuyên gia này, mục tiêu để làm tăng nguồn cung là rất quan trọng, bởi vì khi các đơn vị nhận thấy gửi đồng USD không có lãi nữa thì tự khắc sẽ bán ra ngoài, sử dụng công cụ khác. Điều này đồng nghĩa với việc nguồn cung trên thị trường sẽ tăng lên.
Một nguyên nhân nữa cũng được ông Phong đưa ra, đó là động thái giảm lãi suất của Ngân hàng nhà nước sẽ giúp hoạt động tiền VND được hoạt động nhiều hơn, điều này đúng với mục đích chống đô la hóa. Đặc biệt, đây cũng là công cụ đối phó với việc trong thời gian tới, FED sẽ tăng lãi suất, khi đó, sẽ tạo ra áp lực tăng lãi suất của Việt Nam.
Bên cạnh những nguyên nhân trên, ông Phong cũng cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất sẽ khiến các doanh nghiệp thường xuyên sử dụng USD chuyển sang việc “mua đứt bán đoạn”, nghĩa là doanh nghiệp có nhu cầu sẽ mua vào và khi không sử dụng sẽ lập tức bán ra. “Điều này có thể sẽ khiến đồng USD trở nên khan hiếm hơn và người dân cũng khó tiếp cận với đồng USD hơn. Tuy nhiên, đây là mục tiêu chống đô la hóa của Ngân hàng Nhà nước”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định.
Đồng quan điểm này, trong đánh giá nhanh về động thái điều chỉnh lãi suất tiền gửi USD về mức 0%/năm đối với tổ chức (trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) và 0,25%/năm với cá nhân, các chuyên gia của ngân hàng ANZ cho rằng, đây là dấu hiệu rõ ràng về chính sách chống đô la hóa của Ngân hàng Nhà nước.
Cũng theo đánh giá của các chuyên gia ngân hàng ANZ, dù từ đầu năm đến nay, đồng VND đã được điều chỉnh giảm khoảng 5% so với USD, nhưng đây vẫn là một trong những đồng nội tệ có tính bền vững và ít biến động nhất trong khu vực nhờ tăng trưởng xuất khẩu tiếp tục được duy trì. “Việt Nam là quốc gia duy nhất có được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ trong bối cảnh nhiều đối thủ xuất khẩu khác trong khu vực trải qua sự sụt giảm” – các chuyên gia này nhận định.
Trong khi đó, nhận định về động thái giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước trên VTV trưa qua (28/9), chuyên gia đến từ Đại học Kinh tế quốc dân Phạm Thế Anh cũng cho rằng, động thái này của Ngân hàng Nhà nước sẽ khiến cho dòng vốn huy động đô la từ công chúng sẽ giảm đi, bởi lãi suất thấp hơn.
“Tôi không dám chắc xu hướng bán đô la để mua tiền Việt gửi vào hệ thông ngân hàng có tăng lên hay không, nhưng động thái này cho thấy mục tiêu cao nhất của Ngân hàng Nhà nước là chống hiện tượng đô la hóa, tức là không muốn người dân nắm giữ tiền đô la mà chuyển sang tiền Việt để các ngân hàng Nhà nước có thể mua vào và dự trữ lượng ngoại tệ cao hơn”, ông Thế Anh nhận định.
Tuy nhiên, chuyên gia Phạm Thế Anh cũng tỏ ý lo ngại về sự chuyển dịch dòng vốn ngoại tệ từ Việt Nam ra nước ngoài sau động thái quyết liệt của NHNN.
"So sánh với lãi suất ở Mỹ, thì lãi suất của đồng đô la ở Việt Nam hiện đã thấp hơn thị trường Quốc tế. Trong khi đó, thị trường vốn là thị trường lưu thông, đặc biệt là đối với các tổ chức nước ngoài không chịu sự ràng buộc, kiểm soát và các di chuyển vốn giống như người dân trong nước. Do vậy, những tổ chức này có thể dễ dàng rút phần vốn nhàn rỗi hoặc chuyển phần lợi nhuận, cổ tức… ở Việt Nam về Mỹ hoặc thị trường châu Âu để hưởng lãi suất cao hơn. Đó là một rủi ro hiện hữu." - ông Phạm Thế Anh băn khoăn.
Theo vnmedia.vn