Sau một tuần trần lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng giảm theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các ngân hàng cho biết lượng tiền gửi vào ngân hàng không có biến động nhiều vì thực tế xu hướng lãi suất giảm đã được dự báo trước.

 

Trần lãi suất tiền gửi bằng đồng dưới sáu tháng đã giảm từ mức 7,5% xuống còn 7%, còn kỳ hạn trên sáu tháng các ngân hàng được tự do ấn định. Một số ngân hàng như Eximbank, ACB... đã đưa lãi suất các kỳ hạn một, hai tháng còn thấp hơn trần 7%. Trong khi đó, dù được tự do ấn định, lãi suất tiền gửi bằng đồng kỳ hạn từ sáu tháng đến 12 tháng của đa số các ngân hàng chỉ dao động từ 7,2% đến 7,5%/năm.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB), cho biết lượng huy động tiền đồng của ngân hàng những ngày vừa qua có biến động không nhiều và chưa đủ để hình thành xu hướng. Theo ông Tùng, lý do có thể là xu hướng giảm lãi suất tiền gửi đã được người dân lường được, trước đó báo chí cũng đã đề cập khá nhiều, do vậy việc này không quá bất ngờ với người dân để có thể ảnh hưởng mạnh đến lượng vốn huy động của ngân hàng.

Còn đối với lượng huy động ngoại tệ, ông Tùng cho biết biến động hiện nay cũng không lớn dù trần lãi suất tiền gửi ngoại tệ đã điều chỉnh giảm từ 2% xuống còn 1,25%/năm từ ngày 27-6. Ông nói tổng tiền gửi cả tiền đồng và ngoại tệ của OCB đến cuối tháng 6 tăng khá tốt, tăng 16% so với cuối năm ngoái.

Ông Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc Ngân hàng HDBank, cũng cho biết lượng huy động tiền đồng ở ngân hàng ông không biến động nhiều. Hiện nay, HDBank nhận thấy chủ yếu khách hàng còn thăm dò thị trường, một số ít chuyển sang gửi kỳ hạn dài từ sáu tháng trở lên nhằm đảm bảo lợi nhuận thu được từ lãi tiền gửi, một phần vì các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản… đang còn khó khăn, và thêm vào đó, theo dự đoán, trong thời gian tới lãi suất tiền gửi có thể giảm thêm nữa nhằm thúc đẩy hoạt động cho vay, hỗ trợ nền kinh tế phát triển, ông Trung nói.

Trong khi đó, lãnh đạo một ngân hàng cho rằng đây có thể là lần giảm lãi suất cuối cùng trong năm nay khi lạm phát cả năm được dự báo ở mức 6%, và mức trần 7% hiện nay đã đảm bảo được mức lãi suất thực dương.

Giải thích nguyên nhân lượng tiền gửi ngoại tệ chưa biến động nhiều dù lãi suất ngoại tệ hiện thấp hơn rất nhiều so với lãi suất tiền đồng, ông Đặng Bảo Khánh, Tổng giám đốc Ngân hàng SeABank, cho rằng mặc dù trần lãi suất ngoại tệ giảm nhưng tỷ giá tiền đồng và đô la Mỹ cũng đã điều chỉnh tăng 1%, nên người giữ đô la Mỹ vẫn muốn nắm giữ tiếp với hy vọng giá đô la Mỹ tăng. Tiền gửi ngoại tệ tại ngân hàng SeABank vẫn chưa có biến động nhiều.

Tình trạng tương tự cũng được ghi nhận ở HDBank. Ông Trung cho biết trong mấy ngày gần đây tiền gửi đô la Mỹ từ khu vực dân cư của HDBank chỉ giảm nhẹ không đáng kể, khách hàng rút tiền chủ yếu do có nhu cầu sử dụng và chưa thể kết luận được xu hướng liệu người dân có chuyển sang nắm giữ tiền đồng thay vì đô la Mỹ. Tăng trưởng huy động của HDBank sáu tháng đầu năm vẫn tăng khá tốt, đạt mức 15,02%.

Trong cùng ngày giảm trần lãi suất tiền gửi bằng đồng và ngoại tệ, NHNN cũng đã điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đô la Mỹ và đồng Việt Nam thêm 1%, lên mức 21.036 đồng. Các ngân hàng sau đó đã điều chỉnh giá bán đô la Mỹ lên mức trần là 21.246 đồng. Tuy nhiên, hôm 4-7 tỷ giá trên thị trường tự do đột ngột tăng mạnh lên mức 21.600 đồng vào buổi sáng và buổi chiều giảm nhẹ còn 21.580 đồng, tăng mạnh so với mức 21.400 đồng ngày trước đó.

Lãi suất huy động đô la Mỹ ở tất cả các kỳ hạn của các ngân hàng không khác nhau, đều đứng ở mức 1,25%, đúng bằng mức trần lãi suất cho phép. Việc giảm trần lãi suất đô la Mỹ xuống thấp là một trong những động thái của NHNN nhằm từng bước giảm dần tình trạng đô la hóa ở Việt Nam.

 

Theo Thủy Triều

TBKTSG

.