Nhờ đóng góp tích cực của Kiểm toán Nhà nước, số liệu kiến nghị thực tăng thu, giảm chi ngân sách năm sau luôn cao hơn năm trước.

 


Qua đó, KTNN đã góp phần tăng thu, giảm chi ngân sách và xử lý tài chính khác 101.037 tỷ đồng, bằng 55% số kiến nghị xử lý tài chính trong 21 năm hoạt động của KTNN (184.486 tỷ đồng). Trong đó, 3 năm gần đây số liệu kiến nghị thực tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước tăng cao gần hai lần so với các năm trước (Năm 2013 là 8.683 tỷ đồng; năm 2014 là 8.061 tỷ đồng; năm 2015 là 12.658 tỷ đồng).

“Kết quả kiểm toán đã góp phần vào việc quản trị tài chính quốc gia, quản trị doanh nghiệp nhà nước. Các đơn vị được kiểm toán, các cấp, các ngành thấy rõ tác dụng, vai trò của KTNN để phối hợp tốt hơn, đồng thời nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công”, Tổng kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn khẳng định.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổng KTNN, quy mô kiểm toán hàng năm tuy đã được mở rộng, tăng nhiều nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Kết quả kiểm toán chưa chú trọng phân tích sâu, đánh giá hiệu lực, hiệu quả các cơ chế, chính sách. Đội ngũ cán bộ, kiểm toán viên còn thiếu về số lượng và chất lượng không đồng đều.

Trong giai đoạn tiếp theo, KTNN xác định mục tiêu nâng cao năng lực hoạt động, hiệu lực pháp lý, chất lượng và hiệu quả hoạt động của KTNN như một công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong kiểm tra, giám sát quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công; xây dựng KTNN có trình độ chuyên nghiệp cao, từng bước hiện đại, trở thành cơ quan kiểm tra tài chính công có trách nhiệm và uy tín, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phù hợp với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Thẩm tra công tác của KTNN nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, hoạt động kiểm toán của KTNN đã không ngừng tiến bộ, góp phần làm lành mạnh nền tài chính quốc gia, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, hỗ trợ đắc lực cho các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chính quyền các cấp trong hoạt động quản lý, sử dụng ngân sách, vốn và tài sản nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội theo mục tiêu Đại hội lần thứ XI của Đảng, ngày càng khẳng định vị thế, vai trò của KTNN trong quản lý kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ rõ: Báo cáo của KTNN cần đi sâu hơn và tăng thêm nội dung mang tính nhận định, đánh giá về kết quả đạt được cũng như các hạn chế, yếu kém và nguyên nhân trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, có sự phân tích, đánh giá, so sánh với kết quả hoạt động của KTNN trong những giai đoạn trước để rút ra những bài học kinh nghiệm, đưa ra giải pháp thiết thực cho tổ chức và hoạt động của KTNN giai đoạn tiếp theo./.
 

Theo VOV

.