Khi ngân hàng không còn sốt
Cập nhật lúc 10:48, Thứ ba, 03/09/2013 (GMT+7)
Tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành địa lý du lịch, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, N.H. Hạnh sẽ có thể kiếm được một vị trí tốt tại một công ty du lịch. (nhân sự ngân hàng, Sacombank, Habubank)
Tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành địa lý du lịch, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, N.H. Hạnh sẽ có thể kiếm được một vị trí tốt tại một công ty du lịch.
Dấu hiệu tích cực
Báo cáo kinh doanh 6 tháng đầu năm 2013 được các ngân hàng công bố cho thấy lợi nhuận tiếp tục giảm mạnh trong khi tỉ lệ nợ xấu vẫn gia tăng. Vì thế, việc cắt giảm chi phí và tiếp tục tái cơ cấu trong đó có tái cơ cấu bộ máy nhân sự là tất yếu.
Từ năm 2012 đến nay, các ngân hàng liên tục cắt giảm và tuyển dụng nhân sự. Điển hình là cuộc sàng lọc tại Ngân hàng Á Châu (ACB) và Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank). Năm 2012, ACB đã tuyển 1.663 người và VietinBank 1.218 người. Thế nhưng, chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2013, ACB đã cắt giảm 7% số nhân viên, tương đương 568 người, VietinBank cắt 189 người. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng cắt giảm 285 nhân viên trong 4 tháng đầu năm.
Trong khi nhiều ngân hàng cắt giảm mạnh nhân sự, vẫn có một số đơn vị tuyển người với số lượng lớn. Đáng chú ý là Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), khi tuyển tới 883 nhân viên trong 6 tháng đầu năm 2013. Một nguồn tin tại Sacombank cho biết, không chỉ tăng số lượng nhân viên, ngân hàng này còn dự kiến sẽ tăng lương do doanh số 6 tháng đầu năm đã vượt chỉ tiêu.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, sự thay đổi nhân sự này gắn liền với quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và đó là diễn biến tích cực. Việc ngân hàng này cắt giảm nhân sự sẽ là cơ hội tốt để các ngân hàng khác có thêm sự lựa chọn, tuyển được những ứng viên sáng giá, đáp ứng tốt yêu cầu công việc.
Bà Tiêu Yến Trinh, Giám đốc Công ty Tư vấn Nhân sự TalentNet, thì nhận xét: “Chúng tôi nhận thấy các ngân hàng vẫn đầu tư cho nhân sự chủ chốt và tìm kiếm nhân viên giỏi. Sự khác biệt ở đây có chăng là các ngân hàng sẽ ngày càng chú trọng hơn đến chất lượng lao động cũng như chính sách giữ nhân tài”.
Tình trạng cắt giảm, luân chuyển nhân sự cùng với việc cắt giảm lương thưởng đã làm cho độ nóng sốt của ngành ngân hàng giảm đi nhiều. Điều này cũng được thể hiện một phần qua chỉ tiêu tuyển dụng của các trường đại học đào tạo các chuyên ngành liên quan.
Đại học Ngân hàng, trường đào tạo lớn về nhân lực cho lĩnh vực tài chính ngân hàng tại TP.HCM và cả phía Nam, là một ví dụ. Trong năm 2013, Trường đã tuyển không đủ chỉ tiêu cho nguyện vọng 1. Chỉ tiêu tuyển là 1.500 sinh viên nhưng chỉ có 1.392 thí sinh dự thi.
Trong vài năm tới, khi nền kinh tế hồi phục, ngành ngân hàng khởi sắc, chắc chắn sẽ cần thêm nhân lực. Khi đó, ngân hàng sẽ tìm đâu ra người?
Theo Hà Yên
Nhịp cầu Đầu tư
.