Tỷ lệ hoán đổi cổ phần 1:1, toàn bộ nhân sự của hai ngân hàng đều giữ lại khiến cổ đông DaiABank phấn khởi, trong khi đó HDBank cũng có tiền đề tạo ra bước đột phá để lên top đầu nếu sáp nhập thành công.


Ông cũng cho hay, so với các cuộc hợp nhất, sáp nhập trước đây, thương vụ này có ưu thế ở chỗ mạng lưới hoạt động của hai bên không bị trùng lắp quá nhiều.

Đồng quan điểm, một lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng Phát triển Mê Kông (MDB) bình luận, hiện nay tổng tài sản của HDBank hơn 50.000 tỷ đồng, mạng lưới cũng hơn 100 điểm, chủ yếu ở TP HCM. Và đây là lúc họ muốn mở rộng quy mô tạo bước đột phá tăng hạng từ tầm trung lên một tầng nấc cao hơn.

Do đó, việc tăng cường mạng lưới bằng cách sáp nhập với DaiA Bank (khoảng hơn 80 điểm giao dịch) thì tổng mạng lưới sẽ tầm 200 điểm. Riêng tổng tài sản lên khoảng 80.000 tỷ đồng, vốn điều lệ hơn 7.000 tỷ đồng sẽ tạo tiền đề cho HDBank vươn lên nhóm G12.

Một chuyên gia từng tham gia tư vấn ở giai đoạn đầu của thương vụ sáp nhập này đánh giá khu vực địa bàn của DaiA Bank có rất nhiều tiềm năng và còn nhiều "đất" phát triển mạng lưới ngân hàng. Theo ông, khu vực Đông Nam Bộ (gồm các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu) có nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế phát triển.

Tuy nhiên, ông cho rằng đây cũng là trở ngại lớn cho các lãnh đạo mới tại HDBank, DaiA Bank vì "khẩu vị" của các doanh nghiệp FDI vẫn có phần thích ngân hàng chi nhánh nước ngoài hơn. "Ngân hàng mới cần tìm cách để kết nối được với các khách hàng tiềm năng tại đây", ông phân tích.

Ở một phương diện khác, các chuyên gia cho rằng việc nợ xấu của DaiA Bank năm 2012 vọt lên trên 5% sẽ là một trong những thách thức đối với các cổ đông mới của HDBank khi tham gia vào tái cơ cấu. Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần có trụ sở tại Hà Nội nhận xét: "Con số này vượt mức quy định nhưng dù sao cũng là con số báo cáo "thật" chứ không phải số liệu làm đẹp như của những đơn vị khác". So với những đơn vị tham gia đợt tái cơ cấu trước đây, nợ xấu của DaiA Bank không vướng nhiều vào Vinalines, Vinashin mà chủ yếu rơi vào các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn.

Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cũng nhìn nhận, những cuộc "hôn nhân" tự nguyện này là cần thiết trong bối cảnh thị trường hiện nay. Tuy nhiên, theo ông, cần hợp nhất toàn diện để cuộc "hôn nhân" không phải là phép cộng số học đơn thuần giữa hai nhà băng. "Dứt khoát sau cuộc sáp nhập này không thể là 1+1=1,5 mà cần phải tạo ra sức mạnh ít nhất gấp đôi, hoặc gấp 2,5 lần ngân hàng cũ trước đây", ông Hiếu nói.
 
Ông cũng lưu ý, trong mỗi cuộc sáp nhập, hợp nhất, không thể tránh khỏi những xáo động, đặc biệt về mặt nhân sự. "Thay vì loại bỏ khấu trừ một số vị trí thì các bên nên tính toán để điều chuyển cán bộ vào những công việc cho phù hợp", ông cho hay.

Quan ngại này của chuyên giá Hiếu được lãnh đạo một ngân hàng cổ phần cho rằng không đáng lo trong trường hợp này. Bởi theo ông, vấn đề tỷ lệ hoán đổi cổ phần và nhân sự bước đầu đã được HDBank và DaiABank thống nhất hoán đổi tỷ lệ 1:1 và sử dụng toàn bộ lao động của hai ngân hàng trước hợp nhất sáp nhập nên cũng phần nào làm yên tâm cả đôi bên, nhất là DaiABank.

Theo Thanh Lan-Lệ Chi
VnExpress

.