(BVPL) - Hiện nay, có khá nhiều ngân hàng “để mắt” đến nhóm khách hàng là tiểu thương nhưng dường như họ lại có vẻ ngần ngại đến ngân hàng khi cần vốn. Vì sao có nghịch lý trên?
Có quá nhiều rắc rối khi đến ngân hàng vay vốn
Đó là chia sẻ của chị Mai, tiểu thương chợ Lái Thiêu (Bình Dương). Sau 5 năm buôn bán tại một góc nhỏ trong chợ, chị muốn thuê một ki-ốt lớn hơn để mở rộng việc buôn bán kinh doanh. Tuy nhiên, ý định thì có nhưng chị không biết phải bắt đầu từ đâu để có đủ nguồn tiền. Hỏi vay bạn bè, ai cũng ái ngại từ chối khéo vì số tiền không phải nhỏ. Hỏi vay người thân, anh em họ hàng hầu hết đều nghèo khó lấy ai giúp chị. Không còn cách nào khác, chị quyết định nghỉ bán một ngày, chấp nhận mất tiền lời để đến gõ cửa vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, sau khi nghe nhân viên tư vấn, chị đành bỏ cuộc ra về bởi không thể nào đáp ứng được hết tất cả các yêu cầu của ngân hàng đặt ra dành cho người đi vay bởi nếu cứ bỏ việc đi lên đi xuống để hoàn thành thủ tục thì không khéo chưa vay được tiền chị đã cụt vốn bán hàng. Trường hợp chị Mai không phải là duy nhất bởi không ít tiểu thương cũng gặp phải vấn đề tương tự khi muốn vay vốn kinh doanh.
Nhận định được tiềm năng của nhóm khách hàng này, nhiều ngân hàng đã vào cuộc cho ra đời các gói vay dành riêng cho tiểu thương như: Maritime Bank, VP Bank, Agribank,…
Ngân hàng đến thay vì đến ngân hàng
Thêm một khó khăn nữa mà tiểu thương không muốn đến ngân hàng chính là thời gian. Do đặc thù công việc, tiểu thương phải đến chợ buôn bán từ rất sớm và dọn hàng khá trễ, vì vậy họ khó có thể sắp xếp lịch đi đến ngân hàng. Có những tiểu thương chấp nhận vay tín dụng đen theo ngày với lãi suất cắt cổ, thậm chí vay qua cò mồi để có tiền xoay vòng vốn buôn bán, bất chấp các nguy cơ rủi ro sau đó vì không đủ giấy tờ làm hồ sơ vay của ngân hàng.
Lãnh đạo của ngân hàng Maritime Bank chia sẻ: Để đáp ứng tận nơi nhu cầu của bà con, Maritime Bank đã xây dựng một đội ngũ nhân viên đến tư vấn cho từng tiểu thương trong chợ, chọn gói vay phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính. Thủ tục vay cũng được đơn giản hóa cho phù hợp với tình hình thực tế.
Theo số liệu thống kê, có khoảng 95% tiểu thương đã được giải quyết hồ sơ khi có ý định vay tại Maritime Bank bởi thủ tục vô cùng đơn giản, quy trình nhanh gọn. Mặt khác, các sản phẩm cho vay được thiết kế vô cùng linh hoạt, phù hợp với nhiều đối tượng. Tiểu thương có thể chọn gói vay tín chấp hay thế chấp trong vòng từ 1 đến 60 tháng với số tiền cho vay lên đến 1 tỷ đồng.
Anh Hùng, một trong những tiểu thương tại Hòa Khánh (Đà Nẵng) được giải quyết vay vốn đã rất hồ hởi: “Tui tưởng thủ tục vay phức tạp lắm chứ, không ngờ lại dễ như vậy, chỉ trong 2 ngày đã nhận được tiền, nhờ vậy công việc của tui thuận lợi vô cùng”. Bằng giọng tin tưởng, anh nói tiếp: “Khi vay, tui còn được tặng miễn phí bảo hiểm dư nợ tín dụng và bảo hiểm cháy nổ sạp chợ. Có hai loại bảo hiểm này tui yên tâm ghê lắm. Lỡ chẳng may có chuyện gì xảy ra cho tui thì mẹ tui không phải thay tui trả nợ”.
Với phương châm tìm đến với khách hàng, lắng nghe nhu cầu của họ, đưa ra giải pháp giúp họ tháo gỡ khó khăn về vốn, chăm sóc tận tình sau hậu mãi, giới thiệu những dịch vụ và sản phẩm cho cả gia đình khách hàng,… các ngân hàng đã dần trở nên quen thuộc với bà con tiểu thương, những người vốn dĩ rất ngại giấy tờ sổ sách và cả khái niệm vay mượn từ nhà băng. Nhờ có thêm nguồn tài chính hỗ trợ tin cậy mà công việc buôn bán thuận lợi hơn và cũng giảm thiểu những rủi ro khi vay nóng.
PV