Theo Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18-6-2014 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp Nhà nước, hàng loạt doanh nghiệp có vốn Nhà nước tại Đồng Nai sẽ tiến hành cổ phần và thoái vốn Nhà nước.


Ông Nguyễn Trọng Trí, Phó giám đốc Donafoods, cho hay:  “Trong giai đoạn 2014-2015, sẽ thoái hết vốn Nhà nước ở 2 công ty con của Donafoods là Công ty Donafoods Thái Bình và Công ty cổ phần phát hành sách Đồng Nai. Việc thoái hết vốn Nhà nước ở các công ty con này sẽ giúp Donafoods tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh chính của mình để đạt hiệu quả tốt hơn. Còn cổ phần hóa công ty mẹ sẽ được thực hiện vào năm 2015 và dự tính sẽ giữ lại dưới 50% vốn Nhà nước. Hiện công ty đang tính toán kỹ để việc thoái vốn không gây xáo trộn đến sản xuất”. Thực tế, các doanh nghiệp sau khi thoái vốn Nhà nước nhưng vẫn còn giữ từ 51% phần vốn trở lên thì mọi hoạt động trong công ty ít biến động.

“Hiện Công ty cổ phần Sonadezi Long Bình đang nắm giữ 79% vốn Nhà nước, đến giai đoạn 2016-2020 sẽ giảm xuống còn 51%. Với tỷ lệ 51%, mọi quyết định vẫn thuộc về Nhà nước và công ty sẽ không có sự thay đổi nhiều về hoạt động so với trước” - ông Hà Điệp, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Sonadezi Long Bình ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 nói. Theo kế hoạch từ nay đến năm 2020, Đồng Nai sẽ thoái hết vốn Nhà nước ở 11 doanh nghiệp. Cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước là một trong những yêu cầu bắt buộc khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định TPP.

 

Nhiều nhà đầu tư chờ đợi

Theo đánh giá của nhiều công ty đang tiến hành cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước, những doanh nghiệp Nhà nước có tiềm năng hầu hết được các nhà đầu tư trong và ngoài nước ngỏ lời trước với mong muốn sẽ mua lại cổ phần. Theo một số chuyên gia kinh tế, lãi suất của tiền gửi tiết kiệm hiện nay thấp, bất động sản hết thời nên các nhà đầu tư muốn chọn một kênh đầu tư an toàn, lợi nhuận cao hơn. Vì thế, mua lại cổ phần của các công ty Nhà nước hoạt động hiệu quả là kênh được nhiều nhà đầu tư lựa chọn. Phía các doanh nghiệp Nhà nước cũng hy vọng sau khi cổ phần thoái vốn Nhà nước, những dự án tiềm năng đang thiếu vốn có thể huy động từ các cổ đông để thực hiện nhanh, mang lại lợi nhuận cao.

Ông Phạm Thế Tăng, Trưởng phòng Kế hoạch-kỹ thuật Công ty TNHH một thành viên cấp nước Đồng Nai, cho hay: “Công ty sẽ cổ phần hóa xong trong năm 2014. Sau đó sẽ tiến hành thoái vốn Nhà nước, chỉ giữ lại khoảng 64%. Hiện công ty đang thiếu vốn đầu tư các dự án cung cấp nước sạch, vì thế hy vọng sau khi cổ phần sẽ huy động nguồn lực của các cổ đông để đầu tư nhanh các dự án nước sạch, sớm thu hồi vốn”. Tuy chưa chính thức bán cổ phần, nhưng công ty này đã nhận được sự săn đón của một số nhà đầu tư tiềm năng. Mới đây, tại cuộc họp về đổi mới doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Tâm, Phó tổng giám đốc Dofico, cho biết: “Tổng công ty dự kiến năm 2019 hoặc 2020 mới cổ phần, nhưng hiện đã có một số đối tác nước ngoài hỏi thăm và dự tính sẽ mua lại cổ phần nếu tổng công ty chào bán”.

Theo ông Huỳnh Văn Huệ, Phó giám đốc Sở Tài chính, hầu hết các doanh nghiệp Nhà nước đều thống nhất với phương án cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước và đang tiến hành thực hiện theo đúng tiến độ. Một số doanh nghiệp đề xuất tăng tỷ lệ Vốn nhà nước nắm giữ thêm 5-10% so với đề án Chính phủ phê duyệt và tỉnh đang xem xét, nếu phù hợp sẽ chấp thuận.

 

Theo Báo Đồng Nai

.